Thời sự

Kinh tế TP.HCM vẫn “bị” chậm…

Phan Thế Hải 25/05/2024 - 09:05

Bước vào năm 2024, đứng trước bối cảnh còn nhiều diễn biến phức tạp, TP.HCM đã cân nhắc và đề ra mục tiêu tăng trưởng cả năm là 7,5-8% và có nhiều giải pháp để đặt ra mục tiêu, kế hoạch một cách tích cực. Tuy nhiên…

ktxh-10.2021.jpg

Cục Thống kê TP.HCM, cho biết quý I năm 2024, GRDP của TP.HCM tăng 6,54%, thấp hơn chỉ tiêu chung của năm 2024 mà Thành phố đã đặt ra. Đặc biệt là những khó khăn, tồn đọng cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế gần như chưa có sự chuyển biến nhiều. Trong đó, giải ngân đầu tư công của Thành phố vẫn khó đạt kế hoạch đề ra. Hết quý I/2024, số tiền giải ngân được chỉ hơn 5.600 tỷ đồng (đạt 7,1%), trong khi mục tiêu là trên 10% (tương đương gần 8.000 tỷ đồng).

Tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2024 dù cải thiện nhưng chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững và chưa phát huy hết năng lực của một thành phố lớn, đầu tàu của cả nước.

Hơn thế, với một nền kinh tế mở, Thành phố đang chịu tác động từ sự suy giảm chung của kinh tế trong nước và thế giới. Tổng cầu trên địa bàn yếu, chậm hồi phục trong bối cảnh áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng, cầu tiêu dùng tăng 5,3% thấp hơn kỳ vọng, cầu đầu tư tư nhân tăng thấp 4,2%.

Theo Cục thống kê của TP.HCM, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) còn nhiều khó khăn. Trong quý I/2024, số DN rút lui khỏi thị trường cũng lên đến 16.177, nhiều hơn số DN thành lập mới. Cầu nội địa và cầu quốc tế thấp, tỷ giá biến động bất thường... cũng là những yếu tố chính ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu phục hồi nhưng sự giao dịch sôi động chưa đủ lớn đã tác động liên đới đến thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng. Tăng trưởng tín dụng thấp trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã giảm cho thấy khả năng hấp thụ vốn của DN trên địa bàn còn hạn chế.

Sự giảm tốc của nền kinh tế một phần có nguyên nhân từ sự trì trệ của bộ máy hành chính. Đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính. Nợ xấu được ví như những “cục máu đông” làm giảm tốc độ luân chuyển tiền tệ. Do vướng nhiều thủ tục pháp lý nên số lượng nợ xấu cùng với tài sản đảm bảo trên địa bàn Thành phố lên đến hàng triệu tỷ đồng nhưng vẫn nằm bất động, chưa thể đưa vào khai thác sinh lợi.

Nhiều dự án cao tốc, đường giao thông trọng điểm bị thiếu cát san lấp, ảnh hưởng đến tiến độ thi công cũng như việc giải ngân vốn đầu tư công. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại một số quận, huyện còn chậm, việc di dời hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là đường điện cao thế tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu.

Dù thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội. Tình trạng “lách luật” để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội để kiếm lời khiến nhiều người thuộc đối tượng có thu nhập thấp khó có cơ hội tiếp cận.

Bên cạnh đó, DN bất động sản tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội tại một số địa bàn tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, nguồn cung sản phẩm nhà ở giá thấp chưa đáp ứng so với nhu cầu và do nhiều chủ đầu tư dự án muốn tối đa hóa lợi nhuận nên giá bị đẩy lên, khiến giá nhà luôn có xu thế tăng. Thậm chí, thời gian qua một số chủ đầu tư bất động sản còn đẩy biên độ lợi nhuận lên tới 30-40%. Do đó, muốn kéo giảm giá nhà, thủ tục hành chính cần nhanh hơn, giúp giảm chi phí để DN tạo ra sản phẩm có lợi, đúng với nhu cầu thật của người dân. Đồng thời, các cơ quan hữu quan cũng cần sớm gỡ các nút thắt pháp lý cho các dự án để tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản, góp phần kéo giảm giá nhà.

Nguồn lực xã hội thay vì có thể thanh khoản, biến thành vốn cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị “chôn” vào đất, thành nguồn lực chết, gây mất mỹ quan thành phố. Nhiều dự án bị bỏ hoang nhiều năm, cây cối mọc um tùm là một trong những nguồn lực bị lãng phí nhiều năm. DN là chủ đầu tư của các dự án này đều phải chịu chi phí giá vốn, tăng giá thành, giảm khả năng cạnh tranh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho giá nhà tăng cao phi lý.

Việc cải cách thủ tục hành chính nói nhiều nhưng làm chưa được bao nhiêu. Công chức không dám nhận phong bao đồng nghĩa với việc thủ tục hành chính không được vận dụng linh hoạt. Còn rất nhiều tồn tại gây khó khăn cho DN, người dân. Thêm vào đó, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm chưa được xử lý dứt điểm, kỷ luật, kỷ cương có lúc còn chưa nghiêm. Thủ tục hành chính còn đầy ứ chỉ vì vướng một chi tiết nho nhỏ.

Khi cả nước đang đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng thì trong bộ máy hành chính lại phát sinh một bệnh mới: Bệnh vô cảm! Đây cũng là một vật cản mới làm cho nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế TP.HCM vẫn “bị” chậm…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO