Quê hương thương nhớ Đại tướng

HÀN THƯ| 08/10/2013 06:41

Tin Đại tướng Võ Nguyễn Giáp lâm chung, cả làng An Xá, cả huyện Lệ Thủy, cả tỉnh Quảng Bình như lịm người trong vùng tâm bão.

Quê hương thương nhớ Đại tướng

Tin Đại tướng Võ Nguyễn Giáp lâm chung, cả làng An Xá, cả huyện Lệ Thủy, cả tỉnh Quảng Bình như lịm người trong vùng tâm bão. Đồng bào nơi đây vừa hứng chịu nỗi đau tan hoang vì thiên tai, nay thêm nỗi đau tinh thần khi người con ưu tú nhất của quê hương qua đời. Chúng tôi về ngôi làng sinh ra vị Đại tướng lỗi lạc, bao câu chuyện bình dị cứ kéo về với muôn vàn nước mắt.

>Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần
>Nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>Ảnh quý giá về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đọc E-paper

Tin Đại tướng lâm chung đến khi dòng Kiến Giang đang mùa lũ dâng...

1. Lần gần đây nhất Đại tướng về thăm quê vào ngày 25/11/2004, cả Quảng Bình vỡ oà, quê hương đón ông trong tiếng còi đoàn tàu Thống Nhất. Ông xuống ga Đồng Hới, nơi mà trước đây, lúc còn trai trẻ, ông cũng từng lên xuống để ngược xuôi Bắc Nam hoạt động cách mạng. Đến bên hàng xôi, ông hỏi người bán hàng: "O ơi, có xôi nếp lòn không?".

Năm đó, ông vào tuổi 93, vậy mà không thể quên thứ xôi của loại nếp trồng ruộng sâu mà người địa phương vẫn gọi nếp lòn. Ông hỏi rồi mua một vắt xôi, người phụ nữ bán hàng nói cháu biếu ông, nhưng Đại tướng vẫn trả tiền, bà bán xôi nhìn ông rồi khóc. Bà giải thích, Đại tướng đi xa từ trẻ, vẫn nhớ đến mùi vị quê xưa, khiến ai cũng xúc động.

Năm đó ông về, phát biểu trước dân làng An Xá: "Đi khắp mọi miền đất nước, trên các chiến trường xa xôi, tình cảm đối với quê hương càng thêm sâu đậm. Ra đi trên bờ Kiến Giang, làm sao mà quên được cảnh sông núi hiền từ và hùng vĩ. Quê hương, gia đình hun đúc lên nhân cách của tôi, quyết định con đường đi của tôi...".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần về thăm Đồng Hới, Quảng Bình

Nói đến đó, người làng An Xá đang vây quanh Đại tướng trong sân nhà, khóc oà. Những vị bô lão râu dài, tóc bạc cũng nước mắt nhìn Đại tướng, với họ lúc đó là Đại tướng của làng mình, của dòng Kiến Giang, của núi non hiền từ, bình dị, lúc đó là Đại tướng của làng ông, là Đại tướng của mỗi hồn người quê hương. Đại tướng lấy khăn thấm nước mắt, nhìn lại những người bạn thuở trước, nay không còn mấy ai.

Với chất giọng Lệ Thủy, Đại tướng nói tiếp: "Ngày xưa Lệ Thủy phải trồng lúa su, sông nước tấp nập con cá con tôm, tôi lớn lên cùng những tháng ngày như thế, dù có đi đâu, làm gì, quê hương vẫn là nguồn cội nâng bước tôi trưởng thành".

Đại tướng càng nói, người làng An Xá chân lấm tay bùn càng thương Đại tướng xa quê lâu ngày vẫn không quên bóng dáng quê hương nhỏ bé giữa điệp trùng ruộng lúa cò bay thẳng cánh.

Nơi Đại tướng vẫn nằm ngủ khi về thăm quê An Xá, Lộc Thủy

2. Ông Võ Đại Hàm, người gọi Đại tướng bằng ông, đang chăm sóc căn nhà lưu niệm dòng họ Võ ở An Xá kể:

"Cuộc đời của cụ giản dị, mỗi lần về thăm quê nhà, ông thường nói với người làng rằng, tôi làm cách mạng nhưng bà con đừng nghĩ tôi làm quan cả họ được nhờ, không thể như thế được. Con cháu phải nỗ lực cánh sinh, phải tự vươn lên, không được ỷ lại, không được công thần, phải tôn trọng người dân, khi đó người dân mới thương yêu đùm bọc mình".

Năm 1999, Đại tướng về thăm quê, ông nhớ da diết một điệu hò khoan Lệ Thủy, cả làng nghe vậy, đã khăn áo chỉnh tề, những xướng ca lão phụ đã hát cho Đại tướng nghe bao điệu hò cổ mộc mạc dưới đêm trăng quê nhà. Hò khoan với Đại tướng như thấm vào máu thịt, cứ thế ông bắt nhịp cho cả sân cùng "hò xố lên".

Chị Nguyễn Thị Nình kể: "Mỗi lần cụ về, bác sĩ đều có chế độ ăn uống rất khoa học. Không ăn nhiều thịt, ăn vừa phải và đúng cách của các bác sĩ đi theo. Người làng nấu món canh quê mời cụ, bác sĩ phải nêm nếm trước, con gà xóm làng muốn mời, bác sĩ phải xem trước, cũng phải thôi. Nhưng cụ rất thích món dưa, cà, mắm muối từ quê làm ra. Người làng có việc trọng, mỗi lần ra Hà Nội vẫn mang nước mắm quê hương, mực phơi khô, cụ ăn khen ngon, ai cũng mừng rơi nước mắt".

