“Cổ phiếu cao su”: Sức bật trên sàn

LƯƠNG MINH| 27/05/2009 09:07

Nếu như các cổ phiếu (CP) tài chính đang thu hút nhà đầu tư (NĐT) và thị giá tăng vùn vụt, thì CP ngành cao su cũng được chú ý do các blue chip không còn mã nào có giá thấp.

“Cổ phiếu cao su”: Sức bật trên sàn

Nếu như các cổ phiếu (CP) tài chính đang thu hút nhà đầu tư (NĐT) và thị giá tăng vùn vụt, thì CP ngành cao su cũng được chú ý do các blue chip không còn mã nào có giá thấp.

Ông Huỳnh Minh Trí, Trưởng Phòng Môi giới Công ty Chứng khoán VietinbankSC cho biết, thị trường tăng nóng là do các CP chứng khoán, ngân hàng được NĐT mua nhiều. Hầu hết đều tăng hơn 70% so với hồi đầu tháng 4/2009. Tuy nhiên, do hiện nay thị giá CP nhóm này đã tăng cao nên NĐT xoay qua tìm các CP ngành cao su để mua, khiến CP ngành này cũng bắt đầu cất cánh. Gọi chung là CP cao su, nhưng thật ra NĐT cũng chia các công ty thuộc ngành cao su ra làm hai loại. Công ty chuyên trồng cao su và công ty chế biến cao su.


Các công ty cao su đều có triển vọng do ngành cao su đứng thứ ba về kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, theo dự báo, sản lượng cao su năm nay có khả năng giảm 2% do diện tích giảm 16.700ha, năng suất cao su cũng giảm từ 1.700kg/ha xuống còn 1.661kg/ha, nhưng giá bán sẽ cao hơn năm rồi, khoảng 23 triệu đồng/tấn. Trong khi đó giá thành sản xuất ra nhựa cao su khoảng 15,5 triệu đồng/tấn, vẫn còn đem lại cho các công ty cao su mức lãi lớn.

Trong bốn mã CP cao su thiên nhiên trên sàn HOSE thì Công ty Cao su Đồng Phú (DPR) là lớn nhất, có vốn điều lệ 400 tỷ đồng. Thị giá của DPR từ đầu tháng 5 đến nay đã tăng 35%, đang ở mức 43.200đ/CP. Khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên khoảng 150.000CP, thuộc loại khá thanh khoản. Các phiên gần đây DPR bị điều chỉnh giá do NĐT so sánh với các mã CP khác cùng ngành.

CP TNC của Cao su Thống Nhất đang thu hút NĐT vì có thị giá khá thấp: 15.600đ/CP, lượng giao dịch bình quân mỗi phiên khoảng 300.000CP và giá tăng được 50% trong vòng 14 phiên. Vừa qua, TNC cũng bị điều chỉnh do đã tăng giá trong thời gian dài.

CP HRC của Công ty Cao su Hòa Bình đang ở mức giá 36.200đ/CP, tăng 40% so với hồi đầu tháng 5. Lượng giao dịch không bằng TNC do giá khá cao, nhưng gần đây mã này lại được NĐT nước ngoài chú ý và đã mua khoảng 80.000CP.

CP DRC của Cao su Đà Nẵng là mã chứng khoán cao su tăng mạnh nhất, chỉ trong vòng 14 phiên đã tăng 77% so với đầu tháng 5. Giá của DRC hiện đang ở mức cao nhất trong các mã CP cao su: 49.600đ/CP, mức thanh khoản khá tốt.

Điều đáng mừng là các công ty niêm yết này đã ký kết được nhiều hợp đồng dài hạn. Có công ty đã ký được hợp đồng tiêu thụ đến 70% sản lượng. Hợp đồng dài hạn có nhiều ưu thế hơn hợp đồng giao hàng tại chỗ, vì chủ động được khối lượng hàng giao hằng tháng.

Ba nước xuất khẩu cao su hàng đầu trên thế giới là Malaysia, Thái Lan và Indonesia đang lên kế hoạch cắt giảm khối lượng cao su xuất khẩu trong quý 2/2009 nhằm bình ổn giá. Đây là biện pháp đẩy giá cao su lên, vì năm ngoái giá sụt giảm mạnh bởi giá dầu thô xuống thấp và ngành sản xuất ô tô cũng bị giảm sút. Nếu biện pháp này có kết quả thì có lợi cho ngành cao su VN.

Theo xu hướng tăng của giá dầu (hơn 60,4USD/thùng), giá cao su tự nhiên đang được giao dịch ở mức khá cao, khoảng 1.500 - 1.600USD/tấn, cao hơn nhiều so với mức đáy 1.200USD/tấn trong tháng đầu năm, tạo ra sức hấp dẫn của nhóm CP ngành cao su nên nhiều người tin rằng các công ty cao su đều vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2009. Tuy nhiên, NĐT cũng nên nhớ rằng, giá CP cao su đã vuợt bằng CP tài chính, chứng khoán, do đó vài mã có thể bị chựng lại theo mặt bằng chung của thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Cổ phiếu cao su”: Sức bật trên sàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO