Văn hóa đọc

Hình thành thói quen đọc sách sau 28 ngày

Nguyễn Châu Linh (*) 16/07/2023 6:00

Với người trưởng thành, muốn thiết lập và duy trì một thói quen lành mạnh cần từ 21-28 ngày, theo TS. Maxwell Maltz. Đọc sách cũng không ngoại lệ. Nhưng để tạo thói quen đọc sách cho cả một tập thể thì cần nhiều hơn thế.

tac-gia-chau-linh.jpg
Tác giả Châu Linh (thứ hai từ bên phải) tại buổi chia sẻ văn hóa đọc nhân dịp 8/3

Việc mỗi cá nhân trong tập thể thực hành theo nguyên tắc “đây là việc phải làm mỗi ngày” là điều không thể thiếu, nếu muốn cùng nhau phát triển tri thức từ sách. Đó là yếu tố cần. Tuy nhiên, còn có những yếu tố khác để hình thành thói quen đọc sách trong công sở. Đây là yếu tố đủ. Và là chủ một doanh nghiệp, tôi biết mình phải đáp ứng được những yếu tố đủ này.

Yếu tố đầu tiên, chính tôi phải là người giữ được thói quen đọc sách. “Đã giữ” chứ không phải vừa hình thành hoặc đang trong quá trình hình thành. Tại sao à? Bởi nếu tin vào giá trị tri thức mà sách mang lại, muốn truyền đạt điều ấy đến người khác, trước tiên bạn phải tự có trải nghiệm đó và trao đi bằng thực chứng của bản thân. Nếu chỉ nói lý thuyết, bất kỳ ai cũng có thể nói. Nhưng bạn biết đấy, con người thường dễ tin vào những thực tế họ kiểm chứng được thay vì lý thuyết suông.

Để thuyết phục một số thành viên muốn phản đối việc đọc sách cùng nhau trong doanh nghiệp, tôi đã cùng họ nói chuyện một cách cởi mở, chân thành về kiến thức mình đọc được, học được, thực hành theo. Buổi trò chuyện của chúng tôi diễn ra suôn sẻ và bởi tôi đã bắt đầu bằng một quyển sách có kiến thức phục vụ cho lộ trình của kế hoạch kinh doanh mà chúng tôi đang cùng nhau triển khai.

Yếu tố thứ hai, truyền thông tích cực là rất quan trọng. Đội ngũ nhân sự, cộng sự của tôi đều có khả năng tự quyết, thế nên không muốn bị áp đặt vào một việc ngoài công việc đã được giao. Nếu chọn lối truyền thông áp đặt hoặc thiếu tích cực, ví như “điều này là cần thiết cho các bạn, nên hãy làm đi” thì hành trình chưa bắt đầu đã có nguy cơ thất bại.

Tôi thích thoải mái, cởi mở và thật lòng. Thế nên, lựa chọn không gian dễ thương một chút, như quán cà phê, quán ăn nhẹ và cùng nhau chia sẻ nội dung một quyển sách hay là bước khởi đầu dễ chịu. Vì trước đó, tôi đã chọn cách truyền thông về kiến thức thực tiễn có thể áp dụng vào công việc và đem lại kết quả tích cực, thế nên những buổi truyền thông như thế, tôi thích chọn sách văn học hơn. Đó là cơ sở để cộng sự của tôi biết rằng, làm kinh doanh không có nghĩa tôi khô khan. Tôi có sự lãng mạn, thích sự sáng tạo và biết cách bồi đắp giá trị giải trí bằng văn học.

Thêm nữa, khi chọn một tác phẩm văn chương kinh điển, tôi và cộng sự có thể thoải mái chia sẻ quan điểm cá nhân, bởi văn chương không có chỗ cho đúng sai. Đây là một cách để tôi truyền thông với nhân sự của mình rằng, môi trường này lành mạnh với cá tính của mọi người, ai cũng có quyền nêu quan điểm.

Yếu tố thứ ba, cũng như trong công việc và cuộc sống vậy, mọi thứ đều cần xây dựng trên nền tảng win - win. Nếu bạn muốn cổ vũ nhân sự của mình đọc sách, nhưng lại quy về lợi ích của bản thân họ để yêu cầu đọc ngoài giờ làm, hãy sẵn sàng cho việc bị phản đối. Và đừng đánh giá đó là hành vi chống đối. Họ có quyền lựa chọn phương thức phát triển khả năng, tri thức của bản thân theo ý muốn.

Việc đọc sách trong một tập thể, nhìn thực tế nhất đó là phát triển tiềm năng, kiến thức của đội ngũ nhân sự nhằm đem lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp. Thế nên, nếu chỉ nhắm vào lợi ích cá nhân của mỗi nhân sự, họ sẽ không nhìn thấy mục đích lớn hơn, không nhìn thấy bức tranh toàn cục.

Tôi chọn cách thẳng thắn với cộng sự của mình. Bạn đọc sách là phát triển cá nhân bạn, cũng là hỗ trợ tập thể này, thế nên thời gian đọc sách, chia sẻ kiến thức trong nội bộ là thời gian cả bạn và công ty nên bỏ ra. Đó là cách tôi trao đổi với nhân sự của mình.

Sự đồng lòng là cơ sở để một tổ chức thành công. Thế nên, trong một hoạt động ngoài công việc thường ngày, mọi người chưa đồng lòng, người lãnh đạo cần kiên nhẫn. Đừng nhân danh “văn hóa doanh nghiệp”, càng đừng cổ vũ theo hướng “tốt cho bản thân mỗi người”. Sự kiên nhẫn lúc này cần dành cho việc truyền thông tích cực để những thành viên chưa thật sự vui vẻ tham gia việc đọc sách cùng nhau hiểu về giá trị của sự đồng lòng.

Yếu tố thứ tư, kiến thức phải thiết thực với từng cá nhân. Chúng ta hãy nhìn vấn đề này thật cởi mở và thực tế. Mỗi phòng ban, mỗi nhân sự có một nhóm công việc riêng, đặc thù riêng. Không phủ nhận việc tôi xây dựng nên mô hình mọi người sẵn lòng hỗ trợ nhau để đạt đến kết quả tốt nhất, nhưng thực tế, mỗi người vẫn dành đến 80% thời gian làm việc chuyên môn. Thế nên, nếu có thể, hãy chia nhỏ nhóm đọc sách trong doanh nghiệp, theo cụm nội dung có lợi ích thực tiễn với phòng ban và nhân sự ấy. Lâu dần, cụ thể là sau hành trình 28 ngày đầu tiên, có thể gợi ý đầu sách mà mọi người trong tập thể có thể cùng đọc, cùng chia sẻ.

Tôi gọi là “hành trình 28 ngày đầu tiên”, tức là hành trình bắt đầu tạo dựng và phát triển thói quen đọc sách trong doanh nghiệp. Khi thành công rồi, hành trình 28 ngày tiếp theo sẽ là hành trình chia sẻ kiến thức cho cộng sự. Đó chính là lúc bạn có thể đưa tập thể vào việc cùng đọc một quyển sách, một nhóm nội dung và chia sẻ việc bản thân từng người áp dụng kiến thức ấy.

Ban đầu có thể sẽ khó khăn, sẽ có một vài người phản đối. Nhưng khi người lãnh đạo tổ chức có phương pháp truyền thông phù hợp, có thể chứng minh lợi ích của việc cùng nhau đọc sách, cùng nhau chia sẻ kiến thức, thì việc đọc sách trong một tập thể sẽ giống như một chuyến teambuilding vậy - kết nối và hào hứng vô cùng!

(*) Founder - CEO Công ty CP Tập đoàn Hành trình Kim cương DJC,
thành viên Hội đồng Sách doanh nhân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hình thành thói quen đọc sách sau 28 ngày
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO