Văn hóa nghệ thuật

Công nghiệp văn hóa: Từ thế giới đến Việt Nam

Đan Khanh 29/07/2023 11:00

Tài nguyên đầu vào của công nghiệp văn hóa là sự sáng tạo trên nền tảng các giá trị văn hóa để lan tỏa sức mạnh mềm, thúc đẩy hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, nhiều quốc gia xem công nghiệp văn hóa như một khâu đột phá trong phát triển văn hóa.

Công nghiệp văn hóa trên thế giới

le-hoi-ve-mien-quan-ho-2023.jpg
Lễ hội Về miền quan họ 2023

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã thống kê, doanh thu toàn cầu hằng năm của các ngành công nghiệp văn hóa vào khoảng 2.250 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu hơn 250 tỷ USD.

Ngày nay, Hàn Quốc là một điển hình (được nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam học tập) về chiến lược xuất khẩu văn hóa đại chúng, từ những năm 1990, được đặt tên là “Làn sóng văn hóa Hàn Quốc”
(K-Cultural). Không phát triển riêng lẻ mà K-Cultural cùng nhau phát triển bằng sự ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.

Theo đó, chính phủ Hàn Quốc đã có một kế hoạch tổng thể cho sự phát triển bền vững thông qua tương tác có tính hệ thống của các lĩnh vực văn hóa khác nhau: K-Pop, K-Movie, K-Food, K-Drama, K-Game, K-Webtoon, K-Beauty... Nhờ vậy, Hàn Quốc đã đưa ngành công nghiệp văn hóa của mình vươn khỏi phạm vi quốc gia, ra khu vực và thế giới.

“Cơn sốt” tour diễn của nhóm nhạc BlackPink tại nhiều quốc gia, hay thành công vang dội của nhóm nhạc BTS khi chinh phục thị trường âm nhạc Bắc Mỹ, bộ phim Ký sinh trùng thắng nhiều giải thưởng Oscar 2020... là kết quả của chiến lược phát triển bài bản và chứng minh sức mạnh của công nghiệp văn hóa xứ Hàn.

Tiềm năng văn hóa của TP.HCM

le-hoi-ao-dai-tp.hcm-2023-copy.jpg
Lễ hội Áo dài TP.HCM

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ khẳng định: “Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân”.

Hiện Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, phấn đấu đến năm 2030 doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.

Trên thực tế, TP. HCM đã và đang là trung tâm năng động nhất cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.

le-hoi-hozo-2022.jpg
Lễ hội Âm nhạc Quốc tế TP.HCM Hò dô (HOZO)

Thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, TP.HCM đã xác định điện ảnh và âm nhạc là một trong 8 ngành tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Bên cạnh đó, Lễ hội Âm nhạc Quốc tế TP.HCM Hò dô (HOZO) và Lễ hội Áo dài TP.HCM đã trở thành thương hiệu, tháng 8 tới Lễ hội Sông nước TP.HCM lần thứ nhất - năm 2023, trong đó có đại thực cảnh chủ đề “Sài Gòn - Dòng sông kể chuyện” lần đầu tiên được tổ chức.

Dự kiến tháng 4/2024, Liên hoan Phim quốc tế TP.HCM sẽ được tổ chức... Được biết, trong thời gian tới thành phố sẽ tập trung đầu tư không chỉ cơ sở vật chất, phát huy đội ngũ, mà còn tạo cơ chế phù hợp cho phát triển văn học, nghệ thuật của thành phố. Từ đó tạo cơ hội cho các nghệ sĩ, nhà thiết kế, các doanh nghiệp văn hóa phát triển và khai thác tiềm năng văn hóa của thành phố góp phần xây dựng công nghiệp văn hóa của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công nghiệp văn hóa: Từ thế giới đến Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO