Quang cảnh buổi họp báo Chính phủ tháng 9/2019 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, người phát ngôn của Chính phủ cho biết, ngày 2/10/2019, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 9/2019.
Phiên họp tập trung nhìn lại, đánh giá tình hình triển khai Nghị quyết số 01, 02, trên cơ sở đó đánh giá sơ bộ cả năm 2019; đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cho ba tháng cuối năm để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.
10 kết quả, thành tựu nổi bật
Mở đầu, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã thông báo với báo giới những tin mừng về kinh tế - xã hội đất nước. Theo Bộ trưởng trong bối cảnh, kinh tế thế giới có tăng trưởng thấp nhất từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và đang đứng bên bờ suy thoái. Tăng trưởng kinh tế của nhiều nền kinh tế giảm mạnh (tăng trưởng của Mỹ 2%, EU 1%, Nhật Bản 0,6%, Ấn Độ 5%, Trung Quốc dưới 6%, Singapore 0%...), tuy nhiên với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, 9 tháng qua đã đạt được 10 kết quả, có thể xem là những thành tựu nổi bật sau:
Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm ước đạt 6,98%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm trở lại đây; đây là dấu hiệu rất tích cực, trong đó nông nghiệp tăng 2,02%, công nghiệp tăng 9,36%, dịch vụ tăng 6,85%.
Thứ hai, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,5%, mức tăng thấp nhất trong ba năm qua.
Thứ ba, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,3%, nhất là khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng 45,3%, tăng 16,9%. Vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, ước đạt 14,2 tỷ USD, tăng 7,3% (vốn FDI thực hiện các năm 2015-2019 lần lượt là: 9,8 tỷ USD; 11 tỷ USD; 12,5 tỷ USD; 13,3 tỷ USD; 9 tháng của năm 2019 đạt 14,2 tỷ USD).
Thứ tư, thu ngân sách Nhà nước tăng cao (10,1%), có 8/12 khoản thu và nhóm các khoản thu nội địa đạt khá, thu nội địa đạt 70,3%.
Thứ năm, trong bối cảnh thương mại toàn cầu tăng trưởng thấp như hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 190 tỷ USD. Xuất siêu lớn, ước đạt 5,9 tỷ USD… Đây là những con số rất đáng mừng.
Thứ sáu, ngành công nghiệp có bước tăng trưởng khá, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là động lực chính của tăng trưởng toàn nền kinh tế. IIP 9 tháng ngành công nghiệp tăng 9,56% (quý I tăng 9%; quý II tăng 9,24%; quý III tăng 10,29%), là mức tăng cao nhất trong 4 năm trở lại đây.
Thứ bảy, mặc dù nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thách thức (dịch bệnh, hạn hán, biến đổi khí hậu) nhưng đã tập trung cơ cấu lại nội ngành theo hướng hiệu quả hơn, ngành thủy sản tiếp tục tăng trưởng khá, là một điểm sáng của ngành. Tổng sản lượng thủy sản tăng 5,4%, trong đó tôm tăng 7,2%, cá tra tăng 7,4%. Xuất khẩu gỗ đạt con số trên 9 tỷ USD,...
Thứ tám, tổng cầu tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%. Khách du lịch quốc tế đạt 12,9 triệu lượt người, tăng 10,8%.
Thứ chín, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục với gần 102,3 nghìn doanh nghiệp (tăng 5,9% về số doanh nghiệp và tăng 34% về số vốn đăng ký). Bên cạnh đó, còn có 27,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Thứ mười, các lĩnh vực về văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Đời sống nhân dân được cải thiện, đặc biệt tại khu vực nông thôn. Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững đạt kết quả tích cực, số hộ thiếu đói giảm 33%, trao tặng cho các đối tượng chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội khoảng 5,1 nghìn tỷ đồng.
Kết quả trên càng khẳng định sự phù hợp của nhận định, đánh giá tình hình mà Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị để báo cáo Trung ương tại kỳ họp sắp tới, đó là dự kiến năm 2019 sẽ hoàn thành toàn diện, vượt mức các mục tiêu kế hoạch đề ra, là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu.
Quốc tế nhận định kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao
Bộ trưởng cho biết thêm, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng thấp nhất từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và đang đứng bên bờ suy thoái, song theo nhận định, đánh giá của các tổ chức quốc tế, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao.
Cụ thể, ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,8% năm 2019 và 6,7% năm 2020. Citigroup Inc. đã điều chỉnh dự báo cả năm cho kinh tế Việt Nam lên 6,9%, từ mức 6,7% trước đó.
Các nhà phân tích tại Maybank Kim Eng Research Ltd. hiện đã dự báo mức tăng trưởng 7% cho kinh tế Việt Nam năm 2019…
Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam và dự báo Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm nay với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 6,9%, và tốc độ này được kỳ vọng sẽ duy trì trong vài năm tới.
Tạp chí US News & World Report vừa xếp hạng Việt Nam đứng thứ 8 trong số 20 quốc gia top đầu có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư.
Vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều tồn tại hạn chế và khó khăn thách thức cần phải vượt qua.
Trước hết là, ngành nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh gây ra, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp thấp nhất trong ba năm qua.
Một số dự án công nghiệp, giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ, chưa xác định được thời gian hoàn thành; giải ngân vốn đầu tư công hiện nay còn rất chậm, không có nhiều chuyển biến (mới đạt 45,17% kế hoạch được Quốc hội thông qua, cùng kỳ đạt 50,93%).
Sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (số doanh nghiệp giải thể tăng 4,7% so với cùng kỳ, trong đó 40% là các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ; giá xuất khẩu bình quân của nhiều mặt hàng nông sản giảm.
Trong tháng 9 và quý III, phát sinh nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự mà chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là dịch bệnh sốt xuất huyết, chân tay miệng và sởi, hay về an ninh trật tự như tội phạm yếu tố nước ngoài, tổ chức sản xuất ma túy, đánh bạc qua mạng, lừa đảo qua mạng, làm giả thẻ ATM, cướp của, giết người, cho vay nặng lãi... gây bức xúc trong nhân dân; còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; hay vấn đề môi trường hai đô thị lớn là Hà Nội, TP.HCM.
Phấn đấu hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu đã đề ra
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, trên cơ sở các ý kiến và thảo luận, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần quyết tâm, kiên định thực hiện các mục tiêu đề ra; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh là "không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế".
Đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã chỉ đạo: Chúng ta phải phấn đấu hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu đã đề ra.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Về kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, phải tạo dựng thêm dư địa cho điều hành kinh tế vĩ mô, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt; tăng tính chủ động và khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường từ bên ngoài; tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, xem đây là một khâu đột phá thúc đẩy tăng trưởng… đồng thời phải nỗ lực, thực hiện các hoàn thành nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao…
(Nguồn VGP News)