Chuyên đề

Nghị quyết 41: Liều thuốc chấn hưng tinh thần doanh nhân

Kim Ngọc - Lữ Ý Nhi 26/10/2023 11:00

Trong lúc doanh nghiệp đang chật vật với những khó khăn do ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới tác động đến kinh tế trong nước, thậm chí có chút hoang mang, dao động thì Nghị quyết mới của Bộ Chính trị (Nghị quyết 41) ra đời, được xem là liều thuốc đặc trị, là nguồn cảm hứng, chấn hưng tinh thần cho doanh nhân tiếp tục tin vào chính mình, vào sứ mệnh của doanh nhân với đất nước trong thời kỳ mới. Và có lẽ, thêm một năm Tháng 10, doanh nhân có thêm tinh thần phấn khởi và niềm tin đặc biệt như thế, sau sự kiện Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định có ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 cách đây 18 năm.

Đón nhận niềm vui Nghị quyết 41 ra đời, buổi tọa đàm bàn tròn do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức với chủ đề “Nghị quyết 41 - Nguồn cảm hứng cho doanh nhân”, với sự tham dự của các doanh nhân truyền cảm hứng 2021, 2022, 2023 do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn bình chọn đã cùng nhau chia sẻ cảm xúc, kỳ vọng về Nghị quyết 41.

Tại tọa đàm, hầu hết doanh nhân đều thể hiện sự hứng khởi và khẳng định, Nghị quyết 41 chính là nguồn cảm hứng được Bộ Chính trị trao đến cho doanh nhân rất đúng lúc, kịp thời, có sức truyền cảm hứng mãnh liệt. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều câu hỏi băn khoăn: Liệu Nghị quyết 41 có thực sự đi vào cuộc sống hay vẫn chỉ là nhiệm vụ “quyết tâm” làm? Và để Nghị quyết 41 đi vào cuộc sống, các doanh nhân cho rằng còn rất nhiều cái “cần” phải được giải quyết căn cơ, quyết liệt và có kế hoạch thực hiện cụ thể.

5j0a2030.jpg

Nghị quyết đã đi thẳng vào vấn đề

Chia sẻ góc nhìn về Nghị quyết 41, ông Trần Anh Vương - cựu Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội khóa VI phân tích: “Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị cũng giống như Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 trước đây, đã phản ánh tầm nhìn và sự đổi mới trong mỗi giai đoạn của lịch sử đất nước...

Nghị quyết 09 nói về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Nghị quyết 41 nói về mục tiêu xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Theo đó, chuẩn mực là đạo đức, văn hóa kinh doanh và tinh thần thượng tôn pháp luật.

Hiện nay, quá trình hoạt động của lực lượng doanh nhân Việt Nam trên thực tế còn không ít vướng mắc về pháp luật, nên Nghị quyết 41 có thể nói là điểm nhấn, giúp rà soát những cái đã và chưa làm được. Nó cũng cho thấy Đảng và Chính phủ rất quyết tâm mong đội ngũ doanh nhân lớn mạnh. Theo ý tôi, nội dung của nghị quyết đã đi thẳng vào vấn đề, chứ không chỉ mang tính động viên.

Nhớ lại Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị ban hành năm 2011, tức khoảng 10 năm sau khi Luật Doanh nghiệp ra đời. Đây là bước đầu để xã hội đề cao, cũng như công nhận vai trò khối kinh tế tư nhân. Hồi đó, giới doanh nhân còn bé nhỏ, thiếu kiến thức pháp lý và làm ăn chưa bài bản.

Nghị quyết 41 đã nói rõ, dù giới doanh nhân - doanh nghiệp chúng ta hiện nay còn nhỏ, nhưng hướng đến ngang tầm khu vực và thế giới. Không những vậy, toàn xã hội cần tạo điều kiện để đội ngũ doanh nhân có đại diện tham gia các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị và những tổ chức có liên quan khác. Khối đoàn thể cần nghiên cứu, ban hành chính sách động viên và tạo điều kiện cho doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần tăng cường trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của doanh nhân Việt Nam trong và ngoài nước.

Bối cảnh ra đời và mục tiêu mà Nghị quyết 41 đặt ra cũng rõ ràng, đó là các cột mốc 2030 và 2045. Điều này khớp với tầm nhìn về viễn cảnh đất nước năm 2045. Căn cứ trên cho thấy, Đảng đã nhìn nhận đội ngũ doanh nhân có vai trò cao hơn rất nhiều so với khi ban hành Nghị quyết 09.

Bây giờ, nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội. Việt Nam là đối tác chiến lược toàn diện không chỉ với những người bạn truyền thống như Nga hay Trung Quốc, mà còn với Mỹ. Quá trình cải thiện quan hệ Việt - Mỹ đã tiến rất nhanh trong thời gian gần đây. Điều này mở ra những cánh cửa hợp tác đầy tiềm năng. Có thể nói, cơ hội phát triển của chúng ta đang rất khả quan. Đất nước đang trong một tâm thế tốt.

Về nhiệm vụ giải pháp, Nghị quyết 09 ngày xưa và Nghị quyết 41 bây giờ đều có 7 yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên giữa hai giai đoạn có nhiều khác biệt.

Song Nghị quyết 41 có tinh thần thúc đẩy sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân - doanh nghiệp, nhằm đưa nước ta sở hữu những tập đoàn ngang tầm châu lục và thế giới. Đây là điều vô cùng ấn tượng. Nghị quyết 41 cũng ban hành sát Ngày Doanh nhân Việt Nam nên mang tính cổ vũ rất cao.

Cần bộ máy công vụ có trách nhiệm

Khẳng định Nghị quyết 41 đã tạo ra sự phấn khởi lớn cho doanh nhân nhưng nhiều doanh nhân vẫn cho rằng, để Nghị quyết 41 đi vào cuộc sống thực tiễn, hiệu quả, còn rất nhiều cái “cần” phải giải quyết sớm.

Theo ông Nguyễn Xuân Dũng - Chủ tịch HĐQT Bitex Group, doanh nhân truyền cảm hứng năm 2023, hiện nay doanh nghiệp đang bị làm khó về hành chính pháp lý. Đây là chuyện chung chứ không phải chuyện của riêng ai, nhưng Nghị quyết 41 vẫn mang tính định hướng, thiếu tính thực tiễn, cụ thể cần phải làm và giải quyết. Ví dụ, chỉ một câu nói, một chủ trương thôi nhưng mỗi doanh nhân có thể hiểu thành nhiều cách, vận dụng ra nhiều kiểu, đó là cái khó cần phải được gỡ.

Chia sẻ rất nhiều nỗi khổ về hành chính, pháp lý đã phải đối mặt thời gian qua, ông Kao Siêu Lực - Tổng giám đốc Công ty CP Bánh Kẹo Á Châu (ABC Bakery), doanh nhân truyền cảm hứng năm 2023 nói: “Doanh nghiệp của tôi có ý tưởng và kế hoạch để xây dựng nhà xưởng, nơi ở cho công nhân từ nhiều năm nay nhưng thủ tục xin giấy phép xây dựng rất lâu, phải lên hết tầng này đến tầng khác. Tới lúc này, sau hai năm rồi cũng không ra được giấy phép. Nếu đợi đến 2-3 năm nữa thì tính về tuổi tác, tôi không biết có đủ sức để cho phép làm hay không. Chính vì không được tạo điều kiện thuận lợi nên cơ hội và hứng thú cũng bị tuột mất.

Ông cũng đưa ra một ví dụ khác, xưởng bánh kẹo hằng năm chỉ có một mùa Trung thu hoạt động nhiều hơn. Ngày thường, cơ quan thanh tra biết công ty xử lý rất tốt, rất sạch sẽ về nước thải, khí thải và không đến kiểm tra. Nhưng vào lúc cao điểm mùa Trung thu, cho rằng doanh nghiệp phải xử lý khí thải, nước thải nhiều hơn thì vào kiểm tra… mà đã kiểm tra thì thế nào doanh nghiệp cũng phải bị phạt, phải… đàm phán và phải tốn thêm khoản chi phí rất lớn.

Theo ông Kao Siêu Lực, thủ tục hành chính gây khó cho doanh nghiệp là nguyên nhân khiến tinh thần doanh nhân bị chùn bước, kìm hãm và mất đi nhiều nguồn vốn chi trả cho những lỗi không đáng. Đặc biệt, trong lúc khó khăn, nhiều chi phí tăng lên một cách đột biến ngoài kiểm soát khiến doanh nghiệp rất lúng túng. Chưa kể, hôm nay cơ quan quản lý nói kiểu này, mai lại thành ra hướng khác, không thống nhất cách làm. Vì thế, nếu không có bộ máy công vụ có trách nhiệm thì mọi vấn đề khó khăn cũng sẽ lòng vòng, khó lòng mà thực thi.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, doanh nhân truyền cảm hứng năm 2021 tiếp: “Những gì ông Lực vừa trải lòng cho thấy, đó là điểm nghẽn của chính sách. Hiện nay, một số chính sách, cải cách không đi theo kịp tình hình thực tế, dẫn đến một số cán bộ viên chức lấy đó để làm khó doanh nghiệp và doanh nghiệp vẫn “bị hành” mỗi ngày, tạo ra sức kéo ngược làm trì trệ sự phát triển”.

_47e06a5c-6dc9-4379-9d90-c5425daa98d8.jpg

Cần một tổ chức đủ thực lực, đủ thầm quyển

Theo ông Nguyễn Xuân Dũng, chính vì những bất cập đang còn tồn tại gây khó và cản trở doanh nghiệp, giải pháp quan trọng nhất là phải có một tổ chức đồng hành cùng doanh nghiệp, trong đó phải có những người có thể quyết định về mặt chính sách, có thẩm quyền nằm trong cùng tổ chức với doanh nghiệp. Họ đồng hành cùng doanh nghiệp, lắng nghe, thấu hiểu những nỗi khổ tâm và hành động như thể là một phần “máu thịt” của doanh nhân, đặc biệt họ phải có tiếng nói thực sự với các cơ quan công quyền, quản lý nhà nước thì mới tác động được. Tất nhiên là những góp ý của doanh nghiệp phải hợp lý, hợp pháp và phải chính đáng. Chỉ như vậy mới có thể giúp doanh nghiệp tăng tốc phát triển, hoàn thành sứ mệnh của mình nhanh nhất”.

Hiện nay, chúng ta đang có Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đại diện tiếng nói cho doanh nhân, doanh nghiệp, nhưng vẫn chỉ là cơ quan ghi nhận, phản ánh. Còn việc xử lý như thế nào khi vẫn còn nhiều rắc rối, nhiều giấy phép, dự án bị kéo dài thời gian ra sao thì dường như các cơ quan như VCCI chưa đủ thẩm quyền, kể cả các đơn vị quản lý cũng không thống nhất với nhau về quan điểm và cách làm.

Cần sự quyết liệt hơn nữa, Nghị quyết đừng để… lâu

Đồng tình, ông Hoàng Tuấn Anh - Chủ tịch PHGLock, doanh nhân truyền cảm hứng năm 2021 chia sẻ thêm: “Hiện nay, năng lực của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam không hề thua doanh nhân các nước, nhưng chúng ta vẫn đi chậm hơn so với năng lực vì còn quá nhiều điểm nghẽn, điểm tắc, nhất là cơ chế và pháp lý - câu chuyện đã quá cũ và lâu nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để hết các nút thắt, làm cản trở sự phát triển của kinh tế và kinh doanh của doanh nhân. Vì thế, đã đến lúc các nghị quyết đừng để lâu mà cần đi vào đời sống nhanh và quyết liệt hơn nữa.

“Chỉ khi mọi việc được giải quyết nhanh chóng, quyết liệt, có cơ chế rõ ràng, đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông phải được giải quyết nhanh chóng thì doanh nhân, doanh nghiệp mới có thể phát huy hết năng lực, có động lực để cống hiến, phát triển xứng tầm”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Minh chứng cho câu chuyện “nút thắt” và “quyết liệt”, mới đây ngày 9/10/2023, sau ba lần gửi đơn kêu cứu giải quyết lên UBND TP.HCM, các ban ngành thành phố nhưng chưa được giải quyết, các doanh nghiệp trong Hội Doanh nghiệp Cơ khí Điện TP.HCM (HAMEE) lại tiếp tục gửi đơn lần thứ tư kêu cứu.

Trong đơn, các doanh nghiệp đồng loạt giải trình: “Chương trình kích cầu đầu tư hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng cho các doanh nghiệp trong các ngành trọng điểm đã được TP.HCM thực hiện nhiều năm. Từ năm 2020 đến nay, HAMEE có 10 doanh nghiệp được phê duyệt tham gia chương trình kích cầu đầu tư này. Dù chưa được giải ngân nhưng tin tưởng vào chính sách hỗ trợ của thành phố, các doanh nghiệp đã mạnh dạn vay ngân hàng để xây dựng nhà máy khang trang, mua sắm máy móc thiết bị hiện đại.

Theo các doanh nghiệp, nếu được hỗ trợ đầy đủ, các doanh nghiệp sẽ đi vào sản xuất ổn định bền vững sau 5-7 năm đầu tư. Vừa qua, khi Nghị quyết 98 về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM ban hành, lãnh đạo thành phố cũng có các phát biểu chỉ đạo Nghị quyết 98 sớm đi vào thực hiện. Tuy nhiên, đến thời điểm này các doanh nghiệp trong HAMEE vẫn chưa được nhận hỗ trợ, nguy cơ sẽ bị phá sản, hàng nghìn công nhân sẽ bị mất việc làm vì các món nợ vay ngân hàng trở thành nợ xấu. Nguyên nhân chỉ vì… chính sách hỗ trợ của thành phố ban hành rồi nhưng không thực hiện kịp thời và chưa quyết liệt giải quyết.

Khó khăn của các doanh nghiệp HAMEE chỉ là một trong những “điểm nghẽn” mà nhiều doanh nghiệp cũng đang gặp phải nên tâm lý đón nhận nghị quyết mới thì ai cũng vui nhưng vẫn không khỏi băn khoăn: Liệu nghị quyết cứ ra đời và mỗi nghị quyết đều được xem là liều thuốc nhưng khả năng chữa bệnh thì đã đủ “dã tật”?

Cần xây dựng môi trường kinh doanh tử tế, phân minh

Để Nghị quyết 41 có tính thực thi và thực tế, bà Tôn Nữ Xuân Quyên - Chủ tịch HĐQT BLUSAIGON, doanh nhân truyền cảm hứng 2023 cũng mong rằng, sắp tới mọi chỉ đạo và kế hoạch phải sớm đi vào cụ thể, chi tiết hơn, không định hướng chung chung để doanh nghiệp vẫn như trước: tự làm, tự xoay sở. “Mà tự làm cũng không làm được vì còn rất nhiều rào cản, cơ chế ngoài khả năng tháo gỡ, xoay sở của doanh nghiệp. Ví dụ, muốn doanh nghiệp là một phần của chuỗi cung ứng thì phải có kế hoạch chi tiết là gì”, bà Quyên nói.

Ở góc nhìn khác, bà Quyên đề xuất, Nhà nước cần có chính sách cụ thể thực tế hơn để kết hợp du lịch với kích cầu về tiêu dùng, tăng doanh thu cho các sản phẩm của doanh nghiệp hiệu quả. Chẳng hạn như Thái Lan với Hồng Kông, họ có những chính sách liên kết với nhau, cho du khách đến doanh nghiệp để kích cầu về tiêu dùng mua sản phẩm cho doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp của nước họ cũng chỉ như mình, không phải họ quá lớn nhưng nhờ chính phủ mang khách tới và trả tiền cho doanh nghiệp, vừa để quảng bá sản phẩm, vừa kích cầu sản xuất trong nước.

Nghị quyết 41 cũng nhấn mạnh cần có chính sách đột phá để phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp nông nghiệp. Tuy nhiên, theo bà Quyên, chỉ tính riêng trung tâm đổi mới sáng tạo hỗ trợ khởi nghiệp thì hiện nay vốn hỗ trợ rất ít mà chỉ có chính sách thôi thì khó lòng doanh nghiệp mạnh dạn và có điều kiện đổi mới sáng tạo, khó lòng ươm tạo, phát triển được nhiều các doanh nghiệp mạnh có quy mô lớn để dẫn dắt hỗ trợ doanh nghiệp, tạo ra chuỗi giá trị toàn cầu xứng tầm.

Nói về tham nhũng tiêu cực trong bộ máy nhà nước, bà Quyên cũng thẳng thắn bày tỏ, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều nỗi khó nhưng làm gì cũng phải “lót tay, tặng quà” thì mọi chuyện mới êm xuôi. Nhưng đáng lo hơn là từ đó sẽ hình thành một môi trường xã hội không lành mạnh, mọi thương vụ đều phải “túi nhỏ, túi to”, gây ra hậu quả, hệ lụy khôn lường. Doanh nghiệp sẽ có suy nghĩ chỉ cần “hối lộ là hàng hóa trót lọt”, dẫn đến chất lượng sản phẩm không đảm bảo, còn những doanh nghiệp làm ăn ngay thẳng, chân chính thì sẽ nản lòng. Vì vậy, cần xây dựng một môi trường kinh doanh tử tế, sạch sẽ và công tư phân minh.

Cần thay đổi chế độ lương

Đồng tình với bà Quyên, ông Nguyễn Quốc Bảo - Chủ tịch Công ty CP Quỹ đầu tư Thành Công, doanh nhân truyền cảm hứng 2023 cũng cho rằng: “Muốn không còn tham những, hối lộ, muốn viên chức, cán bộ công quyền làm việc hết mình, liêm chính, chí công vô tư thì chế độ, lương bổng cho họ cũng phải xem xét lại.

Ông Bảo lấy một ví dụ, hai người có trình độ học vấn, ngành nghề ngang nhau, một người làm cho Nhà nước lương 10 triệu đồng, một người làm cho công ty nước ngoài lương cũng 10 triệu đồng. 15 năm sau, người làm cho công ty nước ngoài được làm chức tổ trưởng và lương 50 triệu đồng, còn người làm cho Nhà nước lúc này làm cũng bao nhiêu năm như vậy nhưng lương chỉ lên 15 triệu đồng. Như vậy, từ thu nhập đồng lương của cán bộ, viên chức sẽ dẫn đến hệ lụy tiêu cực và cuối cùng, người dân, doanh nghiệp phải lãnh đủ. “Chỉ có lương cao thì người làm viên chức, cơ quan công quyền mới đồng lòng xây dựng giá trị cho mình, cho nhân dân, tôn trọng nhân dân và hạn chế đáng kể việc… gây khó doanh nghiệp”, ông Bảo nói.

“Nghị quyết 41 cũng đề cao việc xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Như vậy, nếu xây dựng được đội ngũ viên chức là những người cao quý, giúp nhân dân, giúp doanh nghiệp một cách công tâm, tận tụy, chí công vô tư, xây dựng hình ảnh doanh nhân là những người rất tài giỏi đóng góp vào nền kinh tế nước nhà thì con cháu sẽ lấy đó làm gương, yêu quý hình ảnh người viên chức, doanh nhân, ráng học, ráng trở thành những người có ích”, ông Bảo nói thêm.

Cần đưa vị thế của doanh nhân lên tầm quốc tế

Cho rằng văn hóa và vươn tầm quốc tế là rất cần thiết trong thời điểm này và tương lai, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty Xây dựng Hòa Bình, doanh nhân truyền cảm hứng 2022 nhấn mạnh: “Doanh nhân Việt Nam cần phải nâng tầm trí thức, trình độ, năng lực của doanh nghiệp mình, của đội ngũ nhân lực và đặc biệt là văn hóa quản lý. Dù Nghị quyết 41 chưa xác định rõ phải đưa năng lực, trình độ, vị thế của lực lượng doanh nhân Việt Nam lên tầm quốc tế một cách cụ thể, nhưng mỗi doanh nghiệp phải tự phấn đấu để tạo chuỗi giá trị toàn cầu.

Chúng ta phải xác định, doanh nhân doanh nghiệp Việt Nam có đủ khả năng đem lại lợi nhuận rất cao cho chuỗi toàn cầu. Khi mình có mục tiêu rõ ràng thì tất cả giải pháp, con đường mình đi nó sẽ rõ.

Ông chia sẻ thêm: “Vừa rồi đi công tác ở châu Phi, nhận ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, theo dự báo thì trong 3 thập niên tới, dân số của châu Phi tăng nhanh nhất thế giới. Và đặc biệt, lực lượng lao động của châu Phi tăng lên 796 triệu lao động. Như vậy, châu Phi là thị trường tiềm năng rất lớn. Và họ cũng có nhu cầu mà chúng ta có thể chia sẻ được, đó là công nghệ và sản xuất, cả hai đều rất kém, trong khi Việt Nam lại có được cơ hội, chúng ta chỉ cần chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức thôi, không cần bỏ vốn cũng đã có rất nhiều cái lợi mang về.

Cần báo chí góp sức

Ngoài các đề xuất “cần” đã nêu, các doanh nghiệp tham gia tọa đàm cũng rất trông chờ vào các cơ quan truyền thông sẽ là nhịp cầu nói lên tiếng nói, chia sẻ cùng doanh nhân những khó khăn.

Bà Lâm Thúy Ái - Chủ tịch HĐTV Công ty Sản xuất - Thương mại Mebipha, doanh nhân truyền cảm hứng 2022 đề xuất: “Để động viên tinh thần doanh nhân, cơ quan truyền thông báo chí nên ghi nhận những việc làm tốt của doanh nghiệp, để không chỉ doanh nghiệp trong nước mà các doanh nghiệp thế giới đều phải tin vào uy tín của doanh nghiệp Việt Nam, tin vào cả tổ chức và quốc gia. Để khi ra nước ngoài, doanh nghiệp tự tin giới thiệu là doanh nghiệp Việt Nam, khẳng định sự uy tín đã được xây dựng và khẳng định trước đó”.

Ông Trần Văn Mười - Chủ tịch Công ty Nhà đất Nhân Mười, doanh nhân truyền cảm hứng 2022 cũng kỳ vọng báo chí phải nói lên những nỗi khổ của doanh nghiệp, nói lên những khó khăn để Nhà nước có phương hướng giải quyết những vấn đề đó, người dân thấu hiểu những trắc trở của doanh nghiệp mà thông cảm và tin dùng sản phẩm Việt Nam.

Để doanh nghiệp đi vào đúng quỹ đạo, trật tự cũng như an toàn xã hội thì chắc chắn cần đội ngũ quản lý làm việc cật lực đồng hành cùng doanh nghiệp. Chính vì vậy, ông Tuấn Anh đề xuất nên có giải thưởng “Tôn vinh những quận, huyện, các sở ban ngành quản lý làm tốt công tác đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp” để họ có động lực tiếp tục cố gắng cùng doanh nhân xây dựng một xã hội Việt Nam có nền kinh tế vững bền.

Cảm nhận của doanh nhân về Nghị quyết 41

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM (FFA), Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA): “Cuộc chấn hưng tâm lý”

5j0a2042.jpg

Nghị quyết 41 ra đời được xem là cuộc chấn hưng tâm lý cho doanh nhân trong hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn như thế này. Bởi hiện nay, trước nhiều bất ổn thế giới xảy ra liên tục, kinh tế toàn cầu không sáng sủa, trong nước vừa qua cũng có những chính sách bất cập và nhiều khó khăn khác đã tạo ra tâm lý bất ổn cho doanh nhân Việt Nam. Trong Nghị quyết 41, Đảng và Nhà nước ta xác định rất rõ vai trò của đội ngũ doanh nhân. Phải nâng đội ngũ doanh nhân lên tầm vóc quốc tế, lên tầm phát triển tương xứng nên chúng ta phải nghĩ tới rất nhiều việc phải làm, phải tiếp tục thay đổi như con người, văn hóa, các mối quan hệ xã hội, đạo đức, năng lực...

5j0a2095.jpg

Ông Hoàng Tuấn Anh - Chủ tịch PHGLock: “Suối nguồn tiếp ứng cho cây niềm tin”

Nghị quyết 41 cho thấy có sự chuyển đổi rõ ràng về mặt nhận thức vai trò của doanh nhân và xác định doanh nhân là tiềm lực quan trọng của nền kinh tế, điều này là suối nguồn tiếp ứng cho cái cây niềm tin của doanh nghiệp.

Bà Lâm Thúy Ái - Chủ tịch HĐTV Công ty Sản xuất - Thương mại MEBIPHA: “Nghị quyết 41 ra đời rất kịp lúc, đã vực dậy tinh thần của doanh nghiệp”

5j0a2065.jpg

Khi tôi đưa con thuyền doanh nghiệp đi theo đúng pháp luật, chấp nhận phát triển chậm, làm chậm thì những người cùng ngành lại không làm như vậy, vô tình tạo ra cạnh tranh không lành mạnh. Nhiều lúc khó khăn tôi hoang mang tự hỏi: Mình có đang đi sai hướng không? Và Nghị quyết 41 ra đời rất kịp lúc, đã vực dậy tinh thần của tất cả doanh nghiệp đang rơi vào cảm giác bất an, giúp doanh nghiệp bình tâm lại, quay trở lại với con đường mình đi. Những gì chúng ta đang làm đã được chính thức công nhận một lần nữa bằng văn bản thông qua Nghị quyết 41 là điều rất đáng tự hào và hăng hái hơn, tạo động lực để nâng cao quản trị, đặt mục tiêu phát triển vươn ra biển lớn và tham vọng hơn nữa chính là đặt lá cờ Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

5j0a2087.jpg

Ông Nguyễn Xuân Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Bình Tây (BITEX Group):“Liều thuốc cho doanh nhân”
Nghị quyết 41 đã quá đủ những yếu tố để chia sẻ khó khăn và đề cao tầm quan trọng của doanh nhân, nhưng thực sự mà nói thì về phần giải pháp còn rất nhiều điều chưa thiết thực nên tôi xem đây là liều thuốc nhưng chưa phải thuốc bổ.

5j0a2056.jpg

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Doanh nhân truyền cảm hứng 2022: “Cuộc cách mạng tư tưởng củng cố tinh thần doanh nhân”
Tôi rất vui khi Nghị quyết 41 đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp tư nhân. Có thể nói đây là cuộc cách mạng tư tưởng rất đáng mừng, củng cố tinh thần cho doanh nhân. Chắc chắn đây không phải là chuyện đơn giản, phải rất công phu khi ban hành nghị quyết như vậy.

5j0a2076.jpg

Ông Kao Siêu Lực - Tổng giám đốc Công ty CP Bánh Kẹo Á Châu (ABC Bakery): “Nghị quyết 41 chính là liều thuốc bổ”
Nghị quyết 41 ra đời giúp doanh nghiệp thở phào nhẹ nhõm. Tôi cảm thấy có niềm tin rằng mọi khó khăn sẽ được giải quyết xong xuôi. Nó tạo điều kiện cho doanh nhân rất nhiều, vì vậy đối với doanh nghiệp thì đây chính là một liều thuốc bổ, tiếp thêm niềm tin tổng lực để xây dựng và vận hành doanh nghiệp.

5j0a2109.jpg

Ông Trần Văn Mười - Chủ tịch Công ty Nhà đất Nhân Mười: ‘Thổi bùng lên ngọn lửa trong mỗi doanh nhân”
Nghị quyết 41 đã khẳng định được vai trò nòng cốt, trách nhiệm của doanh nhân. Đó là món quà tinh thần và động lực rất lớn để doanh nhân nỗ lực hơn, cố gắng hơn. Có thể nói, Nghị quyết 41 như đang tiếp lửa cho doanh nhân mạnh mẽ, thổi bùng lên ngọn lửa trong mỗi doanh nhân đang trong tình thế có chút lay động trước sóng gió.

5j0a2115.jpg

Bà Tôn Nữ Xuân Quyên - Chủ tịch HĐQT Công ty BluSaigon: “nhiều điểm sáng tích cực”
Nghị quyết 41 của Đảng và Nhà nước đã có những điểm sáng tích cực khi đưa doanh nghiệp và trí thức về đúng trọng tâm của nền kinh tế. Theo tôi, khi mọi vấn đề tìm ra được đúng trọng tâm sẽ phát triển hết khả năng nội tại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghị quyết 41: Liều thuốc chấn hưng tinh thần doanh nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO