Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững" tổ chức ngày 21/8/2022.
Theo Thủ tướng, thời gian qua, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế đã trải qua rất nhiều khó khăn, nhiều cung bậc cảm xúc, tâm tư khác nhau. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn thấu hiểu, chia sẻ và tin tưởng vào nỗ lực, quyết tâm vượt khó, trách nhiệm và có những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của ngành y.
Thủ tướng cũng thẳng thắn nêu hàng hoạt những hạn chế, khuyết điểm, bất cập của ngành y tế. Hệ thống thể chế, chính sách trong lĩnh vực y tế còn bất cập, nhiều quy định chưa rõ ràng, rườm rà về thủ tục hành chính... Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế; quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối.
Công nghiệp dược, thiết bị y tế chưa đáp ứng yêu cầu; thu nhập, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn bất cập, đời sống một bộ phận cán bộ y tế còn nhiều khó khăn. Tình trạng thiếu thuốc điều trị, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở một số bệnh viện, địa phương chưa được xử lý dứt điểm.
Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, tiêu cực, nhất là trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi gây dư luận bức xúc trong xã hội. Giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đủ chi phí thực tế.
Tài chính y tế còn nhiều bất cập. Đâu đó có những bức xúc về y đức của thầy thuốc, về sự tắc trách, thiếu tinh thần trách nhiệm của cơ sở y tế nào đó, dù chỉ là số ít, cá biệt...
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị - Ảnh: VGP |
Thủ tướng cũng lưu ý ngành y tế cần tiếp tục bám sát tình hình dịch Covid-19; nâng cao nhận thức về yêu cầu tiêm vắc-xin, tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin an toàn, khoa học, hiệu quả. Tiếp tục triển khai hiệu quả 3 trụ cột chống dịch là xét nghiệm, cách ly, điều trị; thực hiện nghiêm 2K+ vắc-xin, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác.
Xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc tại các bệnh viện, chính sách đấu thầu phải minh bạch, khả thi, tránh tâm lý e ngại khi tổ chức đấu thầu, các bộ ngành chung tay vào tháo gỡ vướng mắc hợp tác công tư, phát triển y tế tư nhân, đấu thầu...
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp cho cán bộ ngành y tế, hạn chế tình trạng nghỉ việc, chuyển việc; các chính sách ưu đãi đặc thù ngành; các chính sách hỗ trợ học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe; nghiên cứu chính sách, xem xét công nhận liệt sĩ cho y bác sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ và bảo vệ y bác sĩ khi làm nhiệm vụ.
Khẩn trương rà soát các quy định về xã hội hóa, hợp tác công - tư, phát triển y tế tư nhân; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức.
Sớm hoàn thành phương án thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; tiếp tục thực hiện lộ trình về tỉ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế (BHYT)gắn với giảm chi tiền túi của người dân (nhiều năm qua, chỉ số chi tiền túi (OOP) cho y tế ở nước ta vẫn còn cao, theo số liệu báo cáo là trên 40%).
Trước đó, phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, người từng phụ trách điều hành Bộ Y tế, cho biết ngành y tế "có một núi việc cấp bách cần giải quyết ngay". Việt Nam hiện có bình quân 8,8 bác sĩ/1 vạn dân, trong khi Úc là 36, chỉ số này chúng ta mới đạt ngang Ấn Độ, cao hơn chút ít so với Indonesia...
Những vấn đề hiện nay là thiếu điều dưỡng viên, nguyên lý 1 bác sĩ phải có 3-4 điều dưỡng viên, Nhật Bản tỉ lệ là 1/9, chúng ta chỉ có 1/1,5. Quy định hiện hành 30% ngân sách y tế chi cho dự phòng, nhưng ta mới chi 17%.
Phó thủ tướng cho biết mệnh giá BHYT của Việt Nam tính trung bình là 1 triệu đồng/người/năm, không bằng 1/10-1/30 của các nước phát triển. Muốn giải quyết vấn đề giữ biên chế cho ngành y nói chung, cần tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế thông qua việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Nhưng muốn tính đúng, tính đủ thì chỉ có cách là người dân đóng góp, mua BHYT hoặc lấy ngân sách bù vào. Nhưng, người dân thì nghèo, ngân sách thì khó.
"Về lâu dài, phải giải quyết được nút thắt trong việc tính đúng, tính đủ, có thể mức chưa được như các nước khác nhưng không thể như bây giờ", ông Vũ Đức Đam nói.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng về lâu dài, phải giải quyết được nút thắt trong việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế - Ảnh: VGP |
Tại hội nghị, ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, thời gian qua nhiều cán bộ y tế, đặc biệt là bác sĩ ở bệnh viện công sang bệnh viện tư, Bộ Y tế cần phải đánh giá lại xem nguyên nhân từ đâu, do thu nhập thấp hay chế độ làm việc, môi trường làm việc… để có những giải pháp thực tế.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Y tế đánh giá lại việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công. "Đây là trách nhiệm của Bộ Y tế. Nếu đơn vị nào tự chủ được 100% thì cho phép thực hiện tự chủ, nếu cơ sở nào tự chủ một phần (chi thường xuyên) thì thực hiện sắp xếp theo Nghị định 60, nếu không làm được thì dừng lại", ông Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính đặt vấn đề, theo Nghị quyết 33, Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thành thí điểm tự chủ toàn diện bệnh viện, nay có tiếp tục không hay quay trở lại tự chủ một phần. "Đây là 2 bệnh viện là xương sống của bệnh viện công, của ngành y tế, nếu để các bác sĩ đi sang hệ thống tư nhân thì chúng ta sẽ thất bại, trong khi một trụ cột chính trong vấn đề an sinh xã hội chính là y tế", ông Phớc nói.
Trước tình trạng thiếu vật tư y tế, thuốc, thiết bị y tế, lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế và các cơ sở y tế, địa phương rà soát lại lần nữa, gửi về Bộ Tài chính để tiếp thu và đưa vào sửa đổi trong thời gian sớm nhất.