Năm 2030: TP.HCM trở thành Trung tâm Công nghiệp văn hóa của Đông Nam Á
Ngày 25/10/2023, UBND TP.HCM ban hành quyết định số 4853/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phát triển ngành Công nghiệp văn hóa (CNVH) TP.HCM đến năm 2030.
Mục tiêu của Đề án là phát triển ngành CNVH Việt Nam trên địa bàn Thành phố trở thành ngành kinh tế sản xuất, dịch vụ và kinh tế sáng tạo quan trọng, phát triển về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa; xác lập thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế văn hóa, con người TP.HCM ra khu vực và thế giới.
Theo đó, giai đoạn 2021-2025, đưa TP.HCM trở thành Trung tâm CNVH của cả nước và khu vực. Đầu tư nguồn lực phù hợp, khuyến khích xã hội hóa, tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, có nhiều đóng góp vào tổng sản phẩm (GRDP) của Thành phố, gồm quảng cáo, thời trang, triển lãm, điện ảnh, du lịch văn hóa. Định hướng và từng bước phát triển các ngành nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh và triển lãm trở thành ngành dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Giai đoạn 2026-2030, phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành CNVH trên địa bàn Thành phố một cách bền vững, ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Thành phố sẽ có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa của khu vực và thế giới. Xây dựng TP.HCM trở thành Trung tâm CNVH của khu vực Đông Nam Á.
Đề án tập trung 8 ngành, lĩnh vực văn hóa trọng điểm ưu tiên phát triển, bao gồm điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa và thời trang.
Hiện nay, TP.HCM có 17.670 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực văn hóa, chiếm 7,74% tổng số doanh nghiệp của toàn Thành phố. Nếu như năm 2010, giá trị sản xuất của các ngành CNVH ở TP.HCM đạt trên 36.094 tỷ đồng thì đến năm 2019, con số này đã trên 84.123 tỷ đồng. Đóng góp của sản xuất CNVH vào GRDP của Thành phố năm 2010 đạt tỷ lệ 3,77%, đến năm 2019 đạt 3,88%, trong đó ngành quảng cáo có tỷ lệ đóng góp lớn nhất. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên giá trị sản xuất của ngành CNVH ở Thành phố phát triển thấp, đạt 36.732 tỷ đồng, chiếm 3,54% tổng GRDP. Tuy nhiên, đóng góp của ngành CNVH đến năm 2020 vào GRDP của toàn thành phố vẫn cao hơn mục tiêu phấn đấu của cả nước (khoảng 3% GDP).
Theo UBND TP.HCM, việc xây dựng Đề án là rất cấp thiết, nhằm khảo sát, phân tích, đánh giá thực trạng phát triển một số ngành, lĩnh vực CNVH đang thực hiện và lợi thế của TP.HCM, từ đó nhận diện đầy đủ tiềm năng, thế mạnh có thể phát triển các ngành CNVH và những hạn chế, thách thức cần phải đối mặt, khắc phục.
Nhiều quốc gia phát triển CNVH ở mức chuyên nghiệp, nhất là ở các nước phát triển - đã áp dụng mô hình văn hóa mở đường cho các hoạt động kinh tế. Ngành CNVH là lĩnh vực phát triển nhanh chóng và là trọng tâm được nhiều nước quan tâm, coi đó là lĩnh vực đột phá trong chiến lược phát triển quốc gia.
Lãnh đạo TP.HCM sẽ kêu gọi đầu tư, khuyến khích các mô hình đầu tư và kinh doanh CNVH, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; nghiên cứu thành lập Trung tâm Phát triển CNVH, trung tâm sáng tạo; củng cố, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị một số trường nghệ thuật và sẽ sớm có cơ chế tiếp nhận đề xuất từ doanh nghiệp và đặt hàng sản phẩm phát triển công nghiệp văn hóa cho doanh nghiệp, đồng thời tạo sự yên tâm, tin tưởng để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư ổn định và lâu dài. Có cơ chế đặc thù để tạo điều kiện, hỗ trợ hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân mang tính đầu tàu, dẫn dắt, tiên phong để phát triển 8 ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn của Thành phố.
Đề án cũng nêu tổng nhu cầu vốn phát triển ngành CNVH TP.HCM đến năm 2030 là 14.668 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 9.615 tỷ đồng, còn lại xã hội hóa để đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, hỗ trợ xây dựng các mô hình đầu tư và kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, xây dựng sản phẩm, thương hiệu và quảng bá, xúc tiến thương mại, hợp tác phát triển các ngành CNVH; tổ chức quản lý, điều hành và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực CNVH.