Campus: Mô hình tại Việt Nam

NGUYỄN ĐỨC QUỲNH - Giám đốc FPT Software Chi nhánh TP.HCM| 18/10/2013 06:40

Được tiếp xúc với các khu campus (khu nhà văn phòng tích hợp khu vui chơi, giải trí, cây xanh, cảnh quan, nhà ở...) với quy mô lớn bao gồm các phân khu chức năng như khu văn phòng, khu tiện ích, khu lưu trú... của các hãng công nghệ lớn của thế giới khiến chúng tôi... choáng!

Campus: Mô hình tại Việt Nam

Năm 1998, FPT bắt đầu bước chân vào lĩnh vực xuất khẩu phần mềm với những chuyến khảo sát đầu tiên tại thị trường Ấn Độ, Mỹ... Được tiếp xúc với các khu campus (khu nhà văn phòng tích hợp khu vui chơi, giải trí, cây xanh, cảnh quan, nhà ở...) với quy mô lớn bao gồm các phân khu chức năng như khu văn phòng, khu tiện ích, khu lưu trú... của các hãng công nghệ lớn của thế giới khiến chúng tôi... choáng!

Đọc E-paper

Campus E-Town của FPT

Tăng sự gắn bó với doanh nghiệp

Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết những DN ngành phần mềm lớn trên thế giới như Infosys, Wipro (Ấn Độ), Neusoft (Trung Quốc); TCS (Nhật Bản),... đều sở hữu những campus với quy mô rộng lớn, hiện đại. Infosys có 24 campus cho 160 ngàn nhân viên, Neusoft có 6 campus ở Trung Quốc cho gần 20.000 nhân viên.

Các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Facebook, Microsoft cũng đều sở hữu campus riêng. Tại những khu campus này, bên cạnh khu văn phòng hoành tráng, là những khu nghiên cứu - phát triển, khu đào tạo, thư viện, khu phục vụ (nhà ăn, cà phê...), khu giải trí - sáng tạo, cảnh quan và thậm chí là khu ký túc xá cho nhân viên ở.

Với các công ty Âu Mỹ, campus có thể chỉ là giải pháp về chỗ làm việc khi có lượng nhân viên lớn. Với các công ty công nghệ ở các nước đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc, campus còn có ý nghĩa lớn lao hơn. Đây là cơ hội đạt đến đẳng cấp thế giới qua việc xây dựng môi trường làm việc đẳng cấp thế giới trong hoàn cảnh xã hội chung còn chưa phát triển.

Áp dụng mô hình này, FPT đã thử nghiệm với khu campus đầu tiên, F-Town 1, của FPT Software tại Khu Công nghệ cao Q.9 TP.HCM (SHTP) đã được đưa vào sử dụng 11/2011.

Tháng 5 vừa qua, tòa nhà F-Town 2 cũng đã được khởi công xây dựng với 1 tầng kỹ thuật, 5 tầng nổi và 1,5 tầng hầm với các phân khu chức năng như: khu vực làm việc, khu vực phòng họp đa chức năng, khu vực giải trí - thư giãn cho nhân viên.

FPT Software đã đưa vào sử dụng 2 campus tại Đà Nẵng, TP.HCM và sắp tới là campus thứ 3 tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Sau một thời gian hoạt động, những mô hình campus này đã mang lại rất nhiều những lợi ích thiết thực.

Campus tạo ra một không gian làm việc sáng tạo, phù hợp cho các công ty công nghệ với đội ngũ nhân lực trẻ, đầy nhiệt huyết và ý tưởng. Mô hình này có những khu vực tiện ích như thể thao, giải trí, thư giãn hỗ trợ cho nhu cầu của nhân viên trong việc luyện tập cũng như xả stress, làm tăng sự gắn bó của nhân viên đối với công ty.

Khách hàng cũng đánh giá rất cao sự đầu tư của công ty và hoàn toàn yên tâm trong việc thiết lập mối quan hệ đối tác lâu dài. Khảo sát thực tế cho thấy, săng suất lao động đã tăng, đồng thời việc làm overtime (quá giờ) cũng giảm xuống một cách đáng kể. Nhân viên có nhiều thời gian hơn dành cho bản thân, gia đình.

Có thể lấy ví dụ cụ thể từ campus F-Town tại SHTP. Khi FPT Software đặt trụ sở làm việc tại tòa nhà E-Town (TP.HCM) khoảng 25-30% nhân viên thường làm việc qua 18 giờ, trong khi giờ tan sở theo quy định của Công ty là 17 giờ 30, nhưng khi chuyển về F-Town, chỉ có khoảng 10-15% nhân viên còn ở lại sau giờ quy định.

Xu hướng của Việt Nam

Lợi ích thì đã rõ nhưng thách thức để có được Campus cũng không nhỏ. Mô hình campus đòi hỏi diện tích đất khá lớn, các địa điểm trong khu vực trung tâm thành phố khó có thể đáp ứng được yêu cầu này.

Do đó, muốn xây dựng khu làm việc theo mô hình campus, các doanh nghiệp (DN) thường phải lựa chọn các khu công nghệ cao hoặc khu công nghệ thông tin tập trung, mà những khu này thông thường được quy hoạch ở những địa điểm xa trung tâm thành phố, ảnh hưởng đến đi lại, giờ giấc của nhân viên.

Điều này cũng khiến việc tuyển dụng khó khăn hơn do tâm lí ngại đi làm xa. Do không thuận tiện trong việc đi lại, cuộc sống cá nhân, hoặc do không thể thu xếp thời gian nên có thể sẽ có một số lượng nhỏ nhân viên chuyển công tác.

Để giải quyết những thách thức này, kinh nghiệm của chúng tôi là DN phải đưa ra những chính sách hỗ trợ cụ thể cho cán bộ, nhân viên, như gói chính sách hỗ trợ một lần cho nhân viên chuyển công tác theo tình trạng hôn nhân, tổ chức các tuyến xe buýt đón đưa nhân viên đi làm; trợ giá ăn trưa; khai thác tối đa các khu tiện ích cho nhân viên sử dụng (sân bóng, gym).

Bên cạnh đó, công ty còn đưa ra chính sách hỗ trợ mua nhà cho những cán bộ, nhân viên có nhu cầu... Như vậy, ngoài chi phí đầu tư lớn để xây dựng các campus, DN còn phải bỏ ra những khoản chi phí phát sinh khác để giải quyết những thách thức mà mô hình campus đặt ra.

Thách thức nhiều, nhất là kinh phí, nhưng như đã nói, hầu hết các hãng phần mềm và công nghệ lớn trên thế giới đều đã xây dựng các campus để giải quyết được bài toán về quy mô nhân lực, về không gian làm việc sáng tạo và đáp ứng tối đa các nhu cầu giải trí, thư giãn của nhân viên.

Đây là một xu hướng không thể đảo ngược trên thế giới. Tại Việt Nam, thời gian tới, sẽ có nhiều DN công nghệ Việt Nam đi theo xu hướng này. Theo tôi được biết, hiện Phân khu phần mềm Khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng đã có tới 6 dự án xây dựng trụ sở làm việc của các DN phần mềm Việt Nam được cấp phép.

Trong tương lai, Việt Nam sẽ có nhiều campus, do vậy, bài toán hoạch định các DN phần mềm nên có kế hoạch cho công việc này ngày từ bây giờ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Campus: Mô hình tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO