Trong nước

TP.HCM gỡ vướng, đẩy nhanh vốn đầu tư công

H.Nga 17/05/2024 14:13

Tại Hội nghị "Làm việc với UBND TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội và thực hiện Nghị quyết 98/2023, Nghị quyết 57/2022 của Quốc hội", các đại biểu của Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM đề nghị TP.HCM đẩy nhanh hơn nữa việc giải ngân vốn đầu tư công.

img_2685.jpg

Các đại biểu quốc hội nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội Thành phố đã phục hồi khá rõ nét sau đại dịch Covid-19, các số liệu đều đạt mức cao nhất từ năm 2020 đến nay nhưng vẫn còn thấp so với thời điểm trước dịch.

Riêng bốn tháng đầu năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 6.225 tỷ đồng, đạt 7,9% vốn được giao.

o-cuong-pct.jpg
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho rằng, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công luôn là đầu việc được thành phố thực hiện quyết liệt

Ông Trần Hoàng Ngân - Trợ lý Bí thư Thành uỷ TP.HCM cho rằng, Thành phố rất nỗ lực và giải ngân tăng gấp 2,4 lần so với 2023 nhưng so với kế hoạch vốn chỉ đạt 7-8%. Tuy nhiên, với kế hoạch vốn lớn, Thành phố cần tập trung giải ngân, để có nguồn vốn đầu tư hạ tầng.

Hiện nay ở TP.HCM và cả nước có nhiều dự án chỉ còn “một chút nữa” là về đích nhưng bị dừng lại. Chẳng hạn như tòa nhà đối diện Chợ Bến Thành. Đây là dự án mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, ngay quảng trường trước chợ Bến Thành sắp tới được chỉnh trang rất đẹp, hiện chỉ còn “vài %” nữa là xong nhưng không thực hiện tiếp được.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, có nhiều nguyên nhân các nhiều dự án bị “treo”. Trong đó, dự án đầu tư công vướng vào các vụ án đang được tòa xử lý, dự án tư nhân vướng về vốn, pháp lý… Để giải quyết tình trạng các dự án “bị treo” này, “Thành phố cần làm việc ngay với các cơ quan trung ương để ưu tiên tháo gỡ dự án này cũng như các dự án mặt tiền lớn”, ông đề xuất.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cũng cho rằng, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công luôn là đầu việc được thành phố tập trung chỉ đạo và thực hiện quyết liệt. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh vốn đầu tư công và đẩy nhanh các dự án trọng điểm. Nhiều giải pháp đồng bộ được lãnh đạo thành phố chỉ đạo. Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM, những cơ chế có trong Nghị quyết 98 sẽ được vận dụng để tháo gỡ các dự án. Các vấn đề khác thành phố cũng đang nỗ lực giải quyết.

tran-hoang-nga.jpg
Ông Trần Hoàng Ngân phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cũng cho biết, tiếp đà tăng trưởng quý I, các chỉ số kinh tế - xã hội trong tháng 4 đều tăng so với cùng kỳ.
Tính chung, 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn ước đạt trên 366 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 18,06 tỷ USD, tăng 6,57%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp IIP tăng 5,1%; thành lập mới 15.874 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký mới hơn 128 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% về số lượng; tổng thu ngân sách đạt trên 183 nghìn tỷ đồng, tăng 7,49%. Công tác chăm sóc sức khỏe, y tế được chú trọng và triển khai hiệu quả; hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức sôi nổi, đa dạng; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững…

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (từ ngày 20/5-27/6), Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM sẽ kiến nghị, đề xuất đến Quốc hội 14 nội dung.
Trong đó, kiến nghị Quốc hội đưa Luật Quản lý Khu công nghiệp và Khu kinh tế vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ quá trình chuyển đổi công năng các KCN, KCX gắn với tổ chức lại không gian công nghiệp - đô thị và phát triển các KCN chuyên ngành, KCN công nghệ cao, KCN sinh thái; sửa đổi Nghị định 40/2020/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công năm 2019…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM gỡ vướng, đẩy nhanh vốn đầu tư công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO