Tổ chức câu lạc bộ đọc sách trong doanh nghiệp: Nên hay không nên?

Nguyễn Châu Linh (*)| 03/07/2023 06:00

Đọc sách giúp phát triển kiến thức và tư duy sáng tạo, tư duy phản biện. Tuy nhiên, thói quen đọc sách của người Việt còn rất hạn chế. Vậy chủ doanh nghiệp (DN) nên làm gì để phát triển văn hóa đọc trong tổ chức của mình?

Câu lạc bộ đọc sách: Tại sao không?

Hiện nay, khá nhiều DN có câu lạc bộ đọc sách. Tất nhiên, bước khởi đầu của hầu hết câu lạc bộ này đều gặp một vài khó khăn chung. Ví dụ, người lao động chưa sẵn sàng, không đủ hào hứng nên ít tham gia đọc sách. Hoặc việc trao đổi về nội dung sách chỉ dừng ở mức hệ thống lại thông tin mà người lao động đọc được, tức chưa tạo được sự sôi nổi trong những buổi “sinh hoạt về sách”.

Nếu xét ở những tổ chức đã triển khai thành công mô hình câu lạc bộ đọc sách thì có thể thấy hai điểm tích cực từ việc đọc sách. Thứ nhất, việc quản trị tri thức trong DN trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn. Thứ hai, tính kết nối trong nội bộ tăng trưởng mạnh mẽ.

Việc quản trị tri thức có thể nói là lý do tiên quyết để mỗi lãnh đạo DN muốn phát triển văn hóa đọc trong tổ chức của mình. Bởi đây là quá trình nắm bắt, lưu giữ, chia sẻ và quản lý hiệu quả kiến thức và kinh nghiệm nhằm nâng cao kiến thức của đội ngũ nhân sự. Vì thực tế, chỉ khi người lao động tìm được kiến thức áp dụng để phát triển phần tri thức ẩn bên trong họ, thì cả tổ chức mới phát huy được tối đa tiềm năng.

Thế nên, việc phát triển và duy trì được thói quen đọc sách cho đa phần người lao động là điều mà mọi lãnh đạo DN nên xem là vấn đề lớn cần quan tâm và thực hiện.

Tiếp đến, tính kết nối trong nội bộ DN tăng trưởng sau thời gian cùng nhau tham gia câu lạc bộ đọc sách thể hiện việc tổ chức có cùng một mối quan tâm phát triển tri thức. Họ có thể tranh luận trong những buổi thảo luận về nội dung sách, nhưng chắc chắn sau những giờ tưởng chừng căng thẳng ấy lại kết nối hơn bởi biết bản thân đã học hỏi được từ chính đồng nghiệp, cộng sự.

Vậy đâu là rào cản?

Không dễ dàng để tổ chức được câu lạc bộ đọc sách trong DN và việc duy trì lâu bền mô hình này càng khó hơn. Có thể việc cố gắng hoàn thành công việc được giao đã là yếu tố khiến người lao động, thậm chí là ban chủ nhiệm câu lạc bộ không còn đủ năng lượng để duy trì đọc sách.

Nhưng nếu xét về những lý do cơ bản, không khó để nhận ra rằng có những rào cản có thể khắc phục. Trước nhất là thời gian. Một số lãnh đạo DN phạm sai lầm khi cho rằng đọc sách chỉ đem lại lợi ích cho chính người lao động, thế nên tổ chức đọc sách ngoài giờ làm. Thực tế phải thấy rằng, người lao động tiến bộ, phát huy được hết tiềm năng chính là lợi ích lâu dài đối với DN.

Nếu buộc người lao động thực hiện một việc ngoài giờ làm mà không được trả tiền tăng ca, họ phản đối là điều rất dễ xảy ra. Hoặc nếu tham gia, họ cũng xem đó là trách nhiệm buộc phải hoàn thành. Có nghĩa họ không đặt sự tập trung vào đó. Sau mỗi buổi chia sẻ nội dung sách, họ thậm chí không thể nhớ mình đã từng đọc gì.

Thứ hai, nội dung sách chưa phù hợp với nhu cầu của người lao động. Đây là một lý do không dễ khắc phục, đặc biệt là những DN quy mô vừa và lớn. Một tổ chức vài chục nhân sự có thể đã khó xác định được đầu sách phù hợp cho tất cả, huống hồ là tổ chức hàng trăm nhân sự với đa dạng vị trí, đặc thù công việc.

Thứ ba, xem buổi thảo luận về một cuốn sách nào đó như một buổi thuyết trình với những nội dung cần đáp ứng. Đã đặt tên buổi thảo luận ấy là “thuyết trình” thì đọc sách sẽ trở nên miễn cưỡng. Người lao động sẽ mặc định nghĩ rằng, cần phải ghi nhớ, tóm tắt chính xác nội dung, nói thật hay để người nghe không đánh giá thấp về mình. Như vậy nó trở thành một phần của chỉ số đánh giá hiệu suất công việc (KPI) mà người lao động không hề có hứng thú.

Tìm một mô hình hay

Mỗi DN đều có văn hóa riêng, thế nên rất khó để đưa ra một hoặc vài phương pháp xây dựng câu lạc bộ đọc sách áp dụng chung. Nhưng nếu dựa vào những điều đã chia sẻ ở trên, có thể tạo nên một câu lạc bộ đọc sách hiệu quả.

Chủ DN không thể bỏ qua vai trò dẫn dắt, khơi dậy tinh thần phát triển bản thân cho đội ngũ nhân sự. Ở đây, không đơn giản là người lãnh đạo có thói quen đọc sách hay không. Người lãnh đạo cần phải truyền đạt được cho đội ngũ nhân sự biết tầm quan trọng của việc đọc sách trong việc phát triển bản thân và cần chứng minh bằng thực tiễn.

-3701-1688306333.jpg

Nên có thể nói, việc truyền thông giữa người lãnh đạo đến đội ngũ nhân sự là rất quan trọng. Chủ DN phải đảm bảo được việc tạo ra nguồn năng lượng đủ tích cực, đủ tươi mới để đội ngũ nhân sự cảm thấy hào hứng tham gia đọc sách. Và tất nhiên, người lãnh đạo phải đảm bảo có mặt trong hoạt động này cùng với tập thể của mình.

Bên cạnh đó, lãnh đạo DN phải từng bước thay đổi nhận thức về học tập và phát triển tri thức cho cả tổ chức. Nếu áp đặt hoặc kiểm soát thì việc đọc sách sẽ mãi là “việc bắt buộc phải làm”. Cần xây dựng không gian tri thức trong tổ chức và cần rất nhiều thời gian để tạo thói quen đọc sách nơi người lao động.

Việc tổ chức các hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc rất quan trọng nhưng chắc chắn cần đảm bảo sự tinh tế và thấu hiểu người lao động. Như một vấn đề ở trên đã nêu, hoạt động này được tổ chức sau giờ làm việc, vào cuối tuần thì rất khó thuyết phục người lao động tham gia, cho dù lợi ích cuối cùng có thuộc về tổ chức hay bản thân họ thì việc xâm phạm thời gian tái tạo năng lượng lao động là điều rất không nên. Nếu tiếp cận tốt và truyền thông hiệu quả, chủ DN có thể “đàm phán win - win” với người lao động. Ví dụ như mỗi tuần, mỗi bên “tặng nhau” một giờ cho việc đọc sách, trao đổi về sách.

Thêm nữa, đừng quên việc tạo ra cơ hội để người lao động áp dụng kiến thức đã đọc vào thực tiễn. Mà vấn đề này cần phải xét đến việc cung cấp nội dung sách phù hợp với từng nhóm công việc, từng phòng, ban. Như vậy, câu lạc bộ đọc sách lâu lâu phải bổ sung sách phù hợp với cả tổ chức. 

(*) CEO Công ty CP Tập đoàn Hành trình Kim cương 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tổ chức câu lạc bộ đọc sách trong doanh nghiệp: Nên hay không nên?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO