Phía sau việc cổ đông ngoại thoái vốn ngân hàng nội

ANH KHOA| 26/03/2019 00:18

Theo báo cáo mới công bố cho thấy, sau hơn 10 năm đầu tư vào Seabank, Tập đoàn Société Générale đã thoái vốn tại ngân hàng này, đánh dấu thêm một cổ đông chiến lược nữa rút khỏi các ngân hàng Việt Nam.

Phía sau việc cổ đông ngoại thoái vốn ngân hàng nội

Có quá bất ngờ?

Société Générale là một trong những tập đoàn tài chính lớn của châu Âu, đóng trụ sở tại Pháp nhưng có hoạt động ở nhiều quốc gia. Tháng 7/2008, tập đoàn này đã trở thành cổ đông chiến lược của Seabank với tỷ lệ sở hữu ban đầu là 15%, sau đó tiếp tục nâng lên mức kịch trần 20% theo quy định lúc bấy giờ. Trong khi đó, Seabank được thành lập từ năm 1994 và hiện vẫn chưa được niêm yết chính thức nên việc công bố thông tin về kết quả kinh doanh cũng còn nhiều hạn chế.

Báo cáo tài chính quý IV hợp nhất mới đây cho thấy lợi nhuận sau thuế 2018 của Seabank dù chỉ đạt khiêm tốn 493 tỷ đồng, nhưng vẫn tăng gần 62% so với năm 2017. Các chỉ tiêu khác cũng chỉ tăng ở mức tương đối như tổng tài sản tăng hơn 12%, cho vay khách hàng tăng gần 19%, tuy nhiên tiền gửi khách hàng chỉ tăng 5,4%. Đáng chú ý là vốn điều lệ của Seabank đã tăng hơn 2.200 tỷ đồng trong năm 2018, lên mức 7.688 tỷ đồng.

Việc hai tổ chức này "đường ai nấy đi" có lẽ cũng không quá bất ngờ, khi những năm qua, thị trường liên tiếp chứng kiến hàng loạt cổ đông chiến lược của các ngân hàng nội địa liên tiếp thoái vốn. Đầu tiên là thương vụ ANZ sớm tạm biệt Sacombank, OCBC thoái vốn VPBank. Gần đây nhất có HSBC chia tay Techcombank, Standard Chartered thoái vốn ACB, BNP Paribas rút khỏi OCB.

Phía sau những thương vụ này là gì?

Việc các cổ đông chiến lược nước ngoài dần rút khỏi các ngân hàng trong nước có thể có nhiều lý do, có thể kể đến như xung đột lợi ích, không ít tổ chức đã mở thêm ngân hàng có 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, do đó việc duy trì các khoản đầu tư vào ngân hàng trong nước là không còn cần thiết.

Trong bối cảnh các ngân hàng trong nước tiếp tục tăng mạnh vốn để đáp ứng các tiêu chí an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế, do đó nếu các cổ đông chiến lược không muốn giảm tỷ lệ sở hữu thì buộc phải mua thêm ở các đợt phát hành tăng vốn. Tuy nhiên, các cổ đông này lại không muốn gia tăng thêm các khoản đầu tư, do đó rút vốn là lựa chọn phù hợp nhất.

Trường hợp này có thể kể đến ANZ, HSBC hay Standard Chartered Bank, khi đây là 3 trong số 9 ngân hàng có 100% vốn nước ngoài đã hoạt động tại Việt Nam từ lâu. Còn phải kể đến việc các cổ đông chiến lược này theo thời gian mất dần sự kiểm soát, không đạt được mục tiêu đầu tư như ban đầu đặt ra. Như trường hợp của HSBC từ năm 2012 đã mất dần tầm ảnh hưởng khi vai trò giảm dần tại Techcombank.

Một số nhà đầu tư buộc phải thoái vốn theo định hướng chiến lược của tập đoàn mẹ, nhất là trong bối cảnh ngân hàng trung ương tại các quốc gia phát triển đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại, chi phí vốn vay tăng và có những rủi ro mới đối với các khoản đầu tư.

Như tại Seabank, đại diện ngân hàng này cho biết Société Générale đã thoái vốn vào cuối năm 2018 với mục đích tái cơ cấu danh mục đầu tư nhằm rút các khoản đầu tư khỏi thị trường Việt Nam và cả ở châu Á. Trước SeaBank, Société Générale cũng thoái 100% vốn ở mảng tài chính tiêu dùng khi bán lại Công ty TNHH MTV Tài chính Việt Société Générale (SGVF) cho HDBank.

Một yếu tố quan trọng nữa là trong bối cảnh các ngân hàng trong nước tiếp tục tăng mạnh vốn để đáp ứng các tiêu chí an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế, do đó các cổ đông chiến lược không muốn giảm tỷ lệ sở hữu thì buộc phải mua thêm ở các đợt phát hành tăng vốn, nhưng lại không muốn gia tăng thêm các khoản đầu tư, do đó rút vốn là lựa chọn phù hợp nhất.

Như trường hợp của Seabank, việc tăng vốn trong năm 2018 diễn ra qua ba đợt phát hành hơn 222,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và người lao động. Theo đó, nếu Société Générale không mua thêm thì tỷ lệ sỡ hữu tất yếu sẽ bị pha loãng.

Mất kiên nhẫn?

Với quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với ngành ngân hàng tiếp tục bị kiểm soát và hạn chế, thì không loại trừ khả năng nhiều ngân hàng nước ngoài trước đây đầu tư vào các ngân hàng nội địa không chỉ đơn thuần là đầu tư tài chính, mà hướng đến mục tiêu sâu xa hơn là nhằm giành quyền kiểm soát và thậm chí là thâu tóm dần.
Chính sách kiểm soát quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng vẫn rất chặt chẽ, do đó đến một lúc nào đó các tổ chức này nhận thấy chính sách thay đổi quá chậm nên mất kiên nhẫn và rời đi.

Một điểm đáng chú ý nữa là vì sao phần lớn cổ đông chiến lược nước ngoài lại quyết định thoái vốn trước thời điểm các ngân hàng trong nước chính thức lên sàn, như tại Techcombank, OCB hay Seabank mới đây? Để trả lời câu hỏi này, có thể quay lại việc tăng vốn, vì khi lên sàn, nhiều ngân hàng sẽ đẩy nhanh việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn do tiếp cận được với lượng nhà đầu tư rộng hơn, kêu gọi thêm các nhà đầu tư tổ chức. Và như đã nói, điều đó sẽ làm loãng tỷ lệ sở hữu của cổ đông chiến lược nếu nhóm này không mua thêm.

Một lý do nữa là những e ngại biến động giá cổ phiếu sau khi lên sàn, vì sau đó nếu thoái vốn sẽ bị ảnh hưởng lớn vào định giá thị trường mà có thể thấp hơn giá đầu tư ban đầu hoặc mức giá mục tiêu mà các cổ đông này muốn thoái.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phía sau việc cổ đông ngoại thoái vốn ngân hàng nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO