Thời sự

Từ chiến thắng Điện Biên Phủ, nghĩ về sức mạnh của kỷ cương và niềm tin

Phan Thế Hải 9/5/2024 18:30

Cả nước vừa bồi hồi theo dõi lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra tại sân vận động tỉnh Điện Biên.

dbp.jpg
Khung cảnh quân ta giành chiến thắng chiến dịch Điện Biên Phủ được tái hiện lại sinh động trong bức tranh panorama

Tại sao Việt Minh lại giành thắng lợi trong trận Điện Biên Phủ? Đó là câu hỏi đến nay vẫn đặt ra đối với các nhà nghiên cứu lịch sử, quân sự trong 70 năm qua.

Đối diện với quân đội Pháp chính quy, hiện đại, dày dạn trận mạc qua hai thế chiến là quân đội Việt Minh mới được thành lập 10 năm từ đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân với gậy tầm vông và vài khẩu súng trường.

Đối diện với tướng bốn sao Henri Navarre được đào tạo bài bản, quyết đoán, nhãn quan chiến lược toàn cầu là tướng Võ Nguyên Giáp, quân nhân trẻ tuổi trưởng thành từ một giáo viên dạy lịch sử, vỏn vẹn có 10 năm cầm quân, chủ yếu là đánh theo lối chiến tranh du kích.

Đó là chưa nói đến chuyện quân viễn chinh Pháp được sự hỗ trợ đắc lực của Chính phủ Mỹ, không chỉ là kỹ thuật tác chiến mà còn cả vũ khí, tiền bạc.

Sự khác biệt ở đây là thực dân Pháp chiếm Đông Dương mà không được người dân ở chính quốc ủng hộ. Ngược lại, quân đội Việt Minh chiến đấu vì khát vọng giải phóng dân tộc khỏi ách ngoại xâm. Họ có một niềm tin tuyệt đối vào chính nghĩa, vào lãnh tụ Hồ Chí Minh, vào tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Trong chiến tranh, dẫu phải đối đầu với những kẻ thù mạnh hơn mình rất nhiều lần nhưng khi cả dân tộc đặt niềm tin vào quyền tự quyết, hơn thế là niềm tin vào các nhà lãnh đạo, niềm tin đó cùng với kỷ cương đã kết lại thành sức mạnh to lớn nhấn chìm những kẻ cướp nước và bán nước.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có hàng vạn dân công tham gia tải thương, tải lương thực, thực phẩm, vũ khí, thuốc men phục vụ chiến trường; xẻ núi, bạt đèo cho bộ đội kéo pháo vào trận địa. Chưa bao giờ khí đánh giặc thế lại trào dâng mãnh liệt đến như vậy. Đường lối chiến tranh nhân dân đã quy tụ bằng kỷ luật chặt chẽ, tạo thành sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng.

Chiến tranh đã lùi xa, người Việt đã có hơn 40 năm sống trong hòa bình khoảng thời gian quý báu để xây dựng đất nước, nhưng rồi một bộ phận không nhỏ quan chức tham ô, trục lợi làm giàu cho cá nhân và nhóm lợi ích, dẫu họ vẫn tụng niệm “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Là “công bộc” của dân nhưng họ đã tạo ra vô số “sân sau”.

Sự hư hỏng của một bộ phận không nhỏ cán bộ đó đã làm mất niềm tin của người dân vào Đảng và Nhà nước.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang miệt mài với việc chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch Đảng và bộ máy công quyền. Nhiều vụ tham nhũng được đưa ra ánh sáng, nhiều cán bộ cấp cao bị truy tố, những khoản tiền khổng lồ bị thất thoát được thu về cho ngân sách nhà nước.

Có thể nói công cuộc chống tham nhũng đang làm rung chuyển chính trường nước Việt. Hơn thế, những kỷ cương đang được tái thiết để lấy lại lòng tin cho người dân với Đảng với chính quyền.

Người dân thoạt tiên vẫn hoài nghi về thiện chí, kết quả chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng nhưng rồi thấy công cuộc này có kết quả, đã dần thay đổi quan điểm. Những người dân đặt niềm tin vào Nhà nước ngày một nhiều thêm, dẫu rằng để có một giải pháp dài hạn để tham nhũng không xẩy ra hoặc rất ít xẩy ra vẫn là chuyện thể chế, là sự phản biện xã hội một cách sòng phẳng, là sự cân bằng quyền lực giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Bài học từ hai cuộc chiến tranh giữ nước và mấy chục năm xây dựng hoà bình, cho thấy kỷ cương, niềm tin không chỉ là một đức tính mà còn là động lực mang lại hiệu quả to lớn trên chiến trường cũng như thương trường. Khi niềm tin tăng lên, hiệu quả sẽ tăng lên và chi phí sẽ giảm. Những tập đoàn lớn đã khẳng định được thương hiệu như Vingroup, Sun Group, Hòa Phát, FPT... đều xây dựng được kỷ cương chặt chẽ và tạo được niềm tin trong bộ máy và khách hàng.

Những công trình xây dựng dang dở, chậm tiến độ, kém hiệu quả sẽ khó có đất sống trong một xã hội có kỷ luật chặt chẽ và nền hành chính minh bạch, tạo được niềm tin cho cộng đồng. Kỷ cương và niềm tin không chỉ là sức mạnh tinh thần mà còn giúp cho nền kinh tế giảm thất thoát, lãng phí, hoạt động có hiệu quả hơn.

Với các nước phát triển, kỷ cương và niềm tin là một phạm trù đạo đức. Kỷ cương và niềm tin là cội nguồn của sức mạnh. Mỗi con người đều có xu hướng tin tưởng những người vừa trung thực vừa hoàn thành tốt công việc và đúng hẹn. Quốc gia sẽ được tiếp thêm sức mạnh khi có những doanh nghiệp được xây dựng bài bản, kỷ cương và giữ được chữ tín, biết nói không với quan tham.

Một quốc gia sẽ không mạnh khi kỷ cương bị buông lỏng, niềm tin của người dân vào chính quyền chưa đủ lớn. Người Việt đã thể hiện được sức mạnh khi đối đầu với những thế lực ngoại xâm mạnh hơn rất nhiều lần, giờ đây đang phải đối mặt với “giặc nội xâm”, ấy là tệ nạn tham nhũng. Có thể chiến thắng được tham nhũng hay không còn tùy thuộc vào khả năng tái thiết kỷ cương quốc gia, khôi phục lại niềm tin đối với của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Từ chiến thắng Điện Biên Phủ, nghĩ về sức mạnh của kỷ cương và niềm tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO