Văn hóa nghệ thuật

Đưa văn hóa địa phương vào thời trang

Đinh Hương 13/08/2023 17:00

Góp phần tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tạo ra bản sắc thiết kế riêng, nhiều nhà thiết kế Việt Nam đã khai thác các giá trị văn hóa truyền thống - văn hóa bản địa (gồm chất liệu, họa tiết, hoa văn, màu sắc...) trong sáng tạo các mẫu thời trang của mình.

Những bộ sưu tập thời trang ấn tượng

Tại Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam Thu Ðông 2022, nhà thiết kế Vũ Việt Hà đã ghi dấu ấn với bộ sưu tập Ký gửi người Mông vào tương lai, gồm hơn 30 thiết kế lấy cảm hứng từ vẻ đẹp văn hóa truyền thống vùng cao, đặc biệt là trang phục thổ cẩm của dân tộc Mông tại Sa Pa (Lào Cai), cùng sự kết hợp giữa vải lanh nhuộm chàm và sợi len, họa tiết và kỹ thuật khâu thủ công. Yêu thích các chất liệu truyền thống, Vũ Việt Hà còn ứng dụng các chất liệu tự nhiên khác như tơ sen, tơ chuối, sợi gai, sợi bông, sợi lanh, lụa tơ tằm... trong nhiều mẫu thiết kế của mình.

bst-ky-gui-vao-tuong-lai.jpg
Một số thiết kế trong bộ sưu tập Ký gửi người Mông vào tương lai của nhà thiết kế Vũ Việt Hà

Tham dự Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam có chủ đề “Taste of Heritage” (Cảm hứng di sản), bộ sưu tập Sương của nhà thiết kế Hoàng Minh Hà là loạt trang phục kết hợp nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bằng Bắc bộ như nón quai thao, áo yếm, khăn mỏ quạ, hình ảnh hoa gạo đỏ, nghệ thuật xếp giấy cổ. Đặc biệt, toàn bộ thiết kế này sử dụng chất liệu tơ sống, tơ tằm và vải sợi làm từ bã cà phê, tơ sen, xương rồng, vỏ hàu…

Bộ sưu tập Suối nguồn của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam cũng sử dụng chất liệu nhung lụa được xử lý bề mặt theo phong cách nghệ thuật Mosaic kết hợp với tinh hoa văn hóa truyền thống Việt Nam như kỹ thuật thêu tay chỉ vàng kết hợp chỉ tơ tằm, kỹ thuật dát vàng, đính kim hoàn, đá quý.

Trung tuần tháng 7, bộ sưu tập Hoa trên sóng nước của nhà thiết kế Lê Thanh Hòa với những trang phục được tạo nên từ lụa Mã Châu, len, lông vũ, sợi cọ raffia. Trong đó lụa Mã Châu từ làng nghề hơn 500 năm ở huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) có nguồn gốc thuần Việt và dùng màu nhuộm tự nhiên từ hạt gấc, hạt điều, lá trà... cũng gây chú ý. Bộ sưu tập Green Phoenix của nhà thiết kế Vũ Thu Phương được thiết kế hoàn toàn bằng lụa Cổ Chất (Nam Định) - làng nghề cung cấp nguyên liệu cho nhiều làng nghề dệt vải ở đồng bằng sông Hồng. Sợi chuối, vải đũi, lụa, lãnh Mỹ A được nhà thiết kế Nguyễn Minh Công đưa vào bộ sưu tập Về nhà Út ơi mang đậm cảm hứng văn hóa miền Tây Nam bộ.

Hai nhà thiết kế Vũ Ngọc Tú và Trương Đình Tùng cũng đã gửi gắm những câu chuyện văn hóa, di sản và vẻ đẹp đa sắc của Hội An thông qua bộ sưu tập Cruise 2023, với 108 thiết kế được lấy cảm hứng từ cây tre, hoa sen và đèn lồng đỏ - nghề thủ công truyền thống ở Hội An. Và đầu tháng 8 này, show diễn Trăng của nhà thiết kế Đinh Văn Thơ ở Quy Nhơn giới thiệu hơn 100 mẫu thiết kế có chất liệu chính là lụa truyền thống và vẽ, đính kết thủ công các họa tiết ánh trăng lấy cảm hứng từ thơ của Hàn Mạc Tử.

Góp phần tôn vinh bản sắc Việt

Nhiều nhà thiết kế đã định hình được phong cách, tên tuổi nhờ theo đuổi việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống - văn hóa bản địa trong thiết kế của mình. Điển hình là nhà thiết kế Minh Hạnh đã dùng chất liệu vải và hoa văn, họa tiết cho trang phục áo dài và cả trang phục khác theo phương châm vừa mang nét truyền thống dân tộc, vừa mang hơi hướng của thời trang hiện đại.

mot-canh-trong-show-phuong-dong-ruc-ro.jpg
Cảnh trong show thời trang Phương Đông rực rỡ

Thực tế qua sáng tạo của nhà thiết kế Minh Hạnh, Võ Việt Chung và nhiều nhà thiết kế khác từ nhiều năm cho thấy, các chất liệu, họa tiết, hoa văn, màu sắc... của văn hóa truyền thống là “mỏ vàng” vô tận cho ngành thời trang khai thác. Trong thời đại toàn cầu hóa, thế giới ngày càng “phẳng” hơn, khi mọi rào cản bị phá vỡ và mọi khu vực hòa chung với nhau, thì sự khác biệt về bản thể, về nguồn gốc, về văn hóa, tức bản sắc văn hóa là những giá trị cốt lõi để định vị giữa làn sóng hòa nhập. Qua hàng thế kỷ, các hoạt động sáng tạo đã cấu thành hệ thống giá trị, truyền thống, thị hiếu, thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó, dân tộc khẳng định bản sắc riêng của mình. Bởi vậy, muốn khẳng định bản sắc thiết kế riêng, vươn xa trên thị trường quốc tế với tinh thần “hòa nhập không hòa tan”, các nhà thiết kế phải thổi được bản sắc văn hóa Việt vào trong những thiết kế thời trang của mình. Đồng thời góp phần tôn vinh văn hóa truyền thống và tạo nên tính bền vững trong sáng tạo thời trang.

Tất nhiên, để đưa văn hóa truyền thống vào sản phẩm thời trang một cách sáng tạo, có tính kế thừa và ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng là không dễ dàng và tốn rất nhiều thời gian, tâm sức của nhà thiết kế. Việc khai thác và sử dụng các yếu tố văn hóa truyền thống cần phải chọn lọc và thận trọng, chính xác để bản sắc dân tộc được truyền tải một cách sâu sắc, mang lại những giá trị thẩm mỹ cao, phù hợp với điều kiện và thị hiếu của công chúng, xu thế của thời đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đưa văn hóa địa phương vào thời trang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO