Chuyên đề

Lạm bàn về phát triển văn hóa

Đỗ Chí Nghĩa (*) 08/11/2023 19:17

Tôi rất thấm thía lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Môi trường văn hoá vẫn bị ô nhiễm bởi những tệ nạn xã hội, bởi những tham nhũng, tiêu cực, phải kiên quyết đấu tranh phòng chống để Đảng ta, hệ thống chính trị nước ta thật sự là đạo đức tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá, cốt cách của người Việt.

article.jpg

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đã có sự thay đổi trong nhận thức, trong tư duy, trong hành động của các cấp, các ngành liên quan đến văn hoá. Cuộc Hội thảo Văn hóa ngày 17/1/2022 tại Trung tâm Văn hoá Kinh Bắc (Bắc Ninh) với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Bắc Ninh tổ chức đã tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Từ đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam. Hội thảo góp phần tạo chuyển biến trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và đấy là một trong những vấn đề rất cơ bản để văn hoá có những bước phát triển bền vững.

Người Việt Nam thích bàn luận, thích cái mới và say sưa với triết nghĩa văn hóa. Đó là dữ liệu để chúng ta phát triển văn hoá - nghệ thuật.

Nhưng khi đi khảo sát địa bàn, chúng tôi nhận thấy để phát triển văn hóa - nghệ thuật vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra: Nhà hát không có diễn viên, sinh viên không muốn nghe hát. Có địa phương muốn xây nhà hát, trung tâm biểu diễn nghệ thuật trên khu đất vàng nhưng do thủ tực hành chính nên không thực hiện được, những khu đất ấy bị bỏ hoang. Đó cũng là tình trạng phần lớn các đoàn nghệ thuật không có nhà hát riêng để biểu diễn, muốn biểu diễn thì phải đi thuê.

Thứ nữa là về nhân lực. Chúng tôi vào một số đoàn nghệ thuật của quân đội thì được biết không được tuyển biên chế mới, tức người trẻ. Nói vui là nếu có đoàn nghệ thuật quân đội bây giờ muốn có vai bộ đội, thanh niên xung phong thời chống Mỹ thì chỉ có diễn viên 40, 50 tuổi “đóng thế”. Đúng là khó khăn, khó khăn nhiều mặt.

Chúng tôi đi khảo sát ở các trường nghệ thuật thì thấy không có nghệ thuật truyền thống do không tuyển được người biết hay say mê nghệ thuật truyền thống. Chúng tôi đến một sân khấu xã hội hóa ở thành phố lớn, thấy nhà biểu diễn lợp tôn, mỗi tuần vài suất diễn. Tôi hỏi sàn diễn sao không được thiết kế, trang trí đúng chuẩn thì thì chị giám đốc cho biết sàn diễn này vốn là sân thượng của toà nhà lâu năm, chúng tôi chỉ đủ tiền thuê nó, sửa lại để làm sân khấu. Tôi hỏi, thế rồi lỡ nó sập mái thì sao, chị trả lời không biết, cũng không ai nói gì nên cứ biểu diễn thôi.

Ngay sau chuyến khảo sát ấy, chúng tôi gặp đồng chí lãnh đạo Sở Văn hoá thành phố và đề nghị hãy lưu ý đến tình trạng không có sàn diễn hay sàn diễn quá tạm bợ, nhưng “lưu ý” thì phải có chủ trương của lãnh đạo thành phố, phải có tiền.

xin20chu20ngay20xuan202020nguyen20ta20vinh20ha.jpg

Về sáng tác và biểu diễn thì còn nhiều vấn đề phải nói. Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng là muốn có tác phẩm xứng tầm, quan trọng nhất là phải tạo điều kiện cho nghệ sĩ sáng tạo, phải đầu tư xứng đáng với trí tuệ, công lao của người sáng tác, người biểu diễn. Chúng ta đã có Lưu Quang Vũ với 40 vở kịch cùng hàng ngàn đêm sân khấu đỏ đèn. Chúng ta hy vọng với sự phát triển của đất nước, sẽ có những tác phẩm văn hoá, văn nghệ, văn chương xứng tầm, mang ý nghĩa thời đại, nhất là trong thực tiễn công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

Một vấn đề nữa tôi muốn trao đổi, đó là “văn hoá mưu sinh” đang phát triển. Đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rõ trọng tâm của phát triển văn hoá là phát triển con người, tránh chuyện tư duy văn hoá chỉ là giải trí. Mà đã là con người thì trước hết phải phát triển văn hoá công vụ, đạo đức công vụ. Chúng ta thấy trên báo chí hằng ngày rất nhiều người dân phàn nàn về công vụ. Không ít cán bộ hiện nay cố gắng làm đúng những quy định cũ kỹ nhằm mục đích cá nhân. Chẳng hạn bây giờ có những cặp vợ chồng già muốn bán căn hộ thì phải trình giấy đăng ký kết hôn. Nhiều cặp vợ chồng già không có giấy đăng ký kết hôn bởi chiến tranh, bởi lưu lạc kiếm sống thất lạc hết giấy tờ, ngay cả chứng minh thư hay căn cước công dân. Với họ, sao không áp dụng linh hoạt chính sách về thủ tục hành chính mới.

Cái sự làm khó đó nó không có trong truyền thống văn hoá Việt Nam, nó nảy sinh từ tư lợi. Thế cho nên sự xói mòn lòng tin với Đảng, với Chính phủ đến từ những hành vi công vụ rất là cụ thể như vậy nhưng có người coi đó là sự thường tình.

Tôi rất thấm thía lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi những tệ nạn xã hội, bởi những tham nhũng, tiêu cực, phải kiên quyết đấu tranh phòng chống để Đảng ta, hệ thống chính trị nước ta thật sự là đạo đức tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá, cốt cách của người Việt.

(*) Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lạm bàn về phát triển văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO