Mỹ đã và đang tìm cách tách Trung Quốc khỏi những công nghệ quan trọng, như chất bán dẫn. Ngược lại, Trung Quốc nỗ lực tìm cách tăng cường khả năng tự cung tự cấp và loại bỏ công nghệ Mỹ.
“Không có khả năng thay đổi nhiều trên bất kỳ mặt trận nào giữa Mỹ và Trung Quốc, từ các biện pháp trừng phạt đến áp lực kinh doanh”, Abishur Prakash - CEO công ty tư vấn The Geopolitan Business tại Toronto, Canada nhận xét. Và AI nhiều khả năng sẽ bị kéo vào “cuộc chiến”.
AI trong “tầm ngắm”
Từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khơi mào thương chiến với Trung Quốc, chính sách thắt chặt công nghệ từ phía Mỹ dừng ở mức hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với những công nghệ mà Mỹ cho là quan trọng, như chất bán dẫn.
Tuy nhiên, đến năm ngoái, leo thang căng thẳng xảy ra khi Mỹ ban hành các quy tắc sâu rộng nhằm cắt Trung Quốc khỏi các công cụ và linh kiện chính để sản xuất chip cũng như loại nước này khỏi các chất bán dẫn quan trọng. Động thái này được xem là có khả năng gây khó khăn cho ngành công nghiệp chip Trung Quốc. Hơn nữa, Mỹ cũng đã có các đồng minh sẵn sàng tuân thủ quy tắc về xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc.
Trong nước, Mỹ tìm cách thúc đẩy công nghệ riêng, bao gồm cả chất bán dẫn, như với khoản tài trợ 52 tỷ USD thông qua Đạo Luật Khoa học và Chip. Và sự chú ý của Washington đang có khả năng chuyển sang AI. Paul Triolo - lãnh đạo chính sách công nghệ tại công ty tư vấn Albright Stonebridge nói: “Washington nhiều khả năng sẽ nỗ lực nhiều hơn để nhắm đến sự phát triển của một số loại ứng dụng ở Trung Quốc và AI tạo sinh có thể nằm trong tầm ngắm trong năm tới”.
Hạn chế của Mỹ nhắm vào AI
Để có thể hoạt động, AI cần được đào tạo dựa trên nguồn dữ liệu khổng lồ và AI tạo sinh được phát triển dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn. Đồng nghĩa, nó được đào tạo nhờ lượng dữ liệu ngôn ngữ khổng lồ để có thể hiểu và phản hồi yêu cầu từ người dùng. Quá trình xử lý dữ liệu này đòi hỏi lượng lớn sức mạnh tính toán được cung cấp bởi các chất bán dẫn cụ thể, như sản phẩm từ công ty Nvidia của Mỹ, nơi vốn được xem là dẫn đầu thị trường về những con chip như vậy.
Trong khi Mỹ tìm cách hạn chế sự tiếp cận của Trung Quốc đối với những chip AI quan trọng, cả Alibaba lẫn Baidu đều thiết kế chất bán dẫn của riêng họ. Dù đến nay chưa có bất kỳ tác động nào với những con chip này từ lệnh trừng phạt của Mỹ, đây sẽ là lĩnh vực được chính phủ và các công ty công nghệ nước này theo dõi sát sao.
Một phần trong các chính sách hạn chế hiện tại của Mỹ hướng đến việc cắt Trung Quốc khỏi một số con chip chính của Nvidia và hệ quả lâu dài sẽ là cản trở sự phát triển AI của Trung Quốc. Washington cũng đang tiến hành đánh giá nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài - hoạt động được dự báo sẽ đưa ra bộ quy tắc đối với đầu tư của Mỹ vào các công ty nước ngoài trong tương lai gần.
“Sắc lệnh điều hành xem xét đầu tư ra nước ngoài sắp tới sẽ gồm những hạn chế với đầu tư của Mỹ vào một số công nghệ liên quan đến AI và đây sẽ là dấu hiệu chính cho thấy hướng kiểm soát công nghệ của Mỹ trong hai năm cuối cùng của chính quyền Biden”, Triolo nhận xét.
Thúc đẩy phát triển AI
ChatGPT - AI được phát triển bởi công ty OpenAI của Mỹ đã “gây bão” trên toàn thế giới và phần nào châm ngòi cho cuộc chạy đua AI giữa các công ty công nghệ Mỹ. Những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đặc biệt chú ý đến điều này. Vài tháng qua, nhiều công ty công nghệ của Trung Quốc, từ Baidu đến Alibaba đã công bố kế hoạch và tung ra sản phẩm thử nghiệm như là những đối trọng với ChatGPT.
Trung Quốc xem phát triển AI là ưu tiên chiến lược. Dù giới chức Trung Quốc đã đưa ra nhiều quy định cho việc phát triển AI, buộc công nghệ này tuân thủ các quy tắc Internet nghiêm ngặt của Bắc Kinh, chính phủ vẫn muốn thúc đẩy ngành công nghiệp AI trong nước.
Khó tạo ra nhiều thay đổi
Tháng 4 vừa qua, Bắc Kinh cáo buộc Mỹ vi phạm quy tắc thương mại quốc tế thông qua các biện pháp trừng phạt và cho rằng các biện pháp hạn chế với ngành công nghiệp chip của Trung Quốc là hành vi “bắt nạt”.
Washington khẳng định, vì an ninh quốc gia và đang nhắm mục tiêu vào các công nghệ nhạy cảm cụ thể. Dù không trả đũa nhiều, Trung Quốc tháng trước đã cấm các nhà khai thác “cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng” mua chip từ công ty Micron của Mỹ, nói rằng sản phẩm của công ty này không vượt qua bài đánh giá an ninh mạng.
Không giống như các điểm nóng về công nghệ trước đây, như 5G hay TikTok, khi cả hai bên vẫn tin rằng những khác biệt có thể được hàn gắn, giờ những ý tưởng như vậy đã chết về mặt chính trị. Khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc đã mở rộng quá nhiều và không bên nào muốn hàn gắn sự khác biệt.