Nghĩ về Ngày Doanh nhân Việt Nam sắp tròn hai thập kỷ
Ngót 20 năm trước, vào năm 2004, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận ngày 13/10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Ngày 13/10/2005 là dịp lần đầu tiên giới doanh nhân và toàn xã hội đón nhận và kỷ niệm sự kiện này.
Tháng 6 năm đó, trên chuyến bay sang thăm Mỹ, Thủ tướng Phan Văn Khải biết tôi là người làm sử và tham gia vào quá trình vận động việc công nhận này, Ông nói với tôi: “Ký rồi đấy”, nhưng với giọng trầm ngâm, ông nói tiếp: “Nhưng mỗi năm chỉ có một ngày tôn vinh doanh nhân thôi, rồi những ngày còn lại thì sao?”. Và sau này, tôi đã được biết nhiều lần ông chia sẻ sự gian nan của giới doanh nhân trong một cơ chế không biết bao giờ mới bớt những nghịch lý. Một năm sau, ông rời Chính phủ.
Vào thời điểm ấy, với doanh nhân đó là một ngày rất vui, nhưng cũng không bớt được những lo âu của một tầng lớp xã hội đang tự nhận thức về mình. Tôi không bao giờ quên, trong đêm gala Ngày Doanh nhân Việt Nam đầu tiên mà tôi được tham dự tại TP.HCM, giữa lúc mọi người rất vui vẻ nghe ca nhạc và những lời chúc tụng “có cánh”, một bạn nhà báo đến phỏng vấn tôi: “Ông nghĩ gì về buổi tối hôm nay?”. Tôi đã trả lời: “Tôi đang nghĩ về ngày mai, sau cuộc vui này, doanh nhân lại bước vào 364 ngày cho đến ngày này sang năm, vẫn là một cuộc bươn chải, đầy gian khổ và rủi ro. Chỉ cần một bài báo của các bạn thôi, khen chê không đúng cũng có thể làm sụp đổ một thương hiệu, phá sản một doanh nghiệp”.
Đến hôm nay, đất nước đã có nhiều đổi thay rất to lớn, giới doanh nhân đã trưởng thành, từng trải trên doanh trường ngày càng rộng mở với công cuộc hội nhập, nhưng cũng ngày càng nhiều phức tạp, thử thách đòi hỏi sự thích ứng và đổi mới không ngừng… Bản thân tôi đã cảm thấy mình không theo kịp để nói về những gì đang diễn ra cũng như tầm nhìn về những gì sẽ đến. Vì thế, trong bài viết nhân chuẩn bị đón Ngày Doanh nhân Việt Nam 2023, xin ngược về những câu chuyện tưởng đã cũ.
Các bạn doanh nhân thường hỏi người làm sử, doanh nhân Việt Nam có tự bao giờ? Một cách trả lời vui là từ thời ông bà Mai An Tiêm rơi vào hoàn cảnh bĩ cực, bị đày ra đảo hoang, biết nắm bắt cơ hội khi phát hiện ra “sản phẩm mới” là quả dưa hấu rồi lao động cần cù và biết cách tiếp thị khôn ngoan, khắc tên vào sản phẩm làm thương hiệu rồi mượn sóng biển tìm đến thị trường... Nhờ vậy không chỉ đoàn tụ được gia đình, được vua cha khen thưởng mà còn trở nên giàu có cho mình và cho vùng đất vốn là hoang đảo. Đúng là những phẩm chất của một doanh nhân.
Nhưng đó chỉ là truyền thuyết nói lên nhiều khát vọng, trong đó có khát vọng làm giàu của người Việt ta xưa. Đó cũng là khát vọng của một cư dân vốn khép kín mình trong lũy tre làng, quẩn quanh với mảnh ruộng và chợ quê... Cho dù trong lịch sử có nhắc đến tướng quân Trần Quang Khải một thời đi bán than, đến dòng dõi vị anh hùng Nguyễn Huệ vốn là thương lái trầu cau... thì cũng phải khẳng định rằng cho đến thời Tây sang, nửa cuối thế kỷ XIX, ở nước ta vẫn chưa có một tầng lớp nào đáng gọi là doanh nhân. Việc thương mại gần như trong tay giới người Hoa sang cư trú và chiếm lĩnh.
Nền kinh tế thuộc địa du nhập vào nước ta làm xuất hiện một lớp người bắt đầu nhìn ra khỏi lũy tre làng, nhưng buổi đầu mới dừng ở câu chuyện “Nông cổ mín đàm” (tên gọi một tờ báo đầu tiên xuất hiện ở Sài Gòn, với nghĩa là ngồi uống trà nói chuyện nông thương). Rồi bắt đầu có những người học đòi người Pháp và người Hoa tổ chức làm ăn và tích lũy vốn liếng thì chẳng bao lâu sau, trong thuật ngữ của mấy tổ chức chính trị cánh tả du nhập từ nước ngoài gọi ngay là “tư sản” trong cuộc đấu tranh giai cấp… còn xã hội thì gọi họ là các nhà công thương. Đó là cách gọi mà sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh của nước Việt Nam vừa giành được độc lập đã sử dụng trong bức thư “gửi các nhà công thương” và hô hào lập “Hội Công thương Cứu quốc”. Đó cũng chính là cái gốc lịch sử và tinh thần để ra đời Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Có thể nói, ngót nửa đầu của thế kỷ XX cho đến Cách mạng Tháng Tám 1945 đã có một tầng lớp doanh nhân nhưng chưa thể gọi là doanh nhân Việt Nam, không chỉ vì nước Việt Nam chưa độc lập (không còn tên trên bản đồ thế giới) mà còn vì chưa hình thành nổi một tầng lớp xã hội trên phạm vi một quốc gia, dù trong hoàn cảnh là thuộc địa của nước Pháp. Tính chất phụ thuộc và bị chèn ép khiến nó què quặt và “bất đắc kỳ tử” như số phận của những tên tuổi một thời lừng danh như Bạch Thái Bưởi, Bùi Huy Tín, Nguyễn Hữu Thu hay ngay cả Nguyễn Văn Vĩnh (hoạt động trong lĩnh vực văn hóa)...
Đó cũng là lý do vì sao tầng lớp này đã hồ hởi đón nhận cách mạng và dấn thân cùng cách mạng khi ý thức về một quốc gia đã giành được độc lập sau cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945. “Tuần lễ vàng”, “Hội Công thương Cứu quốc”, lời cam kết Chính phủ đứng bên cạnh ủng hộ giới công thương trong lá thư ngày 13/10/1945 của cụ Chủ tịch nước... là những bằng chứng.
Nhưng rồi chiến tranh và sự du nhập của những tư tưởng xa lạ với bản sắc Việt Nam đã làm cho tầng lớp này bị thui chột, có lúc bị triệt hạ. Lấy ví dụ như doanh nhân Nguyễn Sơn Hà - chủ hãng sơn có cái tên đầy chất “phản kháng” là Résistance, từng cạnh tranh ngang ngửa với các loại sơn của Pháp và ngoại quốc trong thời thuộc địa. Là người hăng hái đón nhận cách mạng, từng làm thị trưởng Hải Phòng thời độc lập, có con là liệt sĩ, trong kháng chiến chống Pháp xây dựng cơ sở sản xuất trên chiến khu sản xuất vải mưa cho bộ đội… nhưng cuối cùng cũng không thể tổ chức kinh doanh trở thành nhà công thương tiêu biểu trong chế độ mới, mà chỉ trở thành một tấm gương của một nhân sĩ yêu nước.
Có những doanh nghiệp ngóc lên ở miền Nam trước năm 1975 thì bị gắn với những lợi ích của cuộc chiến tranh do tư bản Mỹ tiến hành để trở thành mại bản, làm giàu bằng chiến tranh rồi… di tản. Số còn gắn bó ở lại với đất nước thì cùng chịu đựng sự giày vò của những cuộc cải cách không mang lại sức sống cho nền kinh tế quốc gia...
Nói như thế để thấy, tầng lớp doanh nhân ngày hôm nay thực sự mang tên doanh nhân Việt Nam là sản phẩm của một chế độ, một nền kinh tế quốc dân hoàn toàn mới, ra đời cùng với chiến tranh và đặc biệt là công cuộc đổi mới nên còn rất trẻ, trưởng thành cùng với công cuộc đổi mới chưa đầy hai thập kỷ (tính đến thời điểm có Ngày Doanh nhân Việt Nam) và hành trang truyền thống duy nhất của họ là tinh thần yêu nước và ý chí tự chủ dân tộc. Trong hành trang ấy, đương nhiên còn có cả những ký ức buồn của một thời đã qua của lớp doanh nhân tiền bối và đến hôm nay vẫn còn phải trăn trở bởi những thăng trầm trong chính sách, bởi những di chứng quan liêu trong bộ máy quản lý nhà nước, cũng như trong nhận thức xã hội về tầng lớp doanh nhân...
Khi đã ví doanh nhân giờ đây là những “chiến sĩ xung kích thời bình” thì đừng quên rằng tính khắc nghiệt của thương trường cũng không kém khốc liệt như trên chiến trường. Sẽ có những doanh nhân thành đạt, thậm chí trở thành anh hùng được tôn vinh; đương nhiên cũng có những kẻ bị thải loại vì phản bội hay phạm pháp. Và cũng sẽ có không ít doanh nhân trở thành “thương binh” hay “tử sĩ” chỉ vì những sai sót không thuộc về mình, đôi khi chỉ vì một chữ ký, một quyết định sai của những người có quyền lực hay một rủi ro truyền thông ngoài ý muốn... Ai sẽ quan tâm đến họ?
Nhưng rốt cuộc thì đấy cũng chính là cái phận và cái mệnh của doanh nhân mọi thời đại. Vấn đề là làm sao tầng lớp này ghé vai cùng đất nước trong cơn chuyển vần của thời đại. Toàn cầu hóa, WTO và biết bao nhiêu cam kết quốc tế... và chính sự nỗ lực thoát khỏi nguy cơ tụt hậu và phát triển đất nước đang đặt lên vai tầng lớp doanh nhân non trẻ của chúng ta những trách nhiệm ngày một nặng nề.
Cũng nhân ngày lễ trọng đại này, lật giở trang sách cũ, đọc lại những nhận định của cụ Cử Lương Văn Can viết cách nay ngót cả thế kỷ mà nghĩ ngợi về tầng lớp doanh nhân Việt Nam hôm nay. Cụ Cử viết rằng: “Người mình không có thương phẩm, không có kiên tâm, không có nghị lực, không biết trọng nghề, không có thương học, kém đường giao thiệp, không biết tiết kiệm và khinh hàng nội hóa”.
Đã có cả thế kỷ nếm trải nhiều thử thách thăng trầm, đã có ngót hai thập kỷ có Ngày Doanh nhân Việt Nam và giờ đây, đã có được điều kiện thuận lợi chưa bao giờ có trong lịch sử, các bạn doanh nhân hãy thử soi mình vào những điều mà cụ Cử Lương Văn Can nhận xét ngót trăm năm trước, để tự vấn mà tìm đường phấn đấu. Vì thế, nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, nghĩ về quá khứ và hướng tới tương lai vẫn thấy nửa lo nửa mừng.