Văn hóa đọc

Văn hóa đọc trong doanh nghiệp: Không chỉ là đọc sách

Quảng Yên 16/09/2023 17:00

Sự nỗ lực phát triển văn hóa đọc giờ đây không còn dựa vào chỉ riêng sách. Việc đọc không chỉ tính đến đọc sách…

ntdvn_cai-gia-phai-tra-cho-su-thong-thai.jpg

Khi văn hóa của mỗi người và nền đọc chung của xã hội phát triển thì sẽ tạo động lực đọc thường xuyên. Ai cũng nhất trí thế.

Không nói lợi ích của việc đọc nữa vì ai cũng biết. Có nhiều số liệu “giật mình” về đọc sách. Theo trang Global English Editing và Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam - Đông Nam Á thì “người Mỹ và người Việt lười đọc như nhau: 27% người Mỹ trưởng thành không đọc cuốn sách nào trong 12 tháng, 26% dân số Việt Nam không đọc sách”.

Vậy là đỡ lo chăng? Việt Nam… bằng Mỹ còn gì!

Có thể tìm được nhiều số liệu điều tra khác nữa cho thấy đứng đầu đọc sách vẫn là các nước Bắc Âu, như Phần Lan, Thụy Điển… Có lẽ do cuộc sống quá khá giả ở các nước Bắc Âu và con người phát triển toàn diện nên dân họ mê đọc, chứ Âu - Mỹ cũng còn nhiều gay gắt xã hội dù có giàu?

Sự phát triển công nghệ và cuộc cách mạng số hóa đã đem đến nhiều thay đổi cả tích cực và tiêu cực, mang đến thay đổi của con người, đem theo những thách thức mới.

Bây giờ có nhiều người đọc sách điện tử. Ông bà già cũng có máy tính bảng, điện thoại thông minh. Bây giờ là thời đại của những thuật toán tìm kiếm và mạng xã hội.

Rất nhiều người bây giờ đọc kiểu “lướt và quét” - scanners and suffers, đâu có lặn sâu vào thông tin nữa. Họ còn tự sản xuất ra tin tức trên trang cá nhân. Người đọc luôn di chuyển, tự do lựa chọn.
Báo chí cũng đăng tin về giảm sút sự chú ý của con người. Xưa ta hay mắng người kém là “não cá vàng” thì nay khoa học đã nghiên cứu thấy sự chú ý của con người từ 12 giây đã xuống còn 8 giây - thua con cá vàng, nó chú ý tập trung được 9 giây.

Người ta còn nói đến nền “kinh tế của sự chú ý”. Sự chú ý mới ra tiền, mới có lợi nhuận.

Truyền thông đã thay đổi nhanh chóng để đáp ứng thực tế này. Còn sách thì cũng có sự thay đổi hình thức như sách đọc, sách nói. Sân khấu, điện ảnh, giải trí, văn học có cả một nền công nghiệp content - để chiếm lấy tâm hồn và sự ưa thích của người dùng.

Chính vì vậy, sự nỗ lực phát triển văn hóa đọc giờ đây không còn dựa vào chỉ riêng sách. Việc đọc không chỉ tính đến đọc sách...
Trong xã hội, cộng đồng luôn chú ý phát triển thư viện. Vì vai trò của sách rất lớn, là những công trình sáng tạo tác động vào tâm hồn và kỹ năng sống của con người.

Vì thế, nhiều nơi phát triển thư viện, đường sách, cổ vũ văn hóa đọc. Trong giới doanh nhân, những người có tầm nhìn và kỹ năng để đi xa đều là những người đọc sách.

Ở Việt Nam có doanh nhân Nguyễn Trần Bạt là một thí dụ. Ông có thư viện gia đình, dạy các con cách đọc sách, hiểu sách và chính ông viết nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và kỹ năng cho con người thời đại.

Trong doanh nghiệp, ngày nay hình thành lớp doanh nhân mới có văn hóa và khát vọng. Cũng có những gương phát triển kỹ năng đọc và văn hóa doanh nghiệp. Ai cũng thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc thời 4.0.

Trong doanh nghiệp, văn hóa đọc tạo thêm kiến thức, khuyến khích sáng tạo, tư duy linh hoạt, phát triển kỹ năng cá nhân, áp dụng ý tưởng mới, nâng cao kỹ năng đánh giá, quyết định, tạo nền tảng cho văn hóa học tập và chia sẻ kiến thức.

Những lợi ích ấy đã rõ.

Nhiều nghiên cứu, tìm tòi cách xây dựng văn hóa đọc trong doanh nghiệp. Đã có những doanh nghiệp tạo môi trường cho văn hóa đọc, tạo điều kiện tài chính, khuyến khích thảo luận, đánh giá sách gắn với hoạt động nghề nghiệp. Có nơi như doanh nghiệp MSH Holdings hay được nhắc tới việc đọc sách mỗi ngày, chia sẻ những video ngắn.

Có rất nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đang có nhiều sáng kiến để lôi kéo người lao động đọc sách. Miễn là con người không thờ ơ với văn hóa đọc thì sẽ có nhiều nơi tìm ra cách hay để khuyến khích đọc.

Có nhiều cách mới để phát triển văn hóa đọc trong thời kỳ công nghệ phát triển, khi con người có đa phương tiện chứ không chỉ dừng ở đọc sách. Giờ đây là văn hóa đọc hiện đại...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Văn hóa đọc trong doanh nghiệp: Không chỉ là đọc sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO