Thời sự

Gỡ điểm nghẽn giao thông: Kinh tế TP.HCM sẽ tăng tốc

Phan Thế Hải 09/03/2024 13:20

Là đầu tàu kinh tế của cả nước, kết nối giao thông giữa TP.HCM với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có đủ 4 phương thức: Đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường không. Tuy nhiên, do sự chưa tương thích giữa đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế nên đã xuất hiện nhiều điểm nghẽn về giao thông - là một trong những nguyên nhân làm kinh tế TP.HCM phát triển chậm lại.

bs432423.jpg

Điều đầu tiên có thể nhận thấy là sự quá tải của Sân bay Tân Sơn Nhất, đặc biệt là Nhà ga T1, đông đúc và chật cứng. Cao tốc TP.HCM - Long Thành, dẫu có mấy chục kilômét nhưng thi thoảng mới được hưởng tốc độ cao tốc còn về cơ bản là tốc độ đường nội đô. Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương cũng không mấy khi chạy được như tốc độ thiết kế. Thế nên mới có câu: Kẹt xe là một trong những “đặc sản” ở TP.HCM.

Với hệ thống đường thủy, TP.HCM đang khai thác 42 bến cảng với tổng chiều dài cầu cảng xấp xỉ 16.000m. Mặc dù hạ tầng cảng biển đã được xây dựng khá cơ bản nhưng hạ tầng kết nối chưa được đầu tư đồng bộ. Cùng quá trình dịch chuyển cảng biển Thành phố ra khu vực Cái Mép - Thị Vải nhưng đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải chưa kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành làm tăng chi phí vận tải và logistics.

Mấy năm qua, nền kinh tế TP.HCM tăng trưởng chậm lại có nguyên nhân rất lớn từ sự yếu kém của hạ tầng giao thông. Để kinh tế tăng tốc, hạ tầng giao thông phải “tiên phong mở đường”.

Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình thi công nhà ga T3 Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, đường Vành đai 3, Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là tín hiệu tích cực đối với hạ tầng giao thông của đất nước. Đặc biệt là với một trung tâm kinh tế lớn như TP.HCM thì việc tháo gỡ các điểm nghẽn giao thông, tăng cường kết nối với các tỉnh trong vùng, giảm thấp chi phí vận tải cho doanh nghiệp là quan trọng.

Để giải quyết được các điểm nghẽn đó, Thủ tướng chỉ đạo, cần phải có sự đồng bộ từ cơ chế đến nguồn lực. Trong lần trả lời chất vấn của Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu ra năm giải pháp: Thứ nhất, phải hoàn thiện thể chế, quy định, quy trình liên quan đến phát triển hạ tầng và xem còn gì vướng mắc, còn gì cần phải bổ sung, hoàn thiện để có hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ điều kiện để phát triển hạ tầng. Điều gì thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương thì chính quyền địa phương làm, phần nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ phải lo. Còn những vấn đề vượt thẩm quyền thì Chính phủ cũng phải đề xuất với các cấp có thẩm quyền và Quốc hội để ban hành chính sách đầy đủ, từng bước hoàn thiện thể chế. Thứ hai, cần phải phân tích tại sao giải ngân đầu tư công chậm trễ, nguyên nhân từ đâu. Có nguyên nhân của Trung ương và của địa phương, chứ không phải chỉ nguyên nhân đến từ một phía. Mọi việc chủ yếu là do con người, vì vậy phải tiếp tục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong phát triển hạ tầng. Thứ ba, là nguồn vốn, thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện để huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, bao gồm cả nguồn lực Nhà nước và cả nguồn lực của tư nhân, lấy nguồn lực của Nhà nước làm “vốn mồi” dẫn dắt và kích hoạt nguồn lực xã hội để tập trung cho đầu tư phát triển hạ tầng. Thứ tư, tiếp tục đưa công nghệ vào phát triển hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá thành. Thứ năm, cần phải tính đến giải pháp quản trị để làm sao không lãng phí, chống tiêu cực, công khai, minh bạch trong quá trình phát triển hạ tầng.

tphcm_icon.jpg

Điểm nghẽn về bộ máy, con người cũng đã được Nghị quyết 98 trao cho những cơ chế thông thoáng khi TP.HCM được quyết số lượng cán bộ, công chức cấp cơ sở và tiền lương. Việc cần làm ngay là TP.HCM phải thiết kế thể chế, tổ chức bộ máy vận hành và cán bộ, công chức để nâng chất lượng nền công vụ.

Chưa bao giờ TP.HCM có được điều kiện tốt như hiện nay khi có Nghị quyết 98 gỡ được căn bản những điểm nghẽn, vướng mắc và tạo sức bật. Điều quan trọng là Thành phố có sử dụng hết không gian thông thoáng mà Nghị quyết 98 đã mở ra hay không.

Trong năm qua, TP.HCM đã tích cực tháo gỡ những vướng mắc, những điểm nghẽn. Đặc biệt là nguồn vốn của Chính phủ dành cho Thành phố ở một số công trình trọng điểm như đường Vành đai 3 và sắp tới là đường Vành đai 4. Đường mở đến đâu, sẽ mở ra cơ hội khai thác nguồn lực đến đấy.

Hệ thống hạ tầng giao thông nội đô và các tuyến kết nối đang từng bước được khai thông với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, lãnh đạo Thành phố đang thu hút số lượng lớn các tập đoàn, nhà thầu. Cùng với đó là các nhà đầu tư nước ngoài vào Thành phố để tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Đó là những nhân tố làm cho nền kinh tế TP.HCM tăng tốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gỡ điểm nghẽn giao thông: Kinh tế TP.HCM sẽ tăng tốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO