Kinh doanh theo dạng chuỗi cửa hàng phát triển nhanh tại thị trường Việt Nam trong những năm gần đây. Bằng nhiều phương thức như tự mở rộng hệ thống, thông qua nhà phân phối độc quyền, nhượng quyền thương mại, doanh nghiệp (DN) có thể tăng độ phủ, ít nhất về mặt nhận diện thương hiệu. Tuy nhiên, dù áp dụng phương thức nào, DN cũng phải thận trọng, tránh trường hợp đi quá nhanh, không kiểm soát được mức độ chuẩn hóa trên toàn hệ thống.
Đọc E-paper
Muốn kinh doanh bán lẻ thành công thì bắt buộc phải mở rộng chuỗi, do đó, phát triển chuỗi cửa hàng là xu thế tất yếu của các DN bán lẻ nhằm gia tăng sự nhận biết thương hiệu và khả năng cạnh tranh trên thị trường, từ đó gia tăng doanh số và lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh.
Những yếu tố quan trọng khi mở chuỗi
Với thị trường 90 triệu dân, tốc độ đô thị hóa cao và tầng lớp trung lưu phát triển nhanh chóng, Việt Nam được xem là mảnh đất màu mỡ để DN xây dựng thương hiệu, phát triển chuỗi cửa hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đặc biệt là cửa hàng tiện ích, ẩm thực, cà phê, thời trang, giày dép, nội thất.
Quá trình mở chuỗi đòi hỏi DN phải có khả năng quản trị chuỗi, phải xác định đúng phân khúc khách hàng và có kế hoạch đầu tư dài hạn ngay từ đầu nếu không muốn xảy ra tình trạng chuỗi càng lớn càng khó kiểm soát, làm ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu và mất khách hàng.
Bên cạnh đó cũng cần chú trọng xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm mới, xây dựng và phát triển bộ phận chăm sóc khách hàng và có chiến lược marketing hiệu quả. Tuy nhiên, thời điểm mở rộng, áp dụng phương thức nào, mở rộng đến đâu còn tùy thuộc năng lực nội tại của từng DN. Có 4 tiêu chí chính DN cần lưu ý khi triển khai mở rộng chuỗi cửa hàng:
Yếu tố năng lực. Dựa vào khối lượng bán hàng và nhịp độ tăng trưởng, tỷ trọng và thị phần (số lượng và cơ cấu người mua, tỷ lệ của mức bán buôn và bán lẻ), thị phần của các nhóm khách hàng mục tiêu (đây là điều nhà sản xuất quan tâm), thực trạng cơ cấu bán hàng (số lượng các đại diện bán hàng, bao gồm cả những người bán hàng theo giá niêm yết, hiệu quả từ hoạt động kinh doanh của họ), sự xâm nhập thị trường khu vực (số lượng các chi nhánh, vị trí của chúng, thị phần của những khách hàng chủ yếu tại thị trường địa phương)...
Chỉ số về công tác hậu cần. Cụ thể như diện tích và tình trạng của nhà kho (bao gồm cả tại các địa phương), đặc điểm về giao thông vận tải, chu kỳ cung ứng, số hàng lưu kho bị hỏng. Thông số này ngày càng trở nên quan trọng trong tình huống tình hình thị trường thay đổi, các nhà phân phối bắt đầu định vị lại mình giống như nhà cung ứng hậu cần, mặc dù trong thực tế, họ có nhiều chức năng hơn.
Thực trạng các chỉ số tài chính. Liên quan đến giá trị và biến động công nợ, độ quay vòng dự trữ kho, khả năng thanh toán, nhu cầu vốn lưu động, điều khoản đối với người mua.
Hình ảnh. Yếu tố quan trọng này thường bị bỏ qua, mặc dù hình ảnh của nhà phân phối trung gian là một phần thương hiệu bán hàng của họ. Ở đây, sự phù hợp của việc giới thiệu hình ảnh, danh tiếng của nhà sản xuất và nhà phân phối trung gian rất quan trọng để thực hiện kế hoạch bán hàng. Việc lựa chọn nhà phân phối trung gian là yếu tố cốt lõi của các chính sách tiếp thị. Một điểm quan trọng khác nữa là sự phù hợp của kênh phân phối được chọn với quan điểm tiếp thị sản phẩm.
Thận trọng trong quản trị chuỗi cửa hàng
Quá trình mở rộng chuỗi cửa hàng đòi hỏi DN phải có chiến lược đầu tư dài hạn và đi từng bước vững chắc, không nôn nóng phát triển nhanh bằng mọi cách, đặc biệt ở thị trường Việt Nam với chi phí mặt bằng và tiền lương hầu như chỉ tăng chứ không giảm. Do vậy, để quản trị chuỗi cửa hàng hiệu quả, DN cần chú trọng những yếu tố sau:
Thương hiệu, hệ thống cửa hàng. Cần nhất quán ở tất cả các địa điểm kinh doanh (tiêu chuẩn mặt bằng, hình ảnh cửa hàng, trưng bày, tác phong nhân viên). Bên cạnh đó, DN cần chọn đúng địa điểm kinh doanh, nhanh chóng quyết định đóng cửa các địa điểm làm ăn thua lỗ.
Hệ thống vận hành. Bao gồm nguồn nhân lực, quy trình kiểm soát và phần mềm quản lý, trong đó, nguồn nhân lực là quan trọng nhất để mang lại sự thành công cho chuỗi cửa hàng, đảm bảo chuỗi được vận hành nhất quán ở tất cả các địa điểm nhằm mang lại cho khách hàng sự hài lòng cao nhất về sản phẩm, dịch vụ của DN.
Một nguồn nhân lực tốt bao gồm quản lý có năng lực, nhiều kinh nghiệm, trung thực, tận tâm, gắn bó; nhân viên được đào tạo bài bản và tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát của DN sẽ góp phần giữ chân khách hàng, hạn chế được các rủi ro về tài chính, hàng tồn kho.
Sản phẩm. Kiểm soát chất lượng sản phẩm và ổn định giá bán, sản phẩm luôn đầy đủ, phong phú và phải phù hợp với từng địa điểm kinh doanh, đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng.
Chương trình chăm sóc khách hàng. Nhằm xây dựng dữ liệu khách hàng, tương tác, nắm bắt nhu cầu và kịp thời giải quyết các khiếu nại của khách hàng. Yếu tố quan trọng nữa là DN phải có chiến lược marketing hiệu quả và cụ thể cho từng tháng, từng quý, từng năm cho từng điểm bán hàng.
>Kinh doanh chuỗi: Đường rộng khó đi
>Nở rộ kinh doanh theo chuỗi
>Cuộc chiến của những chuỗi bán lẻ