Văn hóa đọc

Khuyến khích văn hóa đọc trong doanh nghiệp: Lãnh đạo giữ vai trò dẫn dắt

Tâm An 31/10/2023 11:00

Theo bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), để khuyến khích văn hóa đọc trong doanh nghiệp, người lãnh đạo và quản lý cần giữ vai trò dẫn dắt, truyền cảm hứng, khơi dậy tinh thần, động lực học tập, tích lũy tri thức thông qua việc tạo môi trường, không gian thích hợp, tổ chức thường xuyên các hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc.

Nhiều cách để khuyến khích văn hóa đọc

Bà Cao Thị Ngọc Dung cho biết, văn hóa đọc trong các doanh nghiệp hiện nay chưa phát triển do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên đa phần đến từ hai yếu tố. Đó là do các áp lực công việc, các mối quan hệ xã hội khiến cho mỗi thành viên công ty không có thời gian dành cho việc đọc. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp không chú trọng đến việc đưa văn hóa đọc vào trong đào tạo doanh nghiệp, dẫn đến thực tế là nhân viên và ngay cả người quản lý ít có cơ hội được tiếp cận với các đầu sách phù hợp.

nhan-vien-pnj-chia-se-ve-noi-dung-cuon-sach-2.jpg

Anh Hoàng Trọng Ngọc: “Phát triển văn hóa đọc sẽ giúp cho mỗi nhân viên tăng tinh thần tự học, phát triển tư duy, có nhiều sáng kiến mới, góp phần vào sự phát triển chung của doanh nghiệp. Tôi dành 30-45 phút mỗi ngày để đọc sách, trung bình một tuần tôi đọc 2-3 lần. Loại sách tôi thường đọc là các sách phát triển bản thân, nâng cao kỹ năng mềm, sách về kinh doanh. Trong đó tôi tâm đắc các cuốn Dẫn dắt bản thân, Đội nhómTổ chức vươn xa”.

Theo dòng chảy văn hóa thời đại, một số doanh nghiệp đang thực hiện mô hình học tập, đào tạo cho cán bộ nhân viên nhằm thúc đẩy sự phát triển của mỗi cá nhân cũng như nâng cấp việc quản trị nguồn nhân lực. Trong đó, văn hóa đọc được xem là một trong những mô hình văn hóa doanh nghiệp được nhiều công ty áp dụng. Dù vậy, các công ty cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện điều này.

Bà Dung cho rằng, người lãnh đạo và quản lý cần giữ vai trò dẫn dắt, truyền cảm hứng, khơi dậy tinh thần, động lực học tập, tích lũy tri thức thông qua việc tạo môi trường, không gian thích hợp để khuyến khích việc đọc sách tại đơn vị, tổ chức thường xuyên các hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc. Từ đó, sẽ giúp thay đổi nhận thức của nhân viên về lợi ích của đọc sách, nhân viên sẽ dần yêu thích đọc sách, xem đó là cách để tự học tập, trau dồi, phát triển năng lực, mang lại hiệu quả công việc. Ngoài ra, việc đọc góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, khuyến khích nhân viên đổi mới, sáng tạo, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp.

“Phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp không đơn thuần chỉ là việc đưa tủ sách (vật chất) vào trong doanh nghiệp. Muốn văn hóa đọc thật sự hiệu quả cần có nhiều hoạt động khuyến khích đọc sách, như tổ chức hội thảo, hướng dẫn, đào tạo các kiến thức có trong sách báo”, bà Dung cho biết.

Bà Dung nói thêm, trong việc quản trị công ty, đầu những năm 2000, hai cuốn sách Xây dựng để trường tồn và Từ tốt đến vĩ đại của Jim Collins đã giúp bà có được những nhận thức sâu sắc về việc muốn xây dựng nền tảng để công ty trường tồn và phát triển thì phải như thế nào. Đặc biệt, năm 2011, hai cuốn sách Dẫn dắt sự thay đổi của John P. Kotter và Lãnh đạo sự thay đổi đã giúp bà thay đổi tư duy để mạnh dạn tái cấu trúc PNJ một cách mạnh mẽ, triệt để, có thêm tư duy mới về quản trị sự thay đổi.

nhan-vien-pnj-chia-se-nhung-cuon-sach-hay.jpg

Chị Trương Thị Hà Trang: “Mỗi ngày tôi dành 15-30 phút để nghe sách nói, đọc sách giấy. Cuối tuần, thời gian đọc của tôi nhiều hơn, khoảng vài tiếng. Đọc sách giúp tôi hiểu mình như một chiếc cốc rỗng, còn kiến thức, kinh nghiệm thì rất bao la, rộng lớn. Do đó, tôi thấy bản thân càng cần phải học hỏi, đào sâu, nghiên cứu nhiều hơn. Theo tôi, văn hóa đọc thúc đẩy việc tự phát triển bản thân, làm nền tảng cho việc áp dụng và thực hành trong công việc. Mỗi cá nhân phát triển sẽ làm tiền đề cho tổ chức phát triển một cách bền vững”.

“Sau đó, cuốn sách Nhấn nút tái tạo của Satya Nadella - CEO Microsoft một lần nữa đã giúp bản thân tôi tiếp tục nhấn nút tái tạo đến hôm nay. Tôi thường tặng sách cho các nhân viên và chúng tôi chọn ra những chi tiết đắt giá trong cuốn sách đó để thảo luận, chia sẻ, nhân lên giá trị cho việc đọc và ngẫm về chiều sâu của cuốn sách. Sau những lần như vậy, chúng tôi đúc kết ra những bài học thú vị, bổ ích, giúp các thành viên tái tạo tư duy, được truyền động lực, cảm hứng để làm nên những điều mới mẻ, lớn lao hơn”, bà Dung chia sẻ.

Thời gian đọc linh động

Tại PNJ, mỗi phòng ban có một kho sách riêng để các thành viên có thể đọc và sau đó trao đổi với nhau về nội dung sách. Các đầu sách rất đa dạng, về nhiều nội dung, nhưng tập trung vào kinh doanh, quản trị, bán hàng, marketing, truyền thông, nhân sự… Thời gian đọc sách khá linh động, tùy vào mỗi cá nhân. Có thể đầu giờ làm, sau giờ ăn trưa hoặc sau khi tan sở.

Anh Hoàng Trọng Ngọc - chuyên viên cao cấp truyền thông nội bộ và văn hóa doanh nghiệp cho biết, tại PNJ, văn hóa đọc phổ biến hầu hết ở mỗi phòng ban. Các nhân viên được truyền cảm hứng đọc từ ban lãnh đạo, cán bộ quản lý. Ngoài việc luôn tạo điều kiện và khuyến khích các thành viên đọc sách, PNJ còn thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo để cập nhật những kiến thức mới, những kỹ năng cần thiết phục vụ công việc và đời sống cho nhân viên. Qua những buổi như thế, nhân viên có cơ hội học hỏi thêm để hoàn thiện bản thân, phát triển kỹ năng và nâng cao chuyên môn.

Chị Trương Thị Hà Trang - chuyên viên cao cấp phát triển tổ chức tiết lộ, các quản lý thường được tặng sách để nâng cao năng lực quản lý. Ngoài ra, trang truyền thông nội bộ của công ty thường truyền thông, khuyến khích lan tỏa văn hóa đọc, giúp cho mỗi thành viên tự học và đào sâu kiến thức thông qua việc đọc sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khuyến khích văn hóa đọc trong doanh nghiệp: Lãnh đạo giữ vai trò dẫn dắt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO