Tết Thiên di
Ai đi xa mà không mong Tết đoàn viên nhưng viên mãn hơn phải là lòng ta yên. Mong ra xuân, con sẽ về cạnh mẹ, cánh mai có tàn nhưng lộc xuân vẫn mơn man trên khắp đường quê và trong cả trái tim những con người trót mang số thiên di.
-Tết tới nơi rồi, không ở nhà, còn công tác ở đâu nữa đó?
-Dạ, năm nay chắc ăn Tết miền Trung.
-Mẹ nói con có chân đi là đúng rồi mà.
Mẹ thở dài, cúp điện thoại. Còn tôi thì ngẩn ngơ nhớ về câu chuyện thuở bé. Từ nhỏ, tôi đã nghe mẹ nói mấy đứa chân phẳng sướng lắm. Lúc đó, tôi chẳng hiểu lắm, chân phẳng là sao mà sao lại sướng. Nhưng khách quan mà nói thì tôi cũng “sướng sương sương” khi từ nhỏ đã hổng chịu ở yên một chỗ.
Gia đình ly tán, anh em tôi được các cô chú nuôi dưỡng, rồi quay về ở với nội cho đến khi bà qua đời năm tôi mười bảy. Tiếp đó là những năm tháng sinh viên đổi chỗ trọ liên miên vì nhiều lý do. Cho tới khi lớn, tôi chọn nghề MC, cũng vất vả ngược xuôi khắp các tỉnh xa. Có khi giấc ngủ chỉ là lần gật gù theo nhịp lăn bánh xe; và chiếc giường êm là cái ghế súp… Tôi đã “sướng” như vậy đó.
Khi gia đình tái hợp năm 2015, đó cũng là lúc tôi ngạc nhiên hỏi mẹ: “Sao dưới chân con có một nốt ruồi, không biết ở đâu mọc ra nè mẹ?”. Mẹ bảo: “Đó là nốt ruồi thiên di. Ai có nó thì phải sống xa nhà, tha hương.”
Lúc đó, tôi vẫn bán tín bán nghi cho tới khi rời Việt Nam năm 2017 để qua Philippines sinh sống, làm việc và viết cuốn sách kỹ năng “Bơi ngay đi - Muốn thành cá mập phải bơi ra biển lớn” (Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM). Vẫn chưa kịp hoàn hồn thì khi về nước, lại tiếp tục chinh chiến gần xa ở các nẻo quê hương nhờ trở thành MC cho ba chương trình du lịch, trải nghiệm, khám phá văn hóa và ẩm thực của VTV.
Giờ thì tôi công nhận đôi chân thiên di đã mang đến những điều tuyệt vời thế nào. Rồi tôi dùng chính cảm xúc và sự nhiệt thành để ghi dấu lại hành trình của mình bằng những trang sách. Tết này, tôi xin phép được rủ rê độc giả thong dong cùng mình qua những miền đất lạ cho đã đời những đôi chân thiên di.
Ninh Thuận là một tỉnh ven biển thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Tỉnh lỵ của Ninh Thuận là thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, nằm cách TP.HCM 340km về phía nam và cách sân bay Cam Ranh khoảng 60km.
Từ TP.HCM bay ra sân bay quốc tế Cam Ranh, tôi ngồi đợi đoàn của mình từ Hà Nội bay vào. Khá bất ngờ vì cái sân bay nhỏ xíu. Chỉ cách đây vài năm, tôi từng đặt chân đến đây, nay đã nâng cấp thành cảng hàng không Quốc tế. Các tuyến bay hiện tại bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Mã Lai và Thái Lan.
Thời tiết tháng 2 nhưng vẫn khô và nóng khiến cho kẻ lữ hành phải tìm nơi nương tựa là một quán cà phê khá lớn nằm ngay cổng sân bay để ngồi. Gần 11 giờ trưa, mặt trời vào ngọ nên bỏng rát, cả người như miếng thịt trên lò than hồng, may có lớp kem chống nắng đã bôi trước khi xuống máy bay, chứ không tôi cũng chẳng đủ tự tin mà khoe da thịt.
Với những nước có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam thì việc thủ sẵn lọ kem chống nắng cũng quan trọng tương đương như thuốc cảm ho hay đau bụng trong những chuyến đi du lịch. Bởi ngoài việc sưởi ấm cho hành tinh xanh thì mặt trời còn đồng thời gửi xuống những tia UV (hay tia tử ngoại) khiến da có khả năng bị xâm phạm và rối loạn. Nặng nhất có thể gây ung thư da, cực kỳ nguy hiểm.
Giữa cái trưa nắng ngột ngạt của miền Trung, sau khoảng 30 phút khó lòng tập trung mà đọc sách, tôi ngồi nhìn những bác tài da ngăm đen, rắn chắc đang thoăn thoắt chào mời khách bộ hành vừa ra khỏi nhà ga. Nói gì thì nói, văn hóa mời khách vẫn ăn sâu vào tận sâu con người Việt Nam, từ người mua đến kẻ bán, bất kể đó là món hàng hóa hay dịch vụ gì.
Cũng không ít lần tôi nhìn thấy tình trạng chen lấn, xô đẩy để bắt khách tại các bến xe, nhà ga nhưng chắc khó lòng mà giải quyết. Nếu cái cốt vẫn chưa được thay thế hoàn toàn thì dù cho vẻ ngoài có hiện đại cách mấy, cũng chỉ là thứ vỏ bọc tạm bợ. Nhưng mà lần này thì khác, nghe mấy lời chào hỏi đặc sệt giọng miền trung với các âm “a-e” lẫn lộn cùng nụ cười tươi rói khoe hàm răng ố vàng vì thuốc lá, cà phê của mấy anh tài, tự dưng tôi lại không thấy phiền lòng mà còn đâm ra thích thú. Không phải là tôi có ý cợt nhả đâu, tôi xin giải thích tường tận ngay bây giờ.
Thời tôi còn là sinh viên, ở trọ cùng đám bạn đồng trang lứa. Lúc đó, tôi chơi khá thân với thằng bạn tên Sang, người Nha Trang chính gốc.
Có lần mấy anh em lai rai tâm sự, nó mới đố rằng: “Miền Bắc có bốn mùa xuân hạ thu đông, còn miền Nam có mùa nắng và mưa. Hỏi tụi bây chứ miền Trung tao có mấy mùa?”. Cả bọn lao nhao một hồi, rồi cũng im re, nghe nó hài hước đáp: “Miền Trung ở giữa nên tụi bây cứ trung bình cộng vào là xong chứ gì. Bốn cộng hai chia cho 2 là bằng mấy? Bằng “be” chứ gì”.
Cả đám cười giòn, vì thằng này luôn phát âm chữ a và e giống nhau, số ba toàn đọc thành “số be” mà thôi. Nói đoạn, nó tiếp: “Miền Trung có mùa nắng của Sài Gòn mà nóng kinh hơn nhiều nha, như đổ lửa chứ chẳng chơi.
Có mùa đông của Hà Nội nhưng lạnh thấu xương cũng chẳng kém và có cả mùa “đặc sản” nữa, mùa bão lũ hay mùa trắng tay”. Nói tới đây, tự dưng tôi nhớ thằng bạn mình thiệt nhiều. Chắc vì không được mẹ thiên nhiên ưu ái nhiều về khí hậu, cho nên người miền Trung lại giỏi giang, tháo vát, chịu thương chịu khó đến vô cùng.
Đang mạch suy nghĩ thì chuông điện thoại reo lên, đồng đội của tôi cũng đã có mặt, bao gồm cô em biên tập dễ thương cùng hai cậu quay phim xứ Bắc đang lom khom hành lý. Chúng tôi nhờ một anh tài xế có nụ cười tươi rói chở đi Ninh Thuận, về hướng huyện Bắc Ái.
Xe ra khỏi sân bay, ngược hướng những chiếc taxi còn lại, vì đa phần khách đáp xuống Cam Ranh chủ yếu sẽ đi Nha Trang. Tôi được ưu tiên ngồi ghế kế tài xế như bao lần, vì… to xác nhất đoàn. Xa xa trước ô kính xe là cảnh vật hiện dần lên, xơ xác nào những đồng cỏ chạy dài xen màu vàng nâu và xanh lá.
Con đường trước mắt như bị uốn rung lên bởi lớp không khí sát mặt đất bị mặt trời nung nóng, bốc lên thành một dòng đối lưu ngột ngạt. Nghĩ tới viễn cảnh lên đồi cát ngày mai cũng dưới cái nắng này, bất giác tôi thấy cổ họng mình khô rát. Nhưng thôi, đó lại là chuyện của ngày mai, còn hiện tại tôi ngồi xem qua kịch bản để chút ít nữa thôi sẽ bấm máy luôn.
Nhân vật mà tôi giao lưu ngày hôm nay là một giáo viên tiểu học, người dân tộc Raglai. Raglai là một nhánh của dân tộc Chăm, cho nên hai dân tộc này có những mối tương quan trong phong tục tập quán cũng như tín ngưỡng dân gian. Tại Ninh Thuận, tộc người này chia làm hai nhóm chính: Raglai Bắc và Raglai Nam. Nơi chúng tôi dừng chân là trường tiểu học Phước Thành A, xã Phước Thành, huyện Bắc Ái cũng là khu vực tập trung đại đa số người Raglai Bắc.
Cô giáo Chamaléa Thị Khuyên xuất hiện tiếp đón chúng tôi với bộ áo dài trắng phối đỏ giản dị. Cô nói tiếng Việt phổ thông rõ ràng, cùng nụ cười hiền hậu đúng kiểu giáo viên tiểu học. Cô kể, mấy năm trước các bé đi học ít lắm, vào lớp mà sỉ số chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đứa nào biết đi biết nói, cũng nhanh chóng được ba mẹ giao nhiệm vụ hết cả. Không chăn bò chăn dê thuê thì cũng trồng trọt hay chăm em cho ba mẹ lên rẫy. Công tác vận động không phải là chuyện dễ dàng. Thế nhưng nhờ lợi thế là người Raglai cùng sự quyết tâm của mình, cô đã “rủ rê” được kha khá các em đến lớp để không bỏ con chữ.
Thế nhưng, nỗi băn khoăn của cô vẫn là sự học của các em chỉ dừng lại ở cấp một mà thôi, ít em nào chịu phấn đấu tiếp để hoàn thành chương trình học dù vẫn đậu được cấp Trung học cơ sở. Ấy là do cái nếp sống từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của bao nhiêu thế hệ những người con sống nhờ cơ bắp, nhờ làm thuê và nhờ bán sức lao động. Với họ, biết đọc, biết viết thôi là đủ lắm rồi.
Theo chân cô vào sâu trong thôn để đến với một gia đình mà cô đã bỏ sức cả tháng nay thuyết phục, vì gia đình không cho em học tiếp mà bắt đi chăn dê, chúng tôi ngỡ ngàng khi chỉ cách có chưa đầy một cây số mà đời sống ở đây khác hẳn.
Điện vẫn chưa vào đến thôn và thứ ánh sáng để các em học bài vào buổi tối vẫn là đèn dầu. Chúng tôi gặp mẹ em đang lui cui dưới bếp nấu nướng. Người phụ nữ với nước da đen nhẻm trong trang phục thường ngày là váy dài quá gối, nhuốm màu tro bụi.
Có vẻ bà không rành tiếng Kinh nên chỉ trao đổi với cô giáo bằng tiếng Raglai. Phần này khó lòng có sự xuất hiện của tôi, vì mỗi bên dùng một loại ngôn ngữ, cho nên bé biên tập quyết định cho tôi nghỉ sớm một chút vì có giao lưu cũng chẳng ai hiểu ai. Hai bạn quay phim thì tha hồ tác nghiệp, nào đèn dầu, nào sàn đất, nào mái lá liêu xiêu, bấy nhiêu chất liệu đó thôi cũng đủ khiến các tay máy hứng khởi ra sức lấy hình.
Tôi lội bộ ngược ra đường cũ khi trời chiều đã nhá nhem. Xa xa là nhúm đỏ hồng của hoàng hôn sắp tắt, tấm vải đêm màu tím thẫm được mặt trời kéo căng ra khi bỏ về đằng tây.
Xung quanh là đồng cỏ bạc màu với mấy khối đá chả ai buồn động đến, nằm chễm chệ vừa đủ cho tôi ngồi ngắm chiều buông. Một ngày thật dài với một chuyến bay sáng, một chiếc xe taxi trưa cùng máy quay, kịch bản và nhân vật. Một ngày tắt nắng với mồ hôi chưa ráo lưng nhưng đầy hạnh phúc vì được lao động.
Bất giác, tôi đồng cảm với cô giáo người Raglai vì sự kiên nhẫn trong công tác giáo dục của mình, bởi tôi cũng là một nhà giáo. Nếu thực sự học trò của mình bỏ lớp, bỏ bài vở thì chắc chắn tôi cũng sẽ tìm đường động viên.
Đứng giữa con đường vào thôn và con đường chính với đèn điện cách chừng mấy trăm mét ngoài kia, tôi lơ thơ ngồi phơi mặt cho từng cơn gió chiều nâng nhẹ lên mảng suy tư vô định. Trong giây phút đó, tôi chẳng nghĩ gì, chỉ biết rằng trái tim tôi đang hân hoan hát khúc ca yêu lao động, yêu cuộc đời. Cuộc đời của kẻ chọn những chuyến đi làm nhiên liệu để đốt cháy động cơ bên trong mình.
Ánh đèn pin cùng tiếng cười nói rộn ràng, báo hiệu đoàn làm việc cũng đã kết thúc công việc. Chúng tôi vác máy lội bộ ra ngoài, kết thúc ngày đầu tiên tại mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió này.
Tết đến trên khắp mọi nhà, mọi miền, đâu đâu cũng là niềm vui sum họp, đoàn viên, nhưng đâu đó trên mảnh đất hình chữ S vẫn có những cô cậu bé miệt mài kiếm tìm tri thức.
Tôi may mắn được đi nhiều, tiếp xúc với đa dạng các nền văn hóa nên càng thấm thía hơn nỗi vất vả của những lo toan miền xa. Chỉ mong các em vững chãi đeo đuổi con chữ. Hơn hết, còn có những người thầy không quản ngại vất vả truyền dạy kiến thức cho thế hệ mai sau. Chúc cho xuân này đầm ấm trên khắp mọi miền, Tết nay vạn chữ, triệu điều gửi trao.
Năm nay, có thể con không về làm tròn bổn phận nhưng con tin ở miền xa, công việc sẽ phát triển, những nỗ lực của con sẽ giúp sức cho nhiều người. Ai đi xa mà không mong Tết đoàn viên nhưng viên mãn hơn phải là lòng ta yên. Mong ra xuân, con sẽ về cạnh mẹ, cánh mai có tàn nhưng lộc xuân vẫn mơn man trên khắp đường quê và trong cả trái tim những con người trót mang số thiên di.
(*)Ủy viên Ban chấp hành, Phó Ban Truyền thông – Sự kiện Hội Quảng cáo TP.HCM, Thành viên Hội Nhà văn TP.HCM