Dựa trên hạt nhân cơ bản của Tâm ký học Adler, thông qua năm đêm đối thoại tranh luận, thẳng thắn cởi mở giữa hai nhân vật, Chàng thanh niên và Triết gia, tác giả Kishimi Ichiro và Koga Fumitake đã khéo léo dẫn dắt độc giả trả lời cho câu hỏi “làm thế nào để con người được sống hạnh phúc”.
“Sang chấn tâm lý” không hề tồn tại
Trong đêm đầu tiên, cuộc trò chuyện xoay quanh chủ đề về việc con người hoàn toàn có khả năng thay đổi, chỉ là bản thân mỗi người có can đảm để thay đổi hay chỉ “cố tình” viện dẫn mọi nguyên nhân để trốn tránh sự thay đổi.
Theo quan điểm tâm lý học Adler, “quá khứ chẳng liên quan gì”, tức là quá khứ vốn không phải là nguyên nhân dẫn đến ta ở hiện tại. Và cái gọi là “sang chấn tâm lý” vốn không tồn tại. Con người chỉ tự đặt ra “thuyết nguyên nhân” và “thuyết mục đích” để trốn tránh việc đối diện với cuộc đời.
Hãy Dám bị ghét để hạnh phúc.
Chàng thanh niên một mực phản đối quan điểm ấy, bằng những dẫn chứng cụ thể về bản thân và những người xung quanh chàng, những người từng có quá khứ nhiều đau khổ, tuổi thơ uất ức, nên mới khiến bản thân rơi vào sự bi quan. Ấy thế nhưng, Triết gia thẳng thắn tranh luận rằng “Con người không được tạo ra bởi trải nghiệm của bản thân trong quá khứ, mà bởi ý nghĩa chúng ta gán cho những trải nghiệm đó”.
Trong cuốn sách How Emotions Are Made: The Secret Life of the Brain (tạm dịch: Cảm xúc được sinh ra thế nào: Bí mật cuộc sống não bộ), xuất bản năm 2017, nhà thần kinh học Lisa Feldman Barrett đã lập luận rằng cảm xúc không phản ứng với môi trường, nhưng được xây dựng bởi bộ não và định hình sự hiểu biết của chúng ta về môi trường xung quanh. Có nghĩa là, chúng ta không sợ hãi bởi điều đó đáng sợ, nhưng kinh nghiệm về sự sợ hãi đã khiến ta “tưởng” ta sợ.
Từ ý nghĩa ấy, Triết gia cũng khẳng định, cuộc sống của bản thân chúng ta bất hạnh bởi chính chúng ta đã tự chọn lấy bất hạnh. Chúng ta nghĩ rằng mình đang bất hạnh, trong đầu luôn suy nghĩ rằng cần phải thay đổi, nhưng thay vì lựa chọn lại “lối sống” của bản thân, ta vẫn luôn sống trong các khả năng “giá như”, “nếu như”… Và cứ thế trốn trong cái vỏ bọc của mình, để tưởng rằng cuộc đời thật bất hạnh.
Ta oán trách số phận, ta chỉ chăm chăm nhìn vào khuyết điểm của bản thân, càng lúc càng có tâm niệm tiêu cực đối với con người và xã hội. Đó là khi ta đang cố chấp để bảo vệ bản thân mình, cố chấp để tìm mọi nguyên nhân lý giải cho “mục đích” về cuộc sống bất hạnh của mình.
Hãy dám chấp nhận bản thân mình
Theo quan điểm của chàng thanh niên và rất nhiều những người bình thường đang sống trong xã hội hiện nay, con người luôn có nhu cầu khẳng định mình, nhu cầu được người khác thừa nhận, bởi vậy, luôn sống trong trạng thái nỗ lực hết mình, để không bị ghét. Thế nhưng, chính bởi càng cố gắng càng mệt mỏi, đi đến hết đích này đến đích kia nhìn xung quanh thấy cuộc đời buồn chán quá đỗi.
Trong cuốn sách Dám bị ghét, hai tác giả Kishimi Ichiro và Koga Fumitake cũng có nhắc đến tính phi lý của cuộc đời và lý giải rằng, bởi vì bản thân mỗi chúng ta đều luôn sống phải “để ý” đến người khác nghĩ gì, nên thực sự chưa từng có tự do.
Cuộc sống xoay vần trong những trách nhiệm, những so sánh, mà chưa từng nhận thấy rằng hạnh phúc chính là giây phút này, là khoảnh khắc này đang tỏa sáng rực rỡ.
Triết gia đã lần lượt đưa ra những lý lẽ đơn giản mà sắc bén để giải thích cho chàng thanh niên những truy vấn khúc mắc, bối rối, u uẩn của chàng, để chàng có được những sáng tỏ cần thiết cho bản thân.
Trong cuộc sống, hãy “cứ sống tự do, ai ghét mình thì cứ để họ ghét”, càng không phải vì trong một mối quan hệ nào đó mà thay đổi bản thân để vừa vặn với đối phương, đừng cố gắng thay đổi bản thân vì sợ hãi một mối quan hệ tan vỡ, nó sẽ khiến bạn mất tự do hoàn toàn.
Được viết dưới hình thức đối thoại cũng khiến cho những tranh luận trở nên thẳng thắn, quyết liệt, và cởi mở hơn, khiến độc giả có được cái nhìn soi chiếu đa chiều giữa hai quan niệm mâu thuẫn nhau. Đó cũng là cách hay, để bản thân mỗi người có được sự phản biện của riêng mình, dựa trên kinh nghiệm, tri thức của bản thân.
Dám bị ghét dù đặt ra một vấn đề mang tính triết học, “Làm thế nào để sống hạnh phúc”, nhưng cuốn sách tuyệt nhiên không dùng đến những lý luận trừu tượng xa cách, mà mỗi ý tưởng đều được dẫn giải cụ thể, thực tế, khiến độc giả tiếp cận dễ dàng.
Tác giả Kishimi Ichiro là nhà triết học, sinh năm 1957 tại Kyoto. Năm 1989 ông bắt đầu chuyên tâm nghiên cứu triết học và tâm lý học Adler, từng viết tác phẩm Nhập môn tâm lý học Adler.
Tác giả Koga Fumitake là người viết tự do, sinh năm 1973. Sở trường của ông là những tác phẩm đối thoại, vấn đáp. Dựa trên những cuộc đàm đạo với Kishimi Ichiro, anh đã vận dụng thể loại đối thoại trong triết học Hy Lạp cổ điển để viết nên cuộc sách Dám bị ghét.
(Theo Zing - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)