Lệ Thủy vẫn có lễ hội đua thuyền mừng Tết Độc lập hằng năm vào ngày 2/9. Ông Võ Đại Hàm kể: "Ngày xưa trước khi thoát ly hoạt động cách mạng, Đại tướng từng là một trai bơi kỳ tài của làng. Sau này, theo việc nước, hễ có dịp về quê đúng dịp, ông đều lên một con thuyền gỗ của người dân, xuống làn nước Kiến Giang cổ vũ các đội thuyền đua bơi dậy vang đất trời".

Người làng An Xá, mấy hôm nay, nước mắt thướng nhớ vị tướng già từ trần. Dẫu sinh tử là lẽ thường tình của tạo hóa, người già đinh thì thác về tổ tiên, nhưng với đức độ và nhân cách của Đại tướng, sự ra đi của ông đã làm xúc động bao tấm lòng không chỉ trong làng mà còn cả tỉnh và cả thế giới.

Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Hoanh ở Đồng Hới nói trong nước mắt: "Tui lên mạng đọc tin bác Giáp mất mà khóc trên bàn, trời sáng dậy, ra chợ Đồng Hới mua hoa huệ trắng rồi lên nhà bác Giáp thắm nén hương". Mấy ngày nay, ông Hoanh thẫn thờ, ở lại mái nhà giản dị, cùng chóm xóm láng giềng quê hương An Xá lo lắng hương khói trong niềm thương tiếc vô hạn.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thắp hương trên mộ thân sinh tại quê nhà

3. Đã 103 năm trái tim Võ Nguyên Giáp đập chung nhịp tim cùng đất nước. Nay vị tướng tài ba lâm chung, làng An Xá hương khói theo cách riêng của làng, những người già nhất của từng xóm, khăn đóng, áo dài, thắp lên bàn thờ tổ tiên những nén hương, báo cáo tiền nhân người con của làng, Võ Nguyên Giáp đã vào cõi ngàn thu. Ông Võ Đại Hàm nói: "Người làng gọi là đại tang, nhà nào cũng thắp nhang trên trang thờ ngoài việc đến viếng hương ở nhà lưu niệm của cụ”.

Ở phía Tây dãy Trường Sơn, đồng bào Rục (Thượng Hoá, Minh Hoá) có một cuộc sống rất riêng. Họ mới rời hang đá 50 năm, nhưng những câu chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh... được bộ đội biên phòng đồn 589 kể đã in đậm trong tiềm thức đồng bào.

Họ làm bữa cơm trắng, cùng ngồi lại, nghe đài, xem tivi nói về Đại tướng rồi râm ran bàn chuyện, và mong Đại tướng thanh thản về trời. Những người Rục đi rừng, vào hang Mà Ca, nơi mà tổ tiên người Rục từng sống, làm lễ báo thần rừng, thần núi về một con người huyền thoại của đất nước đã vào thế giới trường tồn, nơi thiêng liêng mà người Rục ngưỡng vọng.

Người A Rem cùng chung hoàn cảnh với người Rục, cũng chỉ mới rời hang đá chưa đến 50 năm, nhưng họ vẫn biết đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Người đứng đầu bản A Rem xã Thượng Trạch (Bố Trạch), mời bà con dân bản đến hội trường xã, nói: "Hôm nay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chia tay chúng ta".

Căn nhà xưa bình dị của vị tướng lỗi lạc Võ Nguyên Giáp

Trình bày xong, ông lấy từ ống nứa chuốt rất đẹp hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mở ra cho bà con xem và nói: "Đại tướng đến chia tay dân bản mình đấy". Xem xong, nhiều thanh niên hỏi: "Khi nào Đại tướng pừ lao - trở lại?". Trưởng bản trả lời: "Pà lun, hớ xanh - luôn luôn trở lại trong đầu".

Tình cảm đó, với người A Rem là hồn nhiên như cây vẫn lớn trên rừng, như nước vẫn chảy dưới suối. Bởi với họ, từng năm, từng tháng, tên tuổi Đại tướng in đậm vào tâm trí khi nghe cán bộ kể chuyện tướng Giáp giữa đại ngàn.

Người Vân Kiều ở xã Ngân Thủy, miền tây Lệ Thủy đã vào thăm hang Ông Giáp trên cung đường 10 nối Đông và Tây Trường Sơn. Họ vào thăm hang động mà ngày xưa Đại tướng vào thị sát tình hình chiến trường Trường Sơn, đã nghỉ lại. Hang động thoáng mát, là cơ sở của đường Trường Sơn huyền thoại.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vào ở và làm việc nhiều ngày ở đây vào đầu năm 1972 và giữa 1973, người Vân Kiều đặt tên là hang Ông Giáp. Nay họ vào thăm lại hang này, những người Vân Kiều già nhất kể cho con cháu ngày trước họ được phân công bảo vệ hang như thế nào, và ngày nay, thăm lại hang Ông Giáp, như vẫn thấy có hơi ấm của Đại tướng đâu đây.

Mùa Thu này, đồng bào Việt Nam từ cao nguyên đá Đồng Văn, đến đất mũi Cà Mau lộng gió, từ đại ngàn Tây Nguyên đến vùng duyên hải miền Trung, từ làng bản xa xôi đến biển đảo đất nước, rồi đồng bào ở nước ngoài, khôn nguôi đưa tiễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với quê hương.

Tên của Đại tướng, đủ lớn để những ai ngưỡng mộ luôn nghĩ về Đại tướng bằng tất cả tình cảm, sự yêu thương, ngưỡng vọng. Tên của Đại tướng đủ lớn để những ai nghĩ đến Võ Nguyên Giáp hiểu đó là tên của một con người nhân văn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quê hương thương nhớ Đại tướng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO