Chứng khoán 2014: Chờ hàng mới, đợi người cũ

MINH TRIỆU| 21/02/2014 00:10

Sự hưng phấn của thị trường khiến chỉ trong chưa đầy 2 tháng đầu năm, nhiều nhà đầu tư đã đặt kỳ vọng lợi nhuận rất cao.

Chứng khoán 2014: Chờ hàng mới, đợi người cũ

Sự hưng phấn của thị trường khiến chỉ trong chưa đầy 2 tháng đầu năm, nhiều nhà đầu tư (NĐT) đã đặt mục tiêu kỳ vọng lợi nhuận rất cao. Song, để đạt được mức kỳ vọng của năm mới, thị trường còn trông đợi vào việc mở room lẫn người điều hành doanh nghiệp.

Đọc E-paper

Chờ nới room

Theo các NĐT, việc mở room hiện được trông chờ nhiều nhất, nhưng việc này nếu có xảy ra thì cũng chỉ xuất hiện tại những cổ phiếu hàng đầu, con số cũng chỉ vài chục, trong khi số cổ phiếu niêm yết cũng đã lên đến 700. Giải pháp kế tiếp là đi tìm những cổ phiếu tiềm năng dù quy mô chưa thật sự lớn, nhưng số lượng cũng không nhiều.

Một kênh tạo ra hàng hóa quan trọng khác cho thị trường là niêm yết cổ phiếu của các công ty lớn đã tiến hành xong IPO, nhưng cũng đang bị tắc. Quan điểm ở đây là thị trường vẫn còn nhiều thách thức và niêm yết không có lợi. Hệ quả tất yếu là thị trường bị khan hàng.

Đầu năm 2013, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Hòa Phát (HPG) còn ở mức 38%, tức là còn những hơn 10% để cho khối này tiếp tục mua vào, nhưng hiện nay tỷ lệ này đã lên đến hơn 45%.

Với đà tăng giá của HPG, kết hợp với những kết quả kinh doanh ổn định như thời gian qua, khả năng khối ngoại lại tiếp tục mua vào cổ phiếu này đến mức hết room là hoàn toàn có thể xảy ra. Đặt trường hợp khối này mua hết room, hoặc muốn mua một cổ phiếu khác tương đương với HPG thì sẽ làm thế nào?

POM (Pomina) là một đối trọng của HPG trong ngành thép, nhưng cổ phiếu này lại có thanh khoản rất kém, cộng với tỷ lệ sở hữu lấn át của nhóm cổ đông lớn, cổ đông sáng lập. Trong khi đó, Tổng công ty Thép Việt Nam đã hoàn tất IPO gần 3 năm trước nhưng đến giờ việc lên sàn vẫn chưa được đề cập.

Không có thêm hàng tốt nên NĐT buộc phải mua và sau đó giữ chặt những mặt hàng tốt hiện tại. Một số nhà đầu tư mua vào GAS (PVGas), Dược Hậu Giang (DHG) hay VNM (Vinamilk) rất tự tin là các mã này khó lòng giảm giá mạnh.

Ngoài lý do đây là các công ty đầu ngành, hoạt động kinh doanh luôn tăng trưởng tốt, còn một lý do mang tính thị trường khác là lượng cổ phiếu trôi nổi ở bên ngoài chẳng có bao nhiêu. Hàng trôi nổi ít cũng khó lòng để một nhà đầu tư lớn nào nắm giữ lượng chi phối để rồi có thể xả hàng gây xáo trộn giá cả.

Như trường hợp của GAS, hiện đang được PetroVietnam sở hữu gần 97% cổ phần, hơn 3% cổ phần còn lại tương đương khoảng 57 triệu cổ phiếu. Do GAS là cổ phiếu vốn hóa lớn, liên quan mật thiết đến sự tăng giảm của VN - Index nên quỹ đầu tư lớn nào cũng muốn nắm giữ, vậy nên 57 triệu cổ phiếu tạm cho là trôi nổi, nhìn có vẻ hơi lớn, nhưng thực ra lại là nhỏ so với nhu cầu của thị trường.

Như vậy, để đạt kỳ vọng, NĐT cho rằng cần có thêm nhiều hàng hóa mới. Bởi nếu không có nhiều hàng hóa mới, dòng tiền của các tổ chức vẫn sẽ xoay vòng tại các mã cũ, điều này có thể đẩy giá cổ phiếu tiếp tục gia tăng. Đối với các tổ chức mới tham gia thị trường, đây có thể là một thách thức với họ vì phải mua cổ phiếu với giá cao đó là còn chưa nói đến việc khó mà mua được với số lượng lớn.

Chọn người điều hành

Bên cạnh việc trông đợi hàng hóa đa dạng, NĐT cũng mong đợi rất lớn ở người điều hành DN. Lấy trường hợp của Thuduc House (TDH), một công ty bất động sản đã niêm yết được 8 năm làm ví dụ. Nói về lợi thế kinh doanh, mà trong ngành bất động sản là quỹ đất, TDH không phải là một công ty nổi trội, nhiều ý kiến khắt khe còn nói rằng TDH chẳng có gì đặc biệt.

Thế nhưng, TDH lại là một trong những công ty bất động sản nói riêng và công ty niêm yết nói chung duy trì được tình hình kinh doanh ổn định trong nhiều năm, và đây lại là điều... nổi trội. Cứ nhìn vào Sudico (SJS), cũng lên sàn cùng năm với TDH (năm 2006), có nhiều lợi thế hơn TDH nhưng vài năm qua đã liên tục thua lỗ và tình hình mới bắt đầu cải thiện những tháng gần đây.

Thực tế, TDH cũng gặp không ít khó khăn, chẳng hạn khoản thua lỗ trong quý II/2013, nhưng điểm nổi bật của công ty là sự minh bạch đã được xây dựng từ nhiều năm qua. TDH là một trong những công ty đầu tiên tổ chức các buổi gặp gỡ với chuyên gia phân tích (analyst meeting) sớm nhất trên thị trường chứng khoán.

Đây là nguyên nhân quan trọng khiến cho TDH thu hút được các tổ chức nước ngoài như Deutsche Bank, Red River, JP Morgan... Không có nhiều lợi thế, nhưng làm tốt những gì mình có và minh bạch, TDH có thể xem là một trường hợp đã hướng đến việc tối ưu hóa lợi ích cổ đông.

Một trường hợp cũng đáng xem xét khác là Nhựa Bình Minh (BMP), một công ty nhựa xây dựng đầu ngành, những năm qua liên tục làm ăn có lãi, cổ phiếu tăng giá mạnh. Nếu như tại TDH, người ta thấy nổi bật vai trò của ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, thì ông Lê Quang Doanh, Chủ tịch HĐQT BMP cũng được đánh giá rất cao trong sự thành công của công ty.

Mặc dù nắm giữ các vị trí chủ chốt tại BMP, nhưng ông Doanh lại không phải là cổ đông lớn (tức là sở hữu cổ phần trên 5%). Người ta thường lo ngại nắm giữ ít cổ phần thì trách nhiệm cũng ít và động lực thì cũng không nhiều.

Nhưng với trường hợp của ông Doanh, lo lắng này là không có cơ sở khi suốt thời gian ông nắm cả 2 ghế quan trọng nhất là Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc, BMP tăng trưởng vượt bậc.

Bên cạnh đó, những doanh nhân như bà Mai Thanh, bà Phạm Thị Việt Nga (Dược Hậu Giang), bà Mai Kiều Liên (Vinamilk), hay các ông như Lê Quang Doanh, Lê Chí Hiếu... mỗi người mỗi cách tối ưu hóa lợi ích của cổ đông khác nhau.

Sự khác nhau này không chỉ bắt nguồn từ những lợi thế, điều kiện sẵn có của mỗi doanh nghiệp mà còn do cách nghĩ hay thậm chí là quan điểm sống của mỗi người. Tuy nhiên, theo các NĐT trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều điểm chưa ổn, việc lựa chọn đầu tư theo kiểu "chọn mặt gửi vàng" được NĐT lựa chọn nhiều để hạn chế những rủi ro nhất định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán 2014: Chờ hàng mới, đợi người cũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO