Góc chuyên gia

“Tách nhập”: Chuyện ngắn, chuyện dài…

Nguyễn Duy Nghĩa (*) 30/10/2023 11:00

Nhập, dồn ứ lãnh đạo, có đơn vị 9-10 cấp phó, nhiều hơn chuyên viên. Tinh giản, kẻ ở lại cười tươi, người ra đi ngậm ngùi. Tách, bộ máy nhân hai, ghế gấp đôi..

Một thời “tách nhập”

Ở ta, địa giới hành chính thường dính đến việc tách nhập, nên không phải vô tình mà có những câu dân ca đã hòa vào thời cuộc, như “Con kiến mà leo cành đa/ Hôm nay ta được tách ra nhập vào/ Con kiến mà leo cành đào/ Ngày mai ta lại nhập vào tách ra”.

Từng chứng kiến nhiều phen “nhập vào tách ra”, đặc biệt là sau khi thống nhất nước nhà, đã có cuộc “đại sáp nhập” các tỉnh nhằm “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”. Trong sự háo hức đón chờ “làm ăn lớn” thì tên các tỉnh mới gợi cảm xúc đa chiều. Yên Bái nhập với Lào Cai thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Lấy ba chữ đầu tên ba tỉnh Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình thành tỉnh mới Hà Nam Ninh, gợi lại chiến dịch Hà Nam Ninh, đồng bằng Bắc bộ thời kháng chiến chín năm. Nghệ An và Hà Tĩnh thành Nghệ Tĩnh gắn với sự kiện Xô viết Nghệ Tĩnh. Hợp nhất Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên gợi nhớ khúc quân hành Bình Trị Thiên khói lửa. Các tỉnh Trung bộ đã hẹp lại dài, nhập từng cặp càng “dằng dặc khúc ruột miền Trung”. Hai tỉnh mang tên mới Tiền Giang và Hậu Giang - hai con sông bự của đất Chín Rồng…

Nhưng “làm ăn lớn” đâu chưa thấy, mâu thuẫn đã bùng phát khi vừa nhập, âm ỉ tới ngày phải tách. Cao Lạng là tỉnh đầu tiên phải trả lại hai tên cũ là Cao Bằng và Lạng Sơn dù hai tỉnh đã gắn bó từ tiền khởi nghĩa và cùng rạng danh với chiến dịch biên giới 1952. Đến những năm 1990, lại phải tách ra hàng loạt, trả lại hầu hết tên tỉnh cũ.

0.jpg

Sau nhập tỉnh đến lượt nhập huyện thành 500 “pháo đài”. Xây vội, các pháo đài “bở bùng bục”, huyện nào lại về huyện nấy.

Sơn Tây vẫn ở Xứ Đoài mà tới 4 lần tách nhập. Đầu tiên là nhập vào Hà Đông, thành tỉnh Hà Tây. Rồi Hà Tây hợp với Hòa Bình thành Hà Sơn Bình. Xong lại ai về nhà nấy, Hòa Bình ngược, Hà Tây xuôi. Yên chí là “Vọng gác thủ đô/Áo giáp chở che ngàn năm bền vững”, nào ngờ chỉ với mấy chữ “mở rộng địa giới hành chính thủ đô”, 2008, Hà Tây biến mất. Hà Nội thành kinh đô có dân trên vách núi lưng đèo. Thành phố Hà Đông xuống quận. Thành phố Sơn Tây trở lại thị xã. Đến tên phố thì khó dàn xếp, phố Quang Trung, Bà Triệu của “cựu thành phố Hà Đông” trùng với hai đại lộ của Hà Nội. Tới năm 2020 lập thành phố Thủ Đức trong TP.HCM, mọi chuyện lại êm.

Cùng với tách nhập tỉnh, huyện, nhiều làng xã cũng “chịu trận” về thay đổi tên. Sau năm 1954, nhiều nơi lấy tên sự kiện, danh nhân thay tên cổ truyền, rồi lại về tên cũ. Dân tứ xứ đến Hà Nội, Sài Gòn cư ngụ, khi khai quê gốc là “cuống” bởi đã vài lần “thay họ đổi tên”. Cũng có sự tách nhập do nâng từ huyện lên quận, xã thành phường, đường quê lên tên phố thị. Nhà nhà gắn biển số “chính quy”. Huyện lỵ cũ lúc đầu với huyện đường khiêm tốn “đóng ké” vào làng gần nhất, khi thành thị trấn, quy hoạch thôn sở tại theo mô hình đô thị, nâng cấp đường, khoanh bùng binh, dựng biểu tượng, chễm chệ hai khối trụ sở cơ quan đầu não cấp huyện. Thị trấn thời mới tưng bừng.

Khi tách, viện đầy lý, đúng luật, lúc nhập cũng đủ lẽ, hợp pháp, đều là để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương và đều vô cùng tốn kém. Nơi trụ sở bỏ hoang, nơi cấp tốc xây mới hoành tráng. Cơ quan, đơn vị đồng loạt khắc lại dấu dù trụ sở nguyên vị. Quan chức tới “bến mới”, có người được thăng chức, nhận đất, duyệt dự án, chia quỹ bằng hàng loạt quyết định “chạy tang”.

Nhập, dồn ứ lãnh đạo, có đơn vị 9-10 cấp phó, nhiều hơn chuyên viên. Tinh giản kẻ ở lại cười tươi, người ra đi ngậm ngùi. Tách, bộ máy nhân hai, ghế gấp đôi, nhao nhao lên chức, ra sức ban ơn.

Tất cả do ta, tại ta

Sông ngăn, núi cách thành những cộng đồng dân cư khác biệt về tập tục, thổ ngữ, truyền thống. Và với địa lý thì mỗi địa phương không chỉ liên quan đến kinh tế - xã hội mà cả an ninh quốc phòng, không thể cào bằng số dân, gò diện tích. Các thể chế đương thời tôn trọng ranh giới tự nhiên vạch tỉnh lớn, huyện nhỏ, xã vừa, không đồng đều.

Nay làm ăn không bị bó buộc theo địa giới hành chính. Đầu tư, sản xuất, kinh doanh liên thông, kết nối số hóa, đường sá mạng nhện, phương tiện hiện đại. Toàn cầu là thế giới phẳng, phân công và hợp tác quốc tế sâu rộng.

Không thể giữ chân người ở quê cha đất tổ, nơi thường trú. Nay về quê thường chỉ gặp người già cùng lũ trẻ. Người đang độ tuổi lao động tới các khu công nghiệp với những cụm nhà trọ cũng mới và đi “hợp tác lao động”. Sự di dân vào đô thị chỉ là vào các thành phố lớn, nhiều nhất là Hà Nội và TP.HCM, khiến mật độ dân số của hai thành phố lớn nhất nước luôn phá kỷ lục. Tuy vậy, nhờ số hóa, quản lý dân cư nay không phải rà từng ngõ, gõ từng nhà.

Từ khi tên quê quán vào mạng quốc gia gắn chip, tưởng là yên thì lại nghe sẽ sắp xếp lại đơn vị hành chính mới, vẫn theo tiêu chí số dân và diện tích.

Vẫn là tách nhập, nhưng lần này bằng thuật ngữ “sắp xếp lại”, không chỉ nhập “nguyên đai nguyên kiện” mà có thể “xé” một địa danh rồi ghép vào địa phương khác cho đủ số dân và diện tích. Chi phí cho tách nhập “nặng đô hơn”, chí ít số con dấu mới sẽ nhiều hơn. Dân thờ ơ, quan chức thì phấp phỏng không biết sẽ đi đâu, về đâu.

Theo chủ trương này, các tỉnh nhỏ, huyện lẻ, thưa người dễ vào “tầm ngắm”, các đô thị siêu chật chội không ngoài vòng “soi xét”. Thủ đô có một quận và 176 xã thuộc diện này. TP.HCM có 6 đơn vị cấp huyện và 142 đơn vị cấp xã phải sắp xếp. Tất cả đều được đốc thúc đúng tiến độ. Thời đại cách mạng công nghệ vũ bão, diện tích, số dân và cả tài nguyên không còn là điều kiện cơ bản để “hóa rồng”. Làm tốt cái đang có là quý rồi.

Việt Nam là nước hiếm hoi trên hành tinh liên tục biến động về đơn vị hành chính và chưa dừng lại. Dường như cứ mỗi khi đất nước trở mình là lại tách nhập, rằng các đơn vị hành chính cùng cấp phải tương đương nhau về diện tích, dân số, đơn vị nào quy mô lớn là tách ra, không đủ thì nhập vào. Mỗi lần vậy, lại chạy theo giải quyết vô số phức tạp phát sinh. Có lẽ đó là một trong những vật cản khiến Việt Nam chậm chân so với các “con rồng” châu Á.

Các quốc gia cho hay, để phát triển bền vững cần ổn định lâu dài hệ thống đơn vị hành chính các cấp, hết sức hạn chế điều chỉnh và chỉ làm khi không còn cách nào khác.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính là chủ trương lớn, song nghe ngóng thì nên dừng. Nếu muốn tinh gọn bộ máy thì quá dễ. Không đơn vị “trực thuộc” cùng với chính quyền điện tử đã dư nhiều ghế, bớt rối việc. Sáp nhập các đơn vị của các tổ chức trong hệ thống cùng quản một lĩnh vực. Gom các đơn vị ít việc vào làm một. Giải thể các đơn vị không còn nhiệm vụ. Thắt chặt định biên cấp phó. Giảm công bộc “sáng cắp ô đi tối cắp về”. Bớt lễ lạt, đãi đằng, phù phiếm. Chỉ với vậy đã bớt chi, thừa trụ sở cho nhà trẻ, trường học, bệnh viện, sinh hoạt cộng đồng…

Việc ta đặt ra, làm hay không cũng là ta.

(*) Cựu cán bộ Bộ Công Thương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Tách nhập”: Chuyện ngắn, chuyện dài…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO