Bệnh viêm mũi họng cấp ở trẻ em

TS. BS HOÀNG LƯƠNG - Giám đốc bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn| 26/04/2013 01:14

Bệnh viêm mũi họng cấp, nếu không chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến các bệnh viêm đường hô hấp, viêm amidan, viêm VA, viêm tai giữa, viêm xoang trẻ em, viêm khí phế quản, viêm phổi và viêm phế quản hen.

Bệnh viêm mũi họng cấp ở trẻ em

Viêm mũi họng cấp là bệnh trẻ em dễ mắc phải, nhưng cũng dễ điều trị. Nếu bỏ qua bệnh viêm mũi họng cấp sẽ dẫn đến các bệnh viêm đường hô hấp, viêm amidan, viêm VA, viêm tai giữa, viêm xoang trẻ em, viêm khí phế quản, viêm phổi và viêm phế quản hen. Khi đó sẽ tốn kém thời gian và tiền bạc để điều trị, ngoài ra còn ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ.

Ở Nam Bộ trời nắng, nóng, nhiều gia đình sử dụng máy lạnh, nhiệt độ trong phòng giảm nhưng kéo theo độ ẩm cũng giảm nên hốc mũi các bé thường khô, dễ bị viêm sưng niêm mạc trong mũi.

Bệnh biểu hiện thế nào?

Trẻ giảm bú, ăn dễ bị ói, nghẹt mũi, chảy mũi, ho, nặng có thể sốt.

Chữa trị sớm

Giữ ấm bằng cách mặc đủ ấm, tránh cho máy lạnh hay quạt máy xả thẳng vào nơi cháu bé nằm. Buổi tối khi bé mới ngủ, cha mẹ thường đắp chăn cho bé, nhưng về đêm các cháu hay tự kéo chăn khỏi cơ thể nên sẽ bị lạnh.

Trong phòng máy lạnh nên có máy tạo hơi nước nhằm bù lại lượng hơi nước trong phòng giảm do máy lạnh hút ra ngoài.

Nếu ngủ quạt cần để quạt ngoài màn và để ở chế độ quay nhằm tránh quạt cố định một chỗ thổi thẳng vào người bé.

Cho ăn vừa đủ vào buổi tối, tránh ăn quá no. Khi cho bú bình xong phải bế vác cháu cho tiêu hết sữa xuống dạ dày, khi nào thấy cháu ợ hơi là được, và nhớ uống nước cho sạch sữa, động tác này sẽ làm giảm tỷ lệ viêm tai giữa ở trẻ nhũ nhi và nhóm nhà trẻ.

Rửa mũi mỗi ngày là cách chữa trị hiệu quả và rất tốt, nhằm làm sạch dịch trong mũi, giúp các cháu thở thông qua đường mũi và đề phòng bệnh viêm tai giữa.

Rửa mũi là một thủ thuật dùng nước muối sinh lý nhỏ vào một bên mũi, mỗi lần khoảng 3 – 6 giọt, mũi bên kia dùng máy hút, hút dịch ra. Khi rửa, nên giữ bé ở tư thế đầu ngửa ra và thấp hơn thân mình, tránh bé bị sặc.

Thuốc ưu tiên dùng là kháng Histamin si rô (Aurius, Theralene) uống buổi tối ngày 1 lần theo hướng dẫn cả bác sĩ. Trường hợp viêm nặng cần thêm kháng sinh.

Tại nhà có thể dùng nước muối sinh lý (Ethycol) nhỏ vào mũi ngày vài lần, mỗi lần 3-4 giọt.

Nên chữa ở đâu?

Các khoa nhi của bệnh viện đa khoa, bệnh viện nhi, bệnh viện tai - mũi - họng. Các bác sĩ chuyên khoa nhi và bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.

Đề phòng bệnh thế nào?

Đảm bảo môi trường sống cho bé ở nhiệt độ ít thay đổi nóng quá hay lạnh quá, cần hạn chế đưa bé đi chơi xa ở nơi môi trường nóng hay lạnh.

Giữ ấm cho bé khi ngủ. Nhỏ nước muối sinh lý vào mũi ngày 1 lần.

Chế độ ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng, giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt, giúp bé tăng trưởng và phát triển bình thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bệnh viêm mũi họng cấp ở trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO