Đời thường

Nhớ Tết xưa…

Tâm An 09/02/2024 10:00

Tết là thời điểm nhớ về nguồn cội, Tết xưa luôn đọng lại trong ký ức mỗi người. Đặc biệt, với các doanh nhân HAA (Hội Quảng cáo TP.HCM), ai cũng vấn vương những kỷ niệm của hương vị Tết xưa.

Vẹn nguyên nỗi nhớ Tết xưa

Thuộc thế hệ 7x, Tết xưa in đậm trong dấu ấn ông Nguyễn Thanh Đảo - Chủ tịch HAA bởi sự bình dị, đầm ấm và thân thương nơi huyện nghèo Châu Thành (Tiền Giang).

Tết xưa bắt đầu từ giữa tháng Chạp. Đó là thời điểm trẻ con bắt đầu háo hức mong chờ Tết đến để được mua quần áo đẹp, được lì xì và vui chơi thỏa thích. Tết ngày xưa có tiếng pháo nổ đì đùng. Cứ chiều 30 Tết là nhiều nhà đốt pháo sau khi cúng bữa cơm tất niên. Tiếng pháo nổ rộn ràng khắp nơi, trẻ con trong xóm đi lượn khắp phố nhặt những quả pháo xịt mang về đốt tiếp.

Tết xưa là dịp để quây quần bên anh em họ hàng, chúc Tết lẫn nhau. Ông bà vui vầy cùng con cháu bên nồi bánh tét, hàn huyên đủ chuyện trong năm. Những kỷ niệm xưa in đậm trong ký ức, để rồi sau này, mỗi người đi một nơi, dù thành công hay thất bại nhưng Tết xưa vẫn là một phần tuổi thơ đẹp nhất, đáng nhớ nhất. Đó là khoảng thời gian để gắn kết yêu thương, chờ đón những giây phút bình an của năm mới.

tet3(1).jpg
Tết xưa luôn in đậm trong tâm trí mỗi người (Ảnh: Sưu tầm)
tet2.jpg
Tiếng pháo ngày Tết là kỷ niệm khó quên... (Ảnh sưu tầm)
tet9.jpeg
Tết là dịp mọi người cùng nhau đi chùa cầu mong những điều may mắn trong năm mới (Ảnh sưu tầm)
tet8.jpg
Món ăn truyền thống ngày Tết ở Nam bộ (Ảnh sưu tầm)

Ông Phạm Hồng Sơn - Giám đốc Công ty Thái Sơn nhớ mãi khoảnh khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới. Đó là thời khắc gia đình làm mâm cơm thắp hương gia tiên, quây quần bên nhau và nâng ly chúc nhau những điều tốt đẹp nhất.

Sáng mồng một, mọi người thường cùng nhau đi chùa, mong một năm mới sức khoẻ, hạnh phúc cho bản thân và gia đình. Đi lễ đầu năm không đơn giản để ước nguyện, mà đó còn là thời khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau những lăn lộn, vất vả trong cuộc mưu sinh. Cửa chùa rộng mở với tiếng chuông ngân vang cùng mùi thơm của khói hương, hoa lễ luôn làm cho tâm hồn con người thanh bình đến lạ, cảm nhận được rõ sự giao hòa của trời đất.

Là nhà văn thuộc thế hệ 9x, ông Đặng Thiên Phong - Ủy viên Ban chấp hành HAA luôn in đậm trong tâm trí những ngày Tết xưa cùng gia đình sơn sửa nhà cửa, chuẩn bị đón Tết, quây quần nấu nồi bánh chưng, bánh tét, làm bánh mứt, xem bắn pháo hoa...

Vào ngày Tết, mọi người về hai bên nội, ngoại thăm hỏi, chúc mừng năm mới, cùng thưởng thức những món ăn đậm đà hương vị ngày xuân. Cuộc sống dần thay đổi, những những món ăn ngày Tết như bánh chưng, bánh tét, thịt kho tàu, khổ qua nhồi thịt, dưa kiệu tôm khô vẫn là những món ngon không thể thiếu, để mỗi người dù đi đâu đều có thể cảm nhận trọn vẹn hương vị Tết quê nhà.

Tết nay xa cách hơn…

Cuộc sống hiện đại khiến nhiều giá trị truyền thống dần nhạt phai. Tết trong văn hóa của người Việt vẫn mang ý nghĩa sum vầy, đoàn viên, hướng về cội nguồn. Thế nhưng, nhiều người cảm nhận hương vị Tết đang bị mai một.

Ông Bùi Minh Quân - Phó Chủ tịch HAA cho rằng, do áp lực công việc và cuộc sống gấp gáp, ngày nay, chúng ta có ít thời gian cho những hoạt động truyền thống. Sống trong thời đại kỷ nguyên số, người ta dần bỏ những thứ cũ kỹ để chạy theo điều mới mẻ. Mua vật dụng hay bất kỳ đồ gì, giới trẻ cũng đều lên các sàn thương mại điện tử và được chuyển đến tận nhà. Tết nay vì vậy cũng hối hả, gấp gáp và mang tính công nghệ hơn.

Thay vì đi chợ Tết để tận hưởng không khí háo hức khi xuân về thì nay có thể vừa uống cà phê, vừa xem livestream mua hàng. Thay vì đến nhà nhau thì nay dùng zalo, facetime gọi điện cho nhau chúc Tết. Thay vì cả gia đình cùng ra tiệm ảnh thì giờ ai cũng có thể chụp hình rồi đăng lên mạng xã hội. Tết nay giúp kết nối nhiều người ở nửa vòng trái đất nhưng cũng khiến những người ở gần nhau bỗng trở nên xa cách hơn.

tetnay1.jpg
Những hình ảnh thú vị khác biệt giữa Tết xưa và Tết nay (Ảnh: Sưu tầm)

Ông Đặng Thiên Phong ngậm ngùi, Tết nay chỉ cần soạn một tin nhắn chúc Tết, một click chuột là người nhận đã có thể đọc và trả lời bằng một icon (biểu tượng). Việc tương tác càng trở nên dễ dàng thì càng làm cho giá trị của những lời chúc mất đi.

Là người thuộc thế hệ 8x, giao thoa giữa “xưa” và “nay”, ông Nguyễn Hải Minh - Giám đốc Công ty TNHH Wisdom Agency nhớ lại những ngày trước khi còn ở miền bắc, Tết mang tính truyền thống gia đình nhiều hơn. Khi vào miền nam, cuộc sống cởi mở, mọi người người chỉ đi thăm vài ngày đầu, còn những ngày sau thì dành thời gian nghỉ ngơi hoặc đi du lịch.

Ông Minh chia sẻ: “Tôi thường dành thời gian mấy ngày đầu năm cho gia đình, rồi đi thăm gia đình vợ ở Huế. Tôi là người giao thoa giữa hai thế hệ truyền thống và hiện đại nên tôi không hẳn quá lễ nghi, nhưng cũng không phải kiểu bỏ thành phố đi du lịch dài ngày như giới trẻ hiện nay”.

Ông Phạm Hồng Sơn không giấu được trăm ngàn nỗi lo của doanh nghiệp mùa Tết. Lo doanh số cuối năm, lo đối nội đối ngoại, lo lương, thưởng Tết cho người lao động. Doanh nghiệp càng lớn thì nỗi lo càng bộn bề. Tết ngày xưa là niềm vui, là nỗi háo hức thì giờ đây Tết còn là nỗi sợ, là trách nhiệm. Vì thế, Tết trong mắt nhiều người cũng nặng gánh hơn, ưu tư hơn…

Tết xưa, Tết nay cũng là văn hoá

Theo TS Phạm Văn Luân – Giảng viên Khoa Quản lý văn hoá của Đại học Văn hoá TP.HCM, việc lưu giữ những kỷ niệm Tết xưa là điều thường thấy. Xã hội càng hiện đại, gấp gáp thì con người lại càng trở nên hoài cổ, càng nhớ những gì đã xa. Tuy nhiên, Tết xưa hay Tết nay cũng là văn hoá. Tết xưa là văn hoá của giai đoạn trước, Tết nay là văn hoá 4.0 khi công nghệ đã đi vào mọi ngõ ngách cuộc sống.

50140805_560296467770428_7772630378887512064_n-m.jpg
Giữ gìn vẻ đẹp Tết cổ truyền chính là giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống hiện đại (Ảnh sưu tầm)

TS Luân cho rằng, các giải pháp công nghệ như lì xì online, chúc Tết online có giá trị và giúp gắn kết những người xa nửa vòng trái đất. Tuy nhiên, nếu gần nhau mà cũng sử dụng công nghệ thì cần xem lại. Tết là để về nhà, về với chính mình mới là “vui như Tết”. Tết mà “ảo” thì phong vị Tết càng nhạt nhòa...

Công nghệ chỉ là công cụ, giúp chúng ta sống tốt hơn. Điều quan trọng vẫn phải là tình cảm giữa con người. Giữ gìn vẻ đẹp Tết cổ truyền chính là giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống hiện đại. Từ đó, giúp cho giới trẻ càng thêm trân quý các giá trị truyền thống, yêu quê hương, đất nước, gắn bó với gia đình, với cộng đồng. Từ đó, mỗi người sẽ sống đẹp hơn, có trách nhiệm hơn.

Và rồi Tết nay cũng sẽ trở thành nỗi nhớ của các bạn trẻ thế hệ gen Z trong 10-20 năm nữa.

TS Phạm Văn Luân - Giảng viên Khoa Quản lý văn hoá, Đại học Văn hoá TP.HCM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhớ Tết xưa…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO