Hệ thống giao diện thanh toán hợp nhất (UPI) của Chính phủ Ấn Độ và Pix của Brazil ra mắt sau đó giúp mở rộng đáng kể mức độ tiếp cận hệ thống tài chính cho người nghèo. Đi cùng với sự phát triển của hệ thống thanh toán, việc sử dụng tiền giấy và tiền xu trên toàn cầu đã giảm khoảng 1/3.
Ở khắp nơi, thương mại điện tử bùng nổ và cuộc sống không có thanh toán số dường như đã trở thành điều không thể tại một số quốc gia. Và sau khi đã tạo ra sự thay đổi tại các thị trường nội địa, cuộc đua thanh toán đang dần chuyển sang thị trường quốc tế. Năm nay, dự báo chi tiêu bán lẻ xuyên biên giới (gồm cả du lịch) và kiều hối sẽ đạt 5.000 tỷ USD, trong khi các khoản thanh toán B2B có khả năng đạt giá trị gấp 8 lần con số này.
Để xử lý các dòng vốn khổng lồ này, hiện có ba khối lớn cạnh tranh với nhau. Tại phương Tây, Visa, Mastercard và SWIFT là những cái tên chiếm ưu thế. Đối trọng lớn nhất của phương Tây là Trung Quốc với UnionPay, CIPS, cùng hàng loạt ứng dụng thanh toán và mạng lưới thẻ. Ở vị trí thứ ba là Ấn Độ - quốc gia đang có tham vọng triển khai UPI ra toàn cầu.
Thời gian qua, sự cạnh tranh giữa ba khối này đang nóng lên nhanh chóng. Hiện Alipay đã được chấp nhận bởi 2,5 triệu người bán bên ngoài thị trường Trung Quốc. UnionPay - nơi vốn đã là mạng lưới cung cấp dịch vụ thẻ lớn nhất thế giới nếu tính theo khối lượng giao dịch, được chấp nhận bởi 65 triệu thương nhân toàn cầu, so với 100 triệu của Visa.
UPI của Ấn Độ đã liên kết với hệ thống thanh toán nhanh của Singapore, cho phép người tiêu dùng ở cả hai nước thanh toán cho nhau bằng nền tảng nội địa. Ấn Độ cũng đang đàm phán với hơn 30 quốc gia để xuất khẩu công cụ thanh toán.
Vào tháng 11 năm ngoái, 4 ngân hàng trung ương gồm cả Trung Quốc, đã thử nghiệm thành công một hệ thống xuyên biên giới để giải quyết giao dịch bằng đồng tiền số. Có động cơ rõ ràng để Ấn Độ và Trung Quốc tăng tốc trong cuộc đua phát triển hệ thống thanh toán. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là để trở nên bớt phụ thuộc vào phương Tây.
Mir - mạng lưới thẻ của Nga, ra mắt sau khi sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, đã giúp hạn chế thiệt hại từ việc Visa và Mastercard rút khỏi Nga sau cuộc tấn công của nước này vào Ukraine. Tính trên CIPS, khối lượng giao dịch đã tăng đáng kể từ năm 2020, nhờ việc nhiều ngân hàng Nga bị loại ra khỏi SWIFT.
Tuy nhiên, xây dựng một giải pháp để "né” trừng phạt không phải là mục tiêu duy nhất. Cả Ấn Độ hay Trung Quốc đương nhiên đều muốn tập trung sức mạnh lẫn quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng tài chính thế giới, cũng như tìm kiếm sự thuận tiện hơn cho người dân khi họ giao dịch quốc tế.
Về phần mình, phương Tây có thể sẽ lo lắng về sự phân mảnh cơ sở hạ tầng tài chính toàn cầu, qua đó khiến cơ hội thoát khỏi các lệnh trừng phạt trong tương lai tăng lên. Tuy nhiên, một bức tranh cởi mở hơn cho các khoản thanh toán toàn cầu chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Trong bối cảnh người bán ngày càng dễ dàng chấp nhận nhiều lựa chọn thanh toán khác nhau, khả năng thay đổi lựa chọn là hoàn toàn có thực. Theo đó, một hệ thống thanh toán mà mọi người có thể sử dụng mạng lưới trong nước để thanh toán ở nước ngoài hứa hẹn sẽ thuận tiện cũng như rẻ hơn.
Dưới áp lực cạnh tranh, SWIFT đã nâng cấp hệ thống từng một thời khá "cồng kềnh" và đến nay đã giảm được gần một nửa chi phí nhắn tin. 10 năm qua, chi phí chuyển tiền trung bình đã giảm hơn 30%, một phần nhờ các doanh nghiệp công nghệ tài chính (Fintech).
Nếu mạng lưới thanh toán phương Tây không thay đổi, họ có thể sẽ không còn cơ hội nữa, khi sự lan rộng của Alipay, UPI và cả những cái tên mới như GrabPay ở Đông Nam Á hay WhatsApp Pay vừa ra mắt ở Singapore cùng Brazil chắc chắn sẽ mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn.
Dù vậy, đối với thị trường thanh toán trong nước, các nền tảng lớn và phổ biến từ lâu vẫn sẽ chiếm thượng phong, vì người tiêu dùng thích sử dụng một mạng lưới lớn với nhiều người dùng khác. Còn với các khoản thanh toán xuyên biên giới, người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ có xu hướng ủng hộ hệ thống thanh toán mà họ sử dụng ở quốc gia sở tại của mình.
Trong bối cảnh người bán ngày càng dễ dàng chấp nhận nhiều lựa chọn thanh toán khác nhau, khả năng thay đổi lựa chọn là hoàn toàn có thực. Theo đó, một hệ thống thanh toán mà mọi người có thể sử dụng mạng lưới trong nước để thanh toán ở nước ngoài hứa hẹn sẽ thuận tiện cũng như rẻ hơn.
Trong xu hướng phát triển này, các quốc gia hưởng lợi nhiều nhất sẽ là những nước luôn cởi mở với tất cả nền tảng thanh toán và để chúng cùng hoạt động, thay vì buộc người dân chỉ sử dụng duy nhất một ứng dụng của quốc gia. Và dù phương Tây sẽ mất đi một số quyền lực do sự phổ biến của các lựa chọn thay thế cho hệ thống thanh toán, khu vực này vẫn sẽ duy trì được khả năng áp trừng phạt hiệu quả nhất đối với dòng chảy thương mại và công nghệ. Nhiều năm qua, việc số hóa tài chính đã giúp cuộc sống của hàng tỷ người trở nên tốt hơn và cuộc chạy đua toàn cầu mới sẽ chỉ tăng cường những lợi ích đó.