Thiệt hại do đại dịch và đại họa
Dọc miền Trung, chúng tôi thấy những cảnh hoang tàn do bão lũ gây ra đã được khắc phục cơ bản. Những dấu tích còn lại là những căn nhà đổ nát đang được dọn dẹp và xây lại, những vườn cây gãy đổ xơ xác đang nẩy chồi xanh, nhưng nỗi đau mất mát về người thì vẫn còn nguyên.
Trong báo cáo Quốc hội về tình hình phòng, chống thiên tai ở các tỉnh miền Trung, Chính phủ cho biết bão lũ đã gây thiệt hại về kinh tế khoảng 17.000 tỷ đồng, làm 235 người chết và mất tích, hơn 200.000 ngôi nhà bị hư hỏng, nhiều cơ sở hạ tầng và hàng trăm kilômét đê điều, kênh mương, bờ sông, bờ biển bị sạt lở, hư hỏng.
Cùng với đại họa do bão lũ, đại dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế chịu tổn thất nặng nề, lĩnh vực hứng chịu tổn thất lớn nhất là du lịch, dịch vụ. Lượng khách nước ngoài đến Việt Nam giảm trên 80%, lượng khách nội địa giảm khoảng 50% so với năm 2019, khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động, thất thu khoảng 23 tỷ USD. Riêng ngành du lịch Khánh Hòa chỉ đón hơn 1,24 triệu lượt khách, giảm gần 82,3%, công suất phòng lưu trú chỉ đạt 10,6%, tổng thu từ khách du lịch giảm gần 82,7% so với năm 2019.
Trước thực trạng ấy, ngành du lịch đã tung ra hàng loạt tour với mức giá ưu đãi, thu hút bộ phận du khách nhỏ lẻ. Cam Ranh Riviera, resort ở khu Bãi Dài rất đẹp, tiêu chuẩn 5 sao, mọi năm đầy ắp khách nhưng năm qua không có đường bay quốc tế, chỉ đón khách nội giá cả tương đương 3 sao.
Những con số trên chỉ là phần nổi có thể thống kê, ước tính. Bao nhiêu ông chủ chào bán khách sạn, bao nhiêu khoản nợ vay ngân hàng được chuyển thành nợ xấu, nợ khó đòi, bao nhiêu doanh nghiệp biến mất khỏi thị trường, bao nhiêu doanh nhân rời bỏ thương trường... thật khó đo đếm!
Dịch Covid-19 đã buộc ngành du lịch phải chuyển hướng và du lịch nội địa là giải pháp duy nhất giúp các doanh nghiệp từng bước phục hồi, duy trì hoạt động.
Một số doanh nghiệp nhận thức được khó khăn do dịch bệnh đã tạm ngưng đầu tư chiều sâu để đón những đợt sóng khởi sắc trong vài ba năm tới. Ông Nguyễn Quốc Việt - Tổng giám đốc Kega Lighthouse Resort cho biết, cơ sở của ông đang lên phương án đầu tư nâng cấp để đón đợi sự phát triển của hạ tầng mới, trong đó có đường cao tốc Long Thành - Phan Thiết và sân bay Phan Thiết.
Những thành tựu đáng khích lệ
Bên cạnh sự u ám của thị trường, nền kinh tế vẫn có những điểm sáng đáng khích lệ, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu. Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam liên tiếp xuất siêu hàng hóa, năm 2020 mức xuất siêu kỷ lục 19,1 tỷ USD.
Dù tăng trưởng bán lẻ hàng hóa, dịch vụ năm 2020 là âm, sau khi trừ trượt giá do lạm phát, song thị trường và khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn là động lực duy trì kinh tế tăng trưởng dương. Một số doanh nghiệp tranh thủ thời dịch bệnh, tập trung chuyển đổi số, tiếp thị, bán hàng online, xây dựng thương hiệu chờ khi hết dịch để hoạt động trở lại với quy mô lớn hơn.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng không bỏ lỡ cơ hội từ dịch, nhất là những thị trường có xu hướng rời các nhà sản xuất Trung Quốc. Giám đốc kinh doanh của một doanh nghiệp kể rằng sản lượng xuất khẩu các mặt hàng trang trí sân vườn sang Nhật Bản đã tăng gấp đôi.
Những nỗ lực của người Việt và cộng đồng doanh nhân với sự điều hành hiệu quả của Chính phủ đã giúp Việt Nam vượt qua đại dịch và đại họa với thành tích đáng ghi nhận. Năm 2020, dù suy giảm mạnh về tăng trưởng và hầu hết chỉ tiêu kinh tế, song Việt Nam nằm trong số hiếm hoi các nước vẫn giữ được mức tăng trưởng GDP dương 2,91%. Lạm phát dù cao nhất trong 5 năm qua, song vẫn trong phạm vi mà Quốc hội đề ra.
Cuối năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã vượt lên một cách ngoạn mục, với sự hồi phục mạnh mẽ, thanh khoản tăng cao kỷ lục, cùng đó là sự tham gia mạnh mẽ của lớp nhà đầu tư mới, khiến nhà quản lý, giới chuyên gia, các thành viên tham gia thị trường cảm thấy bất ngờ. Huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán tăng hơn 20% so với năm trước.
Sự tỏa sáng của Việt Nam đã được dư luận quốc tế đánh giá cao. Trong bài viết có tiêu đề Vietnam shining bright as Covid-19 crisis winner (Việt Nam tỏa sáng như là người chiến thắng trong cuộc khủng hoảng Covid-19), tờ Asia Times có trụ sở tại Hồng Kông cho biết, Chính phủ Việt Nam không đặt vấn đề lợi ích kinh tế lên trên sức khỏe người dân nhưng vẫn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020. Chính điều này khiến người ta phải ngạc nhiên.
Trải qua một năm khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, nhưng những thành tựu mà nền kinh tế Việt Nam đã đạt được trong năm qua là rất quan trọng, tạo đà tốt cho năm 2021 với những thông tin tốt về các loại vắc xin ngừa SARS-CoV-2.
Việc Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực thi hành và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang tạo cơ hội cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khả quan hơn. Việc IMF dự báo Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm 2021 là có cơ sở.
Năm qua, Việt Nam đã tạo được bước tiến dài về chuyển đổi số. Từ thành tựu này, năm 2021 sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tranh thủ cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chính phủ đang khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ vào cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Về thị trường, cùng với việc khai thác thị trường cũ, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác tốt các thị trường còn dư địa và các thị trường nước ta đã ký kết các FTA, nhất là CPTPP, EVFTA.
Vượt qua đại dịch, vượt qua đại họa, Việt Nam không chỉ khiến các nước láng giềng Đông Nam Á nể phục mà còn được cộng đồng quốc tế ca ngợi về sự kiên cường. Bước vào năm mới, kế thừa những thành tích cũ để tạo đà cho bước phát triển tốt hơn, rất cần sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị với sự vào cuộc quyết liệt của cộng đồng doanh nhân.