Kết luận trên được cơ quan quản lý thị trường tài chính ở London đưa ra sau cuộc khảo sát thường niên đánh giá hoạt động của các trung tâm tài chính toàn cầu. Theo đánh giá mới nhất này, điểm tổng thể năng lực cạnh tranh của London là 60 điểm (tăng từ 59 điểm vào năm 2022), nhưng số điểm của New York đã vươn lên mạnh mẽ để ngang bằng với London, chủ yếu do ngày càng có nhiều công ty niêm yết tại thị trường Mỹ.
Tiếp theo là Singapore xếp thứ 3 (với 51 điểm), Frankfurt của Đức xếp thứ 4 (46 điểm), Paris của Pháp xếp thứ 5 (43 điểm) và Tokyo của Nhật Bản xếp thứ 6 (35 điểm).
Theo City of London Corporation, Anh tiếp tục phát huy thế mạnh lâu đời của quốc gia này với tư cách là trung tâm phát hành nợ quốc tế, bảo hiểm thương mại và giao dịch ngoại hối lớn nhất thế giới, đồng thời là trung tâm quản lý tài sản lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, số lượng công ty quốc tế niêm yết ở London đang sụt giảm và rất ít công ty toàn cầu chọn niêm yết tại thành phố này.
Ngày 29/3/2023, City of London Corporation đã đưa ra các đề xuất về việc điều chỉnh quy tắc niêm yết. Bên cạnh đó, giới chức tài chính ở Anh cũng hối thúc cải cách các quy tắc tài chính nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của London sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU), vốn là sự kiện đã khiến thành phố này phải cạnh tranh với các trung tâm tài chính khác của EU như Amsterdam (Hà Lan), Paris (Pháp) và Frankfurt (Đức).
Dự kiến, trong quý III/2023, City of London Corporation sẽ công bố chi tiết về một kế hoạch dài hạn, nhằm "khởi động" vai trò của London với tư cách là một trung tâm tài chính toàn cầu thời hậu Brexit cho đến năm 2030.