Việt Nam tiếp tục đổi mới, nhưng ông Trần Như Trung, Phó giám đốc Savills Hà Nội, cho rằng: "Việt Nam không nhất quán về chính sách".
* Nhiều chính sách được Chính phủ ban hành, từ gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ đồng, mở rộng thị trường bất động sản (BĐS) cho người nước ngoài, nhà ở xã hội, ra đời tổ chức mua nợ xấu... Ông nhận định thế nào về các chính sách này?
- Ghi nhận sự nỗ lực của các cơ quan nhà nước, từ Bộ Xây dựng đến Ngân hàng Nhà nước, nhưng nhìn sâu về kỹ thuật có những chính sách rõ ràng là phải xem xét. Ví dụ, chính sách 30 ngàn tỷ đồng, mục tiêu là lo cho nhà ở xã hội nhưng vận hành lại phải theo kinh tế thị trường, nên đang bị nhập nhằng ở chỗ này.
Nhà ở xã hội thì không được lợi nhuận, còn thị trường thì phải có lợi nhuận. Làm gì để cân đối hai cái đó, quả thực rất khó cho doanh nghiệp (DN), khó cho người đứng ra cho vay tiền và khó cho cả người vay.
Kinh tế thị trường là nơi nào lợi nhuận cao thì vốn sẽ dồn vào. Kinh tế thị trường đã tham gia thì có thể có lợi nhuận và cũng có thể mất. Những nguyên tắc đó không thể sửa được, nhưng lại chưa được lồng ghép vào chính sách.
* Đã qua thời gian được cho là độ trễ chính sách, chẳng hạn, gói 30 ngàn tỷ đồng có quá ít người tiếp cận được. Theo ông, tại sao như vậy?
- Nội dung đưa ra không logic, rất nhiều ràng buộc, vừa phải làm không lợi nhuận và phải làm được thì rất khó. Thị trường BĐS đã lớn mạnh sau hơn 20 năm đổi mới, nhưng vẫn có những quyết định mang màu sắc của cách đây 25 - 30 năm.
Hiện nay, tín dụng đang là rào cản cho tất cả các lĩnh vực chứ không chỉ riêng BĐS. Ngược lại, người cung cấp tài chính cũng đang rất khó khăn, không biết làm thế nào cho DN đủ điều kiện để đưa được vốn ra.
Điều này tác động mạnh đến thị trường BĐS, bởi giai đoạn đầu tiên của dự án là ngốn vốn, trong khi thu vể thì phải từ năm thứ tư đến năm thứ mười mới nhìn thấy, tức là đầu tư dài hạn và nó khác thị trường khác, lĩnh vực khác.
* Theo ông, khúc mắc nằm ở đâu?
- Chính sách không rõ ràng. Người viết các văn bản pháp luật đang "chơi chữ". Có quá nhiều văn bản pháp luật mời gọi người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam, dù đó là một nỗ lực. Nhưng nỗ lực ấy được ví như mở một cánh cửa và mời mọi người vào nhà, nhưng chỉ mở từng milimet. Tôi nghĩ, ngay cả khi mở toang cửa, cũng chưa chắc đã lập tức thu hút được nhà đầu tư.
Có thể mở hé, mở 1/4 hay 3/4 cũng được, tùy từng bối cảnh, nhưng phải nhất quán về chính sách. Người nước ngoài đến Việt Nam đầu tư, họ không có nhiều thời gian để nghe giải thích hết ngày này sang ngày khác.
* Với góc độ một nhà tư vấn, theo ông, chính sách phải thế nào mới có thể tạo được sự thông thoáng cho thị trường BĐS?
- Cái này lại quay lại câu hỏi, "đầu tiên phải có chiến lược đổi mới tiếp theo như thế nào". Tiếp đến, phải có chính sách đất đai rõ ràng. Chúng ta quan tâm đến các nhà đầu tư nước ngoài, mời họ vào như đây là nơi "đất lành chim đậu" hay chỉ mong lấy vốn của họ.
Chúng ta hoàn toàn không rõ ràng trong việc sử dụng nhóm đất ở các khu nghỉ dưỡng hấp dẫn, khu đất ven biển, thậm chí là sâu trong đất liền.
Chúng ta cũng không rõ ràng trong cách hành xử và khi không rõ ràng về cách hành xử, tác động thấy rõ là du lịch cũng không tăng được. Du lịch chỉ loanh quanh lấy phí trên ngọn, một phần rất bé, trong khi phần phí chính vẫn thuộc về các lữ hành nước ngoài. Vấn đề nội tại của thị trường BĐS vẫn chưa giải quyết được, trong đó chính sách đất đai có vai trò nhất định.
* Cảm ơn ông!