Trong nước

Cần có hệ thống dịch vụ đi liền cảng Cần Giờ

Phan Thế Hải 23/03/2024 17:48

Nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 50km, Cần Giờ là huyện duy nhất của Thành phố giáp biển với 23km bờ biển chạy dài theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, các cửa sông lớn từ các sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh.

untitled-1.jpg

Hiện nay, Cần Giờ được kết nối với Thành phố chủ yếu qua phà Bình Khánh như một tuyến độc đạo khiến Cần Giờ như một huyện đảo. Do điều kiện địa lý như vậy nên Cần Giờ là huyện tụt hậu khá xa không chỉ so với các quận huyện khác trong thành phố mà còn tụt hậu so với TP. Vũng Tàu. Ví dụ như ai dã đến thị trấn Cần Thạnh đều cảm nhận sự đìu hiu vắng vẻ nơi đây. Khi màn đêm buông xuống, nhìn từ Cần Giờ ra phía biển, có thể thấy rõ ánh đèn sáng rực phía Vũng Tàu. Những người dân ở đây cho biết, dù cách nhau khoảng 10km đường biển, TP. Vũng Tàu suốt đêm sáng đèn, còn huyện đảo của TP.HCM gần như ngừng lại mọi hoạt động.

Để có sự đột phá, Cần Giờ cần có thêm nhiều tuyến kết nối với nội đô để có Cần Giờ xanh và cất cánh trong tương lai. Thế nhưng nhiều năm nay, cầu Cần Giờ vốn trở thành cây cầu mơ ước được cử tri hai huyện Nhà Bè, Cần Giờ mong muốn sớm được khởi công. Do nguồn lực đầu tư còn nhiều hạn chế nên việc đầu tư hạ tầng giao thông - cầu Cần Giờ đến bây giờ vẫn chưa thực hiện được. Đơn cử, nhiều nhà đầu tư nộp hồ sơ dự án chưa được bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, nên chưa có cơ sở để xác định thẩm quyền đầu tư dự án và còn nhiều vướng mắc khác.

Theo định hướng phát triển của TP.HCM, sẽ phát triển Cần Giờ với các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ vùng sinh quyển. Huyện đã chủ động phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế TP.HCM và các đơn vị có liên quan để tổ chức hội thảo bàn về năng lượng xanh, giao thông xanh, Cần Giờ xanh.

Để có nguồn năng lượng xanh, Thành phố đang tính đến việc xây dựng nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ. Dự án được đầu tư với tổng công suất lắp đặt 6.000MW, dự kiến sẽ cấp điện áp đấu nối vào lưới điện quốc gia 500KV, điểm đấu nối tại trạm Đa Phước. Cùng với phà Bình Khánh, huyện Cần Giờ cũng đang kết nối với các địa phương lân cận thông qua tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu. Hiện nay, phà đang chạy công suất tối đa để phục vụ người dân. Ngoài ra, huyện Cần Giờ cũng đang kết nối với tỉnh Long An thông qua phà Cần Giờ - Cần Giuộc.

Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng đang được các đơn vị tích cực tháo gỡ để sớm khơi thông, tăng cường kết nối với huyện Cần Giờ trong tương lai. Thêm vào đó, hai dự án lớn mang tầm vóc quốc gia là khu đô thị lấn biển Cần Giờ và Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cũng là dự án sẽ triển khai trong thời gian tới.

TP.HCM đang phấn đấu đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đưa vào khai thác giai đoạn 1 trước năm 2030 (đầu tư 2/7 bến chính)… Như vậy, với các đề án, dự án sắp được triển khai trong thời gian tới, huyện Cần Giờ sẽ thực sự trở thành địa phương có nhiều dự án lớn, mang tầm quốc gia.

Theo quy hoạch chung TP.HCM, khu vực huyện Cần Giờ với vị thế trung tâm của vùng vịnh phía Nam sẽ là hạt nhân dẫn dắt cho toàn vùng công nghiệp cửa biển (bao gồm Tiền Giang, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai), là trung tâm tài chính, hội nghị sự kiện, giải trí, tập trung không gian ở chất lượng cao cho các chuyên gia đầu ngành của thế giới. Phát triển cảng ở khu vực Cần Giờ sẽ mở thêm các cơ hội cho ngành logistics và du lịch. Rất nhiều dự án có vai trò quan trọng với quốc gia và khu vực, là cơ hội đột phá để huyện Cần Giờ thực sự cất cánh trong tương lai như dự án cầu Cần Giờ, dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ… Trong đó, dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ cần phải đi trước một bước để thu hút tầng lớp trung lưu về Cần Giờ sinh sống. Họ sẽ là những hạt nhân để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các loại hình dịch vụ cao cấp.

Ngoài ra, nếu xem cảng Cần Giờ là dự án lớn mang tầm quốc tế và khu vực, là “trạm dừng chân” trên con đường thiên lý từ Đông sang Tây của hàng ngàn con tàu khổng lồ, với sự tham gia của hàng chục ngàn thuyền viên thì việc xây dựng đầu tư các bến tàu, bãi đỗ không chưa đủ, điều quan trọng không kém là hệ thống dịch vụ giải trí, vui chơi, mua sắm… cho hàng ngàn thuyền viên sau một chuyến hải trình dài ngày lênh đênh trên biển. Không chỉ giúp Cần Giờ giữ chân du khách du khách mà còn để họ “tiêu tiền”, giúp Cần Giờ thu thêm một nguồn thu của dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng, du lịch, ăn uống, mua sắm…

Vậy nên, để cảng Cần Giờ có thể cạnh tranh với các nước khu vực, ngay từ bây giờ, Cần Giờ đã phải chuẩn bị cho một cuộc "lột xác". Đặc biệt đó là sự đồng thuận của bộ máy hành chính trong việc tháo gỡ những khăn vướng mắc. Cần Giờ đang có cơ hội để trở thành một đô thị hạt nhân của khu vực duyên hải phía Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần có hệ thống dịch vụ đi liền cảng Cần Giờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO