Hội đua ghe cuối cùng

ĐOÀN HỒNG LÊ| 20/05/2018 03:40

Làng cổ Túy Loan nằm bên con sông nhỏ cùng tên, ở hướng tây nam thành phố Đà Nẵng, thuộc địa phận xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang.

Hội đua ghe cuối cùng

Còn nhớ hồi chúng tôi còn nhỏ, mỗi năm làng tổ chức lễ hội đình một lần, có hội đua ghe truyền thống trên sông Túy Loan như một hoạt động khuyến khích tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng làng xã và tri ân tổ tiên.

Hội đua ghe là lễ hội lớn nhất vùng tây Đà Nẵng nhưng với nhịp sống hiện đại, hội vắng dần qua từng năm, cho đến năm ngoái thì có nguy cơ không tìm được người tham gia. Bây giờ người ta bận làm ăn, buôn bán, không còn thời gian hay tâm trí tham gia lễ hội, và khán giả với quá nhiều thú vui giải trí cũng không còn đội nắng ra bờ sông cổ vũ cho những đội đua ghe nữa.

Tôi nhìn thấy vẻ lo lắng, buồn rầu trên gương mặt những người cao tuổi chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày phải dẹp hội đua ghe của làng, bởi như vậy là thất lễ với tổ tiên và không có dịp để củng cố tính cộng đồng, nhưng ngày càng khó tìm người đua ghe.

Dịp cận Tết năm vừa rồi, tôi thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ với dân làng thì có người từ chối không tiếp, có người nói thẳng thời buổi bây giờ ai xem nữa mà đua, có người bảo ngày mùng 9 là ngày khai trương, phải dành thời gian buôn bán, có người viện cớ phải quay lại thành phố làm việc, học hành, có người than chèo ghe cả buổi mệt lắm mà thù lao không đủ uống nước...

Rồi sau Tết sẽ đến lễ hội đình làng, bên cạnh sự thành kính đối với tổ tiên của người già thì những người trẻ sẽ ứng xử thế nào với truyền thống? Ngay cả những nghi lễ phải thực hành trước khi đua ghe như cúng thủy thần cũng được đem ra bàn cãi xem nên giữ hay nên bỏ cho đỡ tốn kém. Một thế hệ người già mà chỉ trong vòng chục năm nữa sẽ dần về với tổ tiên đã nhìn thấy sự thay đổi đang diễn ra trong làng và dường như họ đang quyết tâm bảo vệ truyền thống trong tuyệt vọng.

Cuối cùng hội đua ghe vẫn diễn ra sau rất nhiều cố gắng của ban tổ chức nhưng có lẽ khó tồn tại lâu dài. Cùng với sự phát triển của xã hội, sự thay đổi cơ cấu gia đình, nghề nghiệp, đất đai, quá trình đô thị hóa, những giá trị tinh thần của nông thôn đang dần biến mất.

Các lễ hội ở làng từng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn tính cộng đồng nay ngày càng ít người tham gia. Trong xã hội nông thôn trước đây, cộng đồng lớn hơn, mạnh hơn cá nhân, quyết định sự tồn tại của cá nhân. Nhưng khi xã hội ngày càng phát triển thì cá nhân trở nên vượt trội hơn, dần không còn phụ thuộc vào cộng đồng. Đó là quy luật tất yếu của xã hội trong quá trình phát triển.

Hãy tưởng tượng mai này hậu thế sẽ đọc được trong biên niên sử của làng những dòng chữ: "Hội đua ghe được tổ chức vào mùa xuân năm Đinh Dậu 2017 chỉ còn rất ít người tham dự, đó cũng là hội đua ghe cuối cùng của làng. Những dấu vết của tinh thần cộng đồng và niềm tri ân tổ tiên cũng biến mất từ đó”.

Tôi không đứng về phía những người níu kéo truyền thống và lên án lối sống hiện đại, nhưng tôi nghĩ người dân Túy Loan sẽ lựa chọn điều họ cho là đúng, là nên làm. Có những lựa chọn phù hợp với thế hệ này nhưng lại gây tổn thương cho thế hệ khác, điều đó là bình thường trong bất cứ một cộng đồng nào, và không cách nào thay đổi được. Nhưng cũng nên cảm thông với những nỗi buồn trước sự mất đi những giá trị truyền thống!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hội đua ghe cuối cùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO