Lợi ích của việc phát triển văn hóa đọc của doanh nhân, doanh nghiệp

Thái Phạm (*)| 03/06/2023 01:00

Nhiều nghiên cứu về doanh nhân, doanh nghiệp lớn trên thế giới cho thấy, việc đọc sách không những giúp ích trong việc mở rộng tầm nhìn, thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp, mà còn giúp lực lượng lao động cải thiện trình độ chuyên môn, nâng cao hiểu biết, kỹ năng trong công việc và phục vụ khách hàng tốt hơn.

Lợi ích của việc phát triển văn hóa đọc của doanh nhân, doanh nghiệp

Vậy cần làm gì để phát triển văn hóa đọc của doanh nhân và tại doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh chủ doanh nghiệp thường khá bận rộn. Doanh nhân đọc sách, theo ý kiến cá nhân tôi, có mấy lợi ích chính: 

Thứ nhất, việc đọc sách giúp doanh nhân trở nên tập trung và sáng tạo hơn. Trong quá trình đọc các thể loại sách kinh doanh, đầu tư, tự truyện, tiểu thuyết, thơ... thì bộ não thường xuyên được luyện tập, chúng sẽ kết nối một cách vô thức những chủ đề liên quan đến kinh doanh và những vấn đề xung quanh cuộc sống, nhờ đó kiến thức, trải nghiệm, chia sẻ từ tác giả những cuốn sách ấy sẽ từ từ thẩm thấu vào tiềm thức của doanh nhân. 

Khoa học sinh học và lượng tử hiện đại đã chứng minh rằng, sức mạnh của bộ não và tiềm thức là rất lớn và nếu được thực hành thường xuyên thì khi doanh nhân cần động não để giải quyết những vấn đề khó thì tự nhiên giải pháp sẽ xuất hiện một cách nhiệm màu. 

Thứ hai, đọc sách sẽ mang lại cho doanh nhân những kiến thức mới, sáng tạo mới, tầm nhìn mới. Hiện có hàng nghìn, hàng chục nghìn cuốn sách nói về kiến thức kinh doanh, đầu tư, cả hiện tại và tương lai. Có rất nhiều nghiên cứu bổ ích của các tác giả trên thế giới được tổng kết, đúc rút trong vài trăm trang sách được xuất bản hằng năm. Có thể nói, nếu là doanh nhân ham đọc sách, có lẽ không bao giờ cạn ý tưởng kinh doanh hay kiến thức, kỹ năng để quản trị DN ngày một tốt hơn, hướng tới phát triển bền vững thông qua đột phá sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm khách hàng ngày càng vượt trội. 

Cái hay của sách là nó không chỉ tổng hợp kiến thức, kinh nghiệm cả đời của tác giả trong vài trăm trang sách, mà còn giúp người đọc trải nghiệm miễn phí những bài học đắt giá ấy để không phải trải qua sai lầm mà chính tác giả đã trải qua trong nhiều năm kinh doanh, đầu tư. Tôi gọi đó là hoạt động thông thái, lấy trí khôn của người khác (Other Peoples Mind - OPM).

Tóm lại, mỗi cuốn sách sẽ mang đến cho doanh nhân một hoặc nhiều góc nhìn mới để nhìn nhận vấn đề doanh nghiệp đang gặp phải một cách thấu đáo hơn, chi tiết hơn, từ đó có những giải pháp sáng tạo để giải quyết. Trong môi trường công nghệ hiện đại như hiện nay, ngoài sách giấy, doanh nhân có thể dành thêm thời gian để nghe sách nói về các vấn đề cần quan tâm hoặc cần học hỏi. Phương tiện mới mẻ nào cũng có thể mang lại những giá trị về tri thức, nhưng nếu xét riêng về chiều sâu tư duy thì không có gì có thể thay thế sách giấy.

Thứ ba, thói quen đọc sách có thể giúp doanh nhân nâng cao kỹ năng lập luận, thấu hiểu và đồng cảm, đồng thời có thể trở thành một người kể chuyện, bán hàng tốt hơn cho thương hiệu cá nhân và doanh nghiệp của mình. Đương nhiên, ai cũng biết kỹ năng cần thiết nhất của một doanh nhân là bán hàng, mà muốn bán hàng giỏi thì phải trở thành một người kể chuyện hấp dẫn, mê hoặc khách hàng và công chúng. Sách và thói quen đọc sách đủ các loại chủ đề, theo tôi là người bạn đồng hành để nâng cao trình độ và kỹ năng kể chuyện. Doanh nhân chăm đọc sách thì có hàng tỷ những câu chuyện hấp dẫn để kể với người theo dõi (follower) trên mạng xã hội.

Lợi ích rất lớn, vậy cần làm gì để phát huy được văn hóa đọc của doanh nhân và doanh nghiệp? Tôi nghĩ cần làm mấy việc: 

Đầu tiên là sự quyết tâm của doanh nhân về việc phát triển văn hóa đọc cho doanh nghiệp. Xây dựng tủ sách doanh nghiệp bằng những cuốn sách về quản trị, lãnh đạo, kinh doanh, đầu tư rồi dần dần bổ sung thêm sách chính trị, triết học, văn học, nghệ thuật. Ở Happy Live, thường bổ sung đầu sách hay về các chủ đề mà chúng tôi muốn đọc, học, không chỉ là những cuốn sách chúng tôi phát hành.  

Tiếp đến, doanh nhân hãy nghiêm khắc với bản thân, phải tìm bằng được khoảng thời gian trong ngày để đọc sách. Biết là công việc bận, nhưng một khi quyết tâm, doanh nhân hãy tìm khoảng thời gian phù hợp nhất trong ngày để đọc sách. Hãy bắt đầu với 45 phút hoặc một tiếng đồng hồ mỗi ngày. Tôi có một “khẩu hiệu” lên dây cót giúp tôi duy trì được thói quen này mỗi ngày, bất chấp công việc bận rộn, đó là một ngày chưa đọc sách là một ngày chưa sống! 

Là lãnh đạo, là doanh nhân, bạn là biểu tượng và tấm gương của doanh nghiệp, nếu có thói quen đọc sách, nhân viên sẽ lấy bạn làm gương và nếu có tủ sách phù hợp, được bạn khuyến khích, tạo điều kiện, văn hóa đọc của doanh nghiệp sẽ phát triển. Bạn sẽ sớm tìm thấy lợi ích qua việc các cấp quản lý và nhân viên doanh nghiệp đọc sách bởi tác dụng của nó lan tỏa tới năng suất lao động và tới khách hàng. 

(*) Nhà sáng lập, Chủ tịch Công ty Happy Live

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lợi ích của việc phát triển văn hóa đọc của doanh nhân, doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO