Hai lý do khiến nền kinh tế toàn cầu khó thoát "thập niên mất mát"

Bảo Quân| 11/05/2023 01:00

Nhiều dự báo kinh tế đều cho thấy, một giai đoạn tăng trưởng chậm chạp kéo dài và đầu tư giảm sút đang đến. Cuộc suy thoái sắp tới không phải là không thể tránh khỏi, song khiến đà phục hồi vô cùng gian nan.

Hai lý do khiến nền kinh tế toàn cầu khó thoát

Hằng năm, các cuộc họp vào mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng Ngân hàng Thế giới (WB) thường là cơ hội để giới hoạch định chính sách và nhà bình luận phản ánh tình trạng của nền kinh tế toàn cầu, cũng như đưa ra đánh giá về sự phát triển trong năm trước và dự báo những gì sắp xảy ra. Năm nay, hầu hết dự báo đều nhấn mạnh rủi ro ngày càng tăng của một cuộc suy thoái kéo dài trên quy mô toàn cầu.

Ba năm qua, thế giới đã và đang đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng lớn, từ đại dịch Covid-19, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, cho đến chiến sự Nga - Ukraine, mà hệ quả là lạm phát và bất ổn tài chính. Trước đây, nhiều nhà phân tích tài chính cho rằng, sự kết hợp của những cuộc khủng hoảng chồng chéo này sẽ gây ra tác động đáng kể, nhưng rốt cuộc chỉ ảnh hưởng nhất thời lên nền kinh tế.

Tuy nhiên, các dữ liệu mới lại đang cho thấy một viễn cảnh hoàn toàn khác: biến động kinh tế sẽ kéo dài hơn nhiều so với dự báo ban đầu. Theo đó, báo cáo triển vọng kinh tế thế giới và ổn định tài chính toàn cầu của IMF nhận định, con đường phía trước sẽ hết sức khó khăn, đồng thời cảnh báo rằng "màn sương phủ trên triển vọng kinh tế thế giới đang ngày càng dày đặc".

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương lớn khác liên tục tăng lãi suất đã khiến nợ công đội lên mức cao nhất trong nhiều thập niên, làm tăng nguy cơ bất ổn tài chính. Các nền kinh tế phát triển tăng trưởng bình quân 2,7% vào năm ngoái được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng 1,3% vào năm nay. Trong khi đó, IMF kỳ vọng các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển của châu Á sẽ đạt tăng trưởng 5,3% vào năm 2023 (so với 4,4% năm ngoái).

Về phía WB, các dự báo thậm chí còn bi quan hơn, khi tổ chức này cảnh báo nền kinh tế toàn cầu có thể đang trên bờ vực của một "thập niên mất mát". Dựa trên cơ sở dữ liệu toàn diện ước tính tiềm năng tăng trưởng của 173 quốc gia, tăng trưởng toàn cầu hằng năm được dự báo sẽ xuống mức thấp nhất trong 30 năm qua, là 2,2% và vẫn sẽ ở mức yếu trong phần còn lại của 10 năm tới. 

Khi giai đoạn khó khăn đến, giới nhà giàu có thể an toàn "vượt bão", song điều tương tự sẽ không xảy ra với giới trung lưu và người nghèo - tầng lớp sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc suy thoái sắp tới.

Link bài viết

Hai lý do khiến khó thoát suy thoái

Để hiểu được viễn cảnh sắp tới, cần nhìn xa hơn hậu quả của đại dịch Covid-19 và chiến sự ở Ukraine. Hơn nữa, cần đặt lên bàn cân cả những vấn đề lớn vốn đã âm ỉ trong nhiều thập niên qua, gồm biến đổi khí hậu và những xung đột chính trị - xã hội. Xem xét tất cả những điều này, có thể thấy việc tìm đường thoát khỏi "đa khủng hoảng" và khôi phục tăng trưởng, dù có thể thực hiện được, cũng vô cùng khó khăn vì hai lý do sau:

Thứ nhất, nhiều quốc gia đang suy giảm đầu tư đáng báo động. Tất nhiên, không thể phủ nhận vai trò của các chính sách tài chính và tiền tệ, song nguyên nhân gốc rễ của đầu tư yếu là việc chính trị hóa chính sách kinh tế ngày càng tăng - yếu tố gây ra sự mất lòng tin trên quy mô lớn đối với các chính phủ, cũng như xói mòn niềm tin vào khả năng giải quyết các vấn đề hệ trọng của họ.

Có thể lấy Ấn Độ làm trường hợp điển hình. Từ năm 2012, tỷ trọng đầu tư của khu vực tư nhân trong GDP ở nước này bắt đầu giảm dần. Theo WB cùng nhiều chuyên gia kinh tế, xu hướng này đến từ sự phân cực chính trị và sự thiếu tin tưởng ngày một tăng với chính phủ. Đầu tư công đã tăng đáng kể trong thập niên qua nhưng đây có thể là một xu hướng nguy hiểm, bởi khi chính phủ kiểm soát đầu tư một cách không cân xứng sẽ dẫn đến sự gia tăng của chủ nghĩa thân hữu. Một ví dụ cho điều này là Nga - nơi giới tài phiệt nổi lên nhanh chóng trong những năm 1990 bằng cách thu hút sự ủng hộ của các lãnh đạo chính trị để đổi lấy những hợp đồng béo bở và những thỏa thuận tư nhân hóa "ngọt ngào".

Thứ hai, việc đưa ra bất kỳ chính sách khắc phục suy thoái nào cũng cần nỗ lực phối hợp giữa nhiều quốc gia - điều thế giới đang thiếu. Vì thế, "Hợp tác trong một thế giới bị phân mảnh" là chủ đề tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đầu năm nay. Theo IMF, tình trạng phân mảnh nghiêm trọng của các nền kinh tế sau nhiều thập niên thúc đẩy hội nhập có thể làm giảm sản lượng kinh tế toàn cầu tới 7%, thậm chí 8-12% ở một số nơi.

Khi giai đoạn khó khăn đến, giới nhà giàu có thể an toàn "vượt bão", song điều tương tự sẽ không xảy ra với giới trung lưu và người nghèo - tầng lớp sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc suy thoái sắp tới.

Cần biết rằng, sự kết nối chằng chịt giữa các chuỗi cung ứng toàn cầu đồng nghĩa với việc bất kỳ sự gián đoạn nào cũng gây ra tác động mạnh mẽ và lan rộng. Bên cạnh đó, việc các thủ đoạn phá hoại kinh tế ngày càng được sử dụng phổ biến như một chiến thuật chiến tranh càng nhấn mạnh sự cấp bách của hợp tác đa phương gắn liền với một hiệp ước thúc đẩy bảo vệ tài sản kinh tế.

Do đó, khi cuộc chiến chống biến đổi khí hậu leo thang và các nền kinh tế tiếp tục điều hướng giữa kỷ nguyên "đa khủng hoảng", nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng việc giữ cho nền kinh tế toàn cầu được nguyên vẹn và toàn vẹn, thay vì phân mảnh, là tối quan trọng. 

Để đạt được điều này, đòi hỏi sự nỗ lực đáp ứng các mục tiêu giảm biến đổi khí hậu cũng như ngăn chặn sự gia tăng bất bình đẳng kinh tế tại trong và giữa các quốc gia. Dựa trên những khác biệt về công nghệ số và tình trạng chuỗi cung ứng như hiện nay, những đề mục trên đơn giản là nằm ngoài tầm với nếu các quốc gia chỉ hành động đơn lẻ. 

Thế nên, để giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu cũng như tìm đường thoát khỏi "thập niên mất mát", thiết nghĩ, cần sự phối hợp chặt chẽ trong chính sách tiền tệ, tài chính và an ninh giữa chính phủ các nước. Điều này chắc chắn không dễ dàng. Nhưng nếu lựa chọn còn lại là sự tăng trưởng chậm chạp, bất ổn chính trị và thảm họa môi trường, đơn giản là quá thảm khốc để đắn đo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hai lý do khiến nền kinh tế toàn cầu khó thoát "thập niên mất mát"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO