Quốc tế

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, ảnh hưởng tới sáng kiến BRI như thế nào?

Nguyễn Văn Phong 02/10/2023 17:00

Mười năm qua, chính phủ Trung Quốc nỗ lực giới thiệu sáng kiến Vành đai – Con đường (BRI), như 1 cách khẳng định quyền lực kinh tế đang lên. Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng này, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư và thương mại. Tuy nhiên khi nền kinh tế số 2 thế giới tăng trưởng chậm, BRI bị ảnh hưởng như thế nào?

Theo các chuyên gia, giới thượng lưu và tinh hoa ở 1 số nước nghèo có thể chào đón BRI, nhưng người dân ngày càng khó chịu về những khoản vay để trả cho công trình xây sân bay, đường xá, cầu cống cùng nhiều hạ tầng khác. Mọi thứ không có gì để tranh luận, nếu dự án đúng tiến độ và không đội vốn. Sự phản đối đã diễn ra mạnh ở nhiều quốc gia, ví dụ Pakistan.

mot-du-an-bri-cua-trung-quoc-o-chau-phi-anh-reuters(1).jpeg
Một dự án BRI của Trung Quốc ở châu Phi - Ảnh: Global Times

Nhiều tiếng nói so sánh, BRI có thể tạo ra 1 tuyến đường sắt với các thương gia giàu có ngồi ở khoang hạng nhất, nhưng lại tạo ra thêm hàng ngàn người nghèo khổ sống vất vưởng 2 bên. Xã hội cũng gồng mình trả nợ. Hiện nay, kinh tế của quốc gia lớn nhất châu Á đang khó khăn. Một số nhà phân tích tự hỏi, liệu BRI có bị gác lại hay không?

Người dân Trung Quốc nghĩ gì về BRI?

Có nhiều dấu hiệu cho thấy, chính phủ Trung Quốc đang thay đổi và muốn cải tiến BRI, chứ không loại bỏ.

Điều này đến từ việc ngày càng nhiều quốc gia khó khăn ở châu Phi và châu Á vật lộn với những khoản nợ cả ngắn lẫn dài hạn. Một số ý kiến cho rằng, thay đổi đến từ nguyên nhân nội tại hơn. Khi kinh tế Trung Quốc gặp khó, nhiều tiếng nói hoài nghi về lợi ích mà BRI mang lại. Các lãnh đạo ở Bắc Kinh cũng hiểu được băn khoăn trên. Cuối tháng 9/2023, Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước Trung Quốc xuất bản sách trắng nhân kỷ niệm 10 năm thành lập BRI. Một quan chức mô tả, tài liệu sẽ nhấn mạnh đến lợi ích kinh tế mà BRI mang lại cho người dân, bằng những ví dụ cụ thể.

Tại trung tâm đường sắt Dongchuan tỉnh Cam Túc phía Tây Bắc Trung Quốc, các chuyến tàu liên tục qua lại hướng đến Trung Á và châu Âu. Đây cũng là địa điểm gợi nhớ về “Con đường tơ lụa” nổi tiếng trong lịch sử, vì là nơi dừng chân của những đoàn lạc đà chở hàng.

belt-and-road-initiative-20231031132927(1).jpg
Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc - Ảnh: Reddit

Truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây nói rằng, từ Dongchuan, họ sẽ sớm mở những tuyến đường sắt và đường bộ mới tới Afghanistan. Điều này mang lại lợi ích không nhỏ về kinh tế cho người dân địa phương, đặc biệt là xuất nhập khẩu hàng hóa.

Bà Luo, một nhà khoa học đã nghỉ hưu tại địa phương, gọi BRI là dấu hiệu phản ánh sức mạnh của Trung Quốc. Bà tin rằng, Trung Quốc đang giúp đỡ người khác và giúp đỡ thế giới. Nhờ đó, các thanh niên địa phương cũng có nhiều việc làm hơn.

Ngay bên cạnh Dongchuan là thị trấn Hekou của tỉnh Cam Túc, nơi dừng chân quan trọng trên con đường tơ lụa cũ, đã được khôi phục làm điểm du lịch. Nhiều công trình như trung tâm hải quan và chợ búa, được xây từ thời nhà Thanh, hiện vẫn đang sử dụng.

Ông Su, 1 tài xế taxi chuyên chở khách nước ngoài cho rằng, Trung Quốc đang giúp thế giới, nhưng thế giới lại hiểu lầm. Ông nói: “Chúng tôi không hung hăng, hay có ý định đẩy nước khác vào bẫy nợ, như một số quan chức phương Tây nói.” Dẫu vậy, ông cũng thừa nhận, kinh tế ở các địa phương như Lan Châu chưa nhận được nhiều lợi ích từ BRI. Tiêu tiền ở những nơi xa xôi, ví dụ châu Phi, là điều không cần thiết.

Tại công viên Baitashan của thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc, 1 người lớn tuổi đã nghỉ hưu nói rằng, ông cảm thấy khó khăn để hiểu về ý nghĩa thực sự của BRI. Trung Quốc không nhận lại như mong muốn, sau 10 năm bỏ tiền đầu tư vào các nước nghèo. Ông tin sớm muộn nhà nước cũng giảm đầu tư lại, chỉ tập trung những dự án mang lại lợi ích dài hạn.

Các dự án BRI sẽ nhỏ hơn, nhưng quản trị tốt hơn?

Ông Zhu Yongbiao, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu BRI của đại học Lan Châu cho biết, Trung Quốc sẽ chuyển hướng sang những dự án nhỏ, nhưng hiệu quả hơn. Vì dự án nhỏ mang đến lợi ích nhanh hơn. Người dân địa phương ở nước sở tại cũng cảm thấy mình làm chủ công trình trong thời gian ngắn hơn.

Ông gọi sự điều chỉnh này, để phản ứng trước những thay đổi môi trường và quan điểm chính trị ở các nơi tiếp nhận nguồn vốn, cũng như làm theo mong mỏi của người dân quê nhà. Họ không muốn chính phủ bỏ ra số tiền lớn, trong lúc kinh tế nội bộ đang ảm đạm, và có nhiều thách thức tiềm ẩn.

Ông Zhu nói Trung Quốc không lo ngại trước kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng của Mỹ và châu Âu, nhằm đẩy lùi BRI. Ông khẳng định, đây là điều đáng hoan nghênh, sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh toàn cầu.

Ông Wang Yiwei, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế tại đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh nói rằng, với số tiền bỏ ra ít hơn, Trung Quốc muốn tìm kiếm các nguồn tài chính toàn cầu khác cho BRI, nhất là từ những nước Ả Rập giàu có. Đó là lý do tại sao, Ả Rập Xê Út muốn tham gia BRICS và chịu hòa giải với Iran. Sức ảnh hưởng và hậu thuẫn của Trung Quốc với 2 nước này đóng vai trò rất quan trọng.

Ngoài ra, thay vì tập trung những siêu dự án với số vốn khổng lồ, Trung Quốc muốn ưu tiên hơn đến vấn đề quản trị. Đây là điều rất quan trọng, hướng tới ngày càng gần hơn các chuẩn mực quốc tế, làm chìa khóa cho sự phát triển bền vững. Các dự án thời gian qua thường bị chỉ trích là không theo chuẩn mực quản trị toàn cầu, dẫn tới thi công chậm, kéo dài và đội vốn. Điều này khiến hình ảnh doanh nghiệp Trung Quốc trở nên tiêu cực. Ông Wang khẳng định, BRI ra đời để giải quyết vấn đề của kinh tế Trung Quốc, và cứu vãn quá trình toàn cầu hóa khỏi chủ nghĩa dân túy.

Tháng 10 tới, Chính phủ Trung Quốc sẽ đón tiếp lãnh đạo hàng chục nước đến dự diễn đàn quốc tế về BRI. Một số ý kiến cho rằng, các đại biểu mong chờ chiến lược mới của đất nước tỷ dân sẽ được công khai và minh bạch. Ví dụ về cho vay, như ưu tiên những dự án nào, các điều khoản trả nợ, hay nếu doanh nghiệp không hoàn thành đúng tiến độ xây dựng - thì phải đền bù ra sao? Bên cạnh đó, các đại biểu cũng mong đợi doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tiêu chuẩn hóa mô hình quản trị dự án, để đạt hiệu quả tốt nhất, tránh rủi ro phát sinh như thời gian thi công kéo dài.

BRI đang gặp cạnh tranh ngày càng lớn?

Bộ trưởng Kinh tế Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), mới đây nói với Nikkei Asia rằng, 1 tuyến đường sắt xuyên quốc gia từ Ấn Độ, qua Trung Đông và đến châu Âu, sẽ mang đến nhiều lợi ích cho các nước liên quan, cho kinh tế thế giới và cho chuỗi cung ứng toàn cầu.

Dự án này, được xem là đối trong với Vành đai – Con đường. Dự án có chiều dài gần 5.000 km, mới công bố tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở thủ đô New Delhi.

Dự án được Hoa Kỳ hỗ trợ và ủng hộ mạnh mẽ. Các bên tham gia chính gồm UAE, Ả Rập Xê Út, Ấn Độ và liên minh châu Âu.

Bộ trưởng Kinh tế UAE, ông Abdulla Bin Touq Al Marri nói tiếp: “Thế giới đang thay đổi. Chúng tôi cũng phải đổi thay. Dự án này thực sự là điều gì đó khiến chúng tôi phải tập trung, để gắn kết các nước với nhau. Nó sẽ thúc đẩy kinh tế, giao thương, tái cấu trúc và thiết kế lại chuỗi cung ứng.”

Ông Al Marri không bình luận về việc dự án có được xem là cạnh tranh với BRI hay không, nhưng ông lưu ý, nguy cơ suy thoái toàn cầu bao gồm cả ở Trung Quốc, là thách thức hiện hữu, và cần có những sáng kiến mới để ứng phó.

Trung Quốc vào tháng 10 sẽ tổ chức hội nghị kỷ niệm 10 năm thành lập BRI. Trong lúc đó Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo, sự phục hồi không như dự kiến của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, sẽ ảnh hưởng và tác động đến toàn cầu, nhất là về dòng chảy thương mại.

Bộ trưởng Al Marri vừa dẫn đầu 1 phái đoàn gồm 40 lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, đến thăm Hồng Kông và tham dự 1 hội nghị về BRI kéo dài 2 ngày. Ông cho biết, kinh tế Trung Quốc có sự liên kết mạnh mẽ với Trung Đông nói riêng, và toàn cầu nói chung.

Liên quan đến 1 thế giới đang thay đổi mà ông Al Marri ám chỉ, UAE gần đây đã được mời tham gia nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, cùng với những nước khác trong khu vực như Ả Rập Xê Út và Iran.

Trong khi Mỹ xem dự án đường sắt này là đối trọng với BRI, thì UAE duy trì lập trường cân bằng hơn, nói rằng nó đơn giản là phản ánh 1 thế giới đa dạng, đang phương và đa liên kết.

Bộ trưởng Al Marri khẳng định, chính sách của UAE luôn ưu tiên đối thoại, cởi mở và thân thiện. UAE đã và đang tham gia rất nhiều diễn đàn toàn cầu, ở mọi cấp độ khác nhau, nhằm kết nối mọi người lại dựa trên sự tôn trọng lợi ích và nhu cầu chính đáng.

UAE sẽ tổ chức hội nghị khí hậu toàn cầu COP28 vào cuối năm nay. Sau đó là cuộc họp cấp bộ trưởng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng 2 tới. Đây là dịp để quốc gia Trung Đông giới thiệu thêm về dự án đường sắt xuyên lục địa, cũng như sáng kiến chống đói nghèo và chống biến đối khí hậu.

Không ai có thể phủ nhận, nền kinh tế số 2 thế giới đang gặp nhiều khó khăn. Điều này ảnh hưởng đến các nước xung quanh và phần còn lại của thế giới, nhất là về dòng chảy thương mại. Những dự án có vốn đầu tư của Trung Quốc ở bên ngoài cũng được điều chỉnh theo. Xu hướng này sẽ diễn tiến tới đâu? Chúng ta cùng chờ xem trong thời gian tới!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, ảnh hưởng tới sáng kiến BRI như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO