Chuyện người nuôi rắn làm thuốc

PHƯƠNG HÀ| 30/06/2018 03:26

Đồng Tâm 2 hứa hẹn là một trung tâm dược liệu, du lịch lớn nhất nước và ... "hái ra tiền".

Chuyện người nuôi rắn làm thuốc

Ông già xăm xăm đi vào Xí nghiệp Dược liệu Quân khu 9, theo sau ông là mấy thanh niên chắc nụi, da đen nhẻm. Gặp Tư Dược ở cửa phòng khách, ông nói lớn:

- Tao nghe mày nuôi rắn, tao tới!

Tư Dược chưa kịp mời ông vào nhà, ông đã hỏi:

- Mày nuôi bao nhiêu?

Tư Dược nhìn ông già quắc thước, râu tóc bạc phơ, dáng đi chắc nịch, nói giỡn:

- Mười con.

- Rắn gì?

- Ri voi, ri cóc.

- Vậy mà cũng nuôi!

- Nói giỡn chơi, chứ toàn thứ dữ không à, ông Hai.

- Đâu mày cho tao coi.

Tư Dược dẫn ông già tới khu nhà nuôi rắn không thích nghi. Rắn hổ mang trong từng lớp lồng xếp ngay ngắn, có hơi lạ, ngóc cao đầu, bành cổ khè nghe như ống tre thổi lửa.

Ông già chắp tay sau lưng, gật gật đầu làm rung chòm râu dài đến ngực. Tư Dược lại dẫn ông già đến khu bể âm trong đất, nuôi theo lối thích nghi, ông già tằng hắng trước những con mái gầm khoang vàng khoang đen lấp lánh xếp lớp, xoắn xuýt vào nhau.

- Tao chịu mày! - Trên con đường len lỏi trải dài giữa các cây thuốc dẫn về phòng khách, ông già khen Tư Dược.

Tư Dược lại giỡn:

- Cho ông Hai xem chơi bấy nhiêu thôi, còn thì... bí mật.

- Bí mật gì nội trong ngày tao cũng coi hết.

Trên bàn tiệc, rùa hấp muối và cháo rắn bay mùi thơm phức, mọi người đã cầm đũa, riêng ông già cứ ngó chăm mặt Tư Dược:

- Mày nói tụi nhỏ cho tao một ly trà đá chữa lửa.

Biết ông già đòi rượu, Tư Dược cười:

- Tưởng ông Hai không còn nhậu được chớ - Nói rồi, như để ông Hai bất ngờ, Tư Dược lấy một chai rượu rắn dưới gầm bàn.

Ông già mở to đôi mắt còn sáng:

- Ủa, mày cũng biết làm rượu rắn. Đưa coi!

Ông già xoay chai rượu trên lòng bàn tay, săm soi một hồi rồi rót ra ly. Ông "khà” một tiếng nghe như rắn bàn nạo (hổ mang chúa) khè. Im lặng một hồi như để nhớ ra chuyện gì, ông Hai nói với Tư Dược:

- Tao có bốn chục đệ tử. Tụi nó đến không đủ, chỉ có mấy thằng đây. Mày chịu thì làm đệ tử thứ bốn mốt. Bữa nhậu hôm nay coi như làm lễ ăn thề. Mày đừng giận, tao kêu mày là đệ tử nhưng mày có thể làm thầy tao. Tao và đám đàn em của mày đây sẽ đi bắt cho mày những con rắn độc trời gầm đất lở!

Tư Dược cầm ly rượu lên:

- Xin tôn ông Hai là thầy, các em học trò thầy đây là sư huynh. Tôi sẽ đề nghị cấp trên trả lương cho ông Hai bằng lương tôi, các em đây sẽ trở thành công nhân quốc phòng cho Xí nghiệp. Tôi sẽ cho hai chiến sĩ đi theo ông Hai học nghề bắt rắn, cũng để giúp ông trong lúc tuổi già sức yếu.

- Bậy mày, tao đâu đã yếu! Dân U Minh vẫn kêu tao là "Ông già gân"!

Bàn tiệc cười ồ lên. Ly chạm cốp cốp...

Đó là vào một buổi trưa giữa mùa khô năm 1981, chẳng bao lâu sau tiếng đồn về Trại rắn Tư Dược lan xuống tận vùng U Minh Thượng - giang sơn rắn của ông già Hai Tượng. Ông tìm đến trại rắn không phải vì tò mò mà vì muốn tận mắt thấy cách nuôi rắn và chế các loại thuốc bổ, thuốc chữa bệnh từ rắn.

Ông cũng còn muốn biết cách Tư Dược trị rắn cắn. Khi gặp ông già, Tư Dược rất mừng vì nghe tài bắt rắn của ông đã lâu. Anh hy vọng từ bàn tay ông và các môn đệ, Trại rắn Đồng Tâm sẽ có thêm nhiều con rắn quý hiếm mà lượng nọc độc của nó đạt mức kỷ lục.

Ông già đi rồi, Tư Dược thầm nghĩ cách giúp đỡ ông. Anh biết ông chỉ có một người con trai độc nhất, tập kết từ miền Bắc về, nhưng dù đã 80 tuổi ông vẫn không chịu ở với con vì đã quen cảnh "tứ chiếng giang hồ”, như chính ông nói ra. Đã trọn một đời "chơi rắn", ông nói rắn cắn ông chai tay, khỏi trị cũng hết. Tư Dược biết không có điều đó, chẳng qua là ông chỉ bị rắn lành hoặc rắn ít độc cắn.

Ông Hai cũng đã chữa trị cho nhiều người bị rắn cắn, bằng những bài thuốc của riêng ông, khỏi thì nhiều, chết thì ít. Ai chết, ông cho là "hết thời". Ông bắt rắn bán hoặc cho dân nhậu xài, chứ chưa bao giờ nghĩ đến việc chế biến con rắn, từ nọc độc, da, thịt, xương của nó thành những vị thuốc quý. Ông là một ông thầy dân gian chứ chưa phải là một ông thầy khoa học.

Ông già Hai Tượng đến giữa lúc Trại Dược liệu - hay như dân vùng Đồng Tâm, Mỹ Tho quen gọi là "Trại rắn Tư Dược", "Trại rắn Đồng Tâm"  đã mang tên Xí nghiệp Dược liệu Quân khu 9 để chỉ đúng quy mô và chức năng của nó. Hẳn ông Hai cũng chưa biết được rằng, có được cơ ngơi này, trung tá Trần Văn Dược và đồng đội của anh đã trải qua bao gian lao, nguy hiểm.

Hòa bình mới được hai năm, đầu mùa mưa 1977, bác sĩ, thiếu tá Trần Văn Dược đang làm viện trưởng một viện quân y thì có lệnh thành lập Đội Nuôi trồng dược liệu, đến cắm chốt giữa một bãi sậy, trong chiến tranh là bãi mìn bảo vệ căn cứ Đồng Tâm khét tiếng của Mỹ.

Vốn liếng trong tay họ là mấy cái thuốn dò mìn, một ít dao, cuốc. Mở được một lối đi, rồi mở được một khoảng đất hẹp dựng chòi, Đội Dược liệu vay ngân hàng 25.000 đồng (không dám vay nhiều vì chưa biết lấy khoản nào để trả nợ) mua bò, dê, cá để nuôi làm vốn.

Tư Dược ra miền Bắc tham quan một số trại dược liệu, trại nuôi rắn. Ba anh  - một nhà nho chuyên bốc thuốc làm phúc đã truyền cho một số bài thuốc Nam, nhưng sau này theo Tây y, anh ít nghĩ đến nó. Nếu như áp dụng cách pha chế thuốc của ba anh thì chỉ mới dừng lại ở kinh nghiệm dân gian. Anh phải đưa những công thức y học hiện đại vào y học dân tộc, tất cả từ con rắn mà đi lên.

Một thuận lợi rất cơ bản cho Tư Dược là anh có "kho rắn" ở đồng bằng sông Cửu Long, với đủ chủng loại, nhất là các loại rắn rất độc như hổ chúa, hổ  mang, mái gầm...

Khi ông già Hai Tượng về thăm Tư Dược lần thứ hai để trao cho anh vài chục con rắn quý hiếm như đã hứa, ông lại chú ý đến ao cá và cây thuốc cùng những con thú để làm thuốc, nhận ra mình đi trong trại Tư Dược mà vẫn mát mẻ như đi trong rừng đước. Tư Dược không chịu bỏ phí một tấc đất nào trong hơn chục hécta của Trung tâm Dược liệu.

Ở các khu nuôi rắn theo kiểu thích nghi, tức gần như trong môi trường hoang dã, bao giờ cũng có 5 tầng được sử dụng: tầng trên cùng là xum xuê long não, tràm bông vàng, tràm gió, tầng thứ hai là giàn thiên lý, tóc tiên, tầng thứ ba là cây cảnh, ba tầng ấy đều là những cây thuốc; tầng thứ tư nuôi rắn, tấng cuối cùng thả cá, thả lươn.

Tư Dược không ngờ lần gặp ông già Hai Tượng ấy là lần cuối cùng. Hai chiến sĩ anh cử đi học nghề ông, giúp đỡ ông đem về cho anh một "bức thư tuyệt mạng" mà trên mặt giấy trắng loang lổ những vết máu là mấy chữ xiêu vẹo: "Hết thời! Chết!".

Hai chiến sĩ lau nước mắt kể lại rằng, ông Hai Tượng tìm được cái hang rắn dưới gốc cây tràm ở U Minh Thượng, biết chắc là rắn hổ chúa, loại rắn có nọc độc độc nhất ở Việt Nam, nhưng ông không lựa chiều thuận để bắt như mọi khi mà thọc thẳng tay vào. Con rắn đang ấp trứng, vặn người đớp ông liền. Ông cười, chửi thề, không chịu cho garô, sơ cứu, ông nói "Hết thời" và run rẩy bảo lấy giấy bút viết thư về cho Tư Dược.

Tư Dược lo đám tang cho ông già Hai Tượng rất chu đáo, chôn cất ông ở nghĩa trang liệt sĩ Cà Mau như đã hứa với ông. Bốn chục môn đệ của ông đã quy tụ về Xí nghiệp của anh, trở thành đồng đội và học trò của anh. Thế nhưng chưa lúc nào anh khuây khỏa nỗi nhớ ông. Ông còn rất khỏe để sống trên trăm tuổi, để còn bắt những con rắn "trời gầm đất lở", nhưng ông đã chết vì không vượt qua được chủ nghĩa kinh nghiệm!

Trại rắn Đồng Tâm từ lâu đã mang tên mới là Trung tâm Nuôi trồng, Nghiên cứu, Chế biến dược liệu Quân khu 9, đã mở rộng đến 12ha và trở thành một khu du lịch, một bảo tàng rắn trên 400 loài, nổi tiếng không những trong nước, hằng năm đón trên 200.000 lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Cuối năm 2016, Quân khu 9 giao nhiệm vụ cho Trung tâm xây dựng Trại rắn Đồng Tâm 2 tại đảo Phú Quốc, diện tích hơn 27ha, một vài hạng mục đã đưa vào hoạt động trong quý I vừa qua, trước mắt phục vụ du lịch sinh thái và điều trị rắn cắn cho bộ đội và nhân dân ở vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc.

Đồng Tâm 2 hứa hẹn là một trung tâm dược liệu, du lịch lớn nhất nước và ... "hái ra tiền".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyện người nuôi rắn làm thuốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO