Lớn thừa tiền, nhỏ khó xoay

THANH CHI| 29/09/2010 00:29

Dự báo tín dụng sẽ tăng trong quý IV/2010 do nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng theo chu kỳ kinh doanh cuối năm. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đang nỗ lực đẩy mạnh bơm vốn cho các ngân hàng thương mại qua thị trường mở như chỉ đạo của Chính phủ.

Lớn thừa tiền, nhỏ khó xoay

Dự báo tín dụng sẽ tăng trong quý IV/2010 do nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng theo chu kỳ kinh doanh cuối năm. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đang nỗ lực đẩy mạnh bơm vốn cho các ngân hàng thương mại qua thị trường mở như chỉ đạo của Chính phủ.

Song, bên cạnh những tín hiệu tích cực, thị trường tín dụng hiện vẫn tồn tại một số rào cản hành chính khiến cho mặt bằng lãi suất chưa thể giảm nhanh và mạnh như mong đợi và chủ trương.

Thị trường NH đang cần một điều chỉnh để khơi thông dòng vốn - Ảnh Quý Hòa

Một trong những rào cản đối với đà giảm lãi suất là quy định các ngân hàng (NH) không được sử dụng quá 20% vốn trên thị trường NH làm vốn tín dụng. Vì vậy, dù nguồn vốn trên thị trường 2 (liên NH) khá dồi dào, nhưng hoạt động kinh doanh của các NH thương mại vẫn bị hạn chế mặc dù lãi suất vay qua thị trường này đang khá rẻ so với chi phí huy động vốn từ thị trường 1 (dân cư).

Đáng chú ý là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn chưa có động tĩnh gì về việc sẽ điều chỉnh một số quy định được cho là chưa phù hợp với tình hình của thị trường cũng như sự đồng đều giữa các NH thương mại trong nước.

Chẳng hạn, Điều 18 của Thông tư 13 quy định các NH chỉ được sử dụng tối đa 80 - 85% tổng vốn huy động về cho vay và tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế, bảo hiểm xã hội, Kho bạc Nhà nước... không được tính vào tổng vốn huy động được cấp tín dụng sẽ khó khăn cho các NH. Quy định này dẫn đến cạnh tranh huy động vốn, đẩy chi phí đầu vào tăng.

Trong khi đó, chủ trương của Chính phủ về giảm lãi suất (huy động 10%/năm và cho vay 12%/năm) đã được đặt ra khá lâu nhưng đến nay vẫn khó thực hiện. Gần đây, áp lực tăng lãi suất lại mạnh lên và đó là vấn đề mà rất nhiều chuyên gia kinh tế cho là “rất đáng lo ngại”. Bởi vì, lãi suất cao, doanh nghiệp không mặn mà tiếp cận vốn, nhất là khi thị trường còn khó khăn.

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, bối cảnh hiện nay đòi hỏi NHNN phải tăng thêm cung ứng tiền để giảm áp lực lãi suất huy động. Đồng thời, bỏ hoặc điều chỉnh các quy định về tỷ lệ NH không được dùng quá 20% vốn liên NH. Vì các NH thương mại lớn thừa tiền, nhưng không thể cho NH nhỏ vay. Còn NH nhỏ không được sử dụng quá 20% vốn liên NH nên phải tăng lãi suất đầu vào.

Sự bất nhất về lãi suất không chỉ dừng lại ở đó mà nó đang kéo theo khá nhiều hệ lụy. Theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, tám tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn ngành NH là 16,27%; huy động vốn đạt 17,75% và tổng phương diện thanh toán là 16,31% so với cuối năm 2009. “Bức tranh kinh tế trong tám tháng đầu năm 2010 cho thấy, các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2010 là hoàn toàn có thể đạt được.

Tuy nhiên, vẫn có những khó khăn ngắn hạn như áp lực lạm phát cao, thiếu thanh khoản cho nền kinh tế, mặt bằng lãi suất và nhập siêu tăng...”, ông Lịch nhận định. Ông cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất tuy ổn định, nhưng lãi suất dương còn quá cao. Cụ thể, lãi suất tiền gửi bình quân hiện nay là 11%, nếu trừ đi 7% (mức lạm phát kỳ vọng của năm 2010) lãi suất đã thực dương 4%...

Thêm vào đó, chi phí đầu vào tăng khiến lãi suất cho vay khó giảm theo chủ trương, gây khó khăn đối với những doanh nghiệp đầu tư sản xuất, xuất khẩu và cạnh tranh ở thị trường trong nước. Vì thế, theo các chuyên gia, cần sớm tháo gỡ các nút thắt về lãi suất, để từ đó có thể tháo gỡ nút thắt cho hệ thống NH và cho cả tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, NHNN cũng xem xét để giảm lãi suất trái phiếu Chính phủ. Bởi vì, lãi suất trái phiếu Chính phủ hiện nay cũng tương đối cao, trong khi lãi suất chiết khấu của NHNN thấp. Do đó, một số NH thương mại thừa vốn mua trái phiếu Chính phủ với lãi suất cao về chiết khấu lại cho NHNN với lãi suất thấp hơn để kiếm lời ngay trên thị trường tiền tệ cấp cao. Dẫn đến dòng vốn đi vào thị trường và đến tay doanh nghiệp ngày một hạn hẹp hơn.

Theo ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank, nếu mạnh tay cắt giảm lãi suất đầu vào, khó tránh được tiền tiết kiệm “chảy” sang NH khác áp dụng mức lãi suất cao hơn. Thực tế hiện nay, mặt bằng lãi suất giữa các NH đang áp dụng mức đồng đều, giao động 11 - 11,2%/năm.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chiều ngày 27/9 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 19/2010/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Theo Thông tư 19, đáng chú ý là việc sửa đổi Điều 18 của Thông tư 13 về tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động. Theo đó, tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng vốn huy động để cấp tín dụng với điều kiện trước và sau khi cấp tín dụng đều đảm bảo tỷ lệ về khả năng chi trả và các tỷ lệ bảo đảm an toàn khác quy định tại Thông tư này. Việc cấp tín dụng từ nguốn vốn huy động không được vượt quá các tỷ lệ quy định như sau: Đối với ngân hàng là 80%; đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 85%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lớn thừa tiền, nhỏ khó xoay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO