Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC), đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng và hình thành Trung tâm Tài chính Quốc tế TP.HCM cho biết, hiện đề án đang được lãnh đạo thành phố đã thông qua, đồng thời đã được trình lên Trung ương và đang xúc tiến thành lập ban chỉ đạo đề án để sớm hoàn thiện và đưa vào hoạt động. Chính phủ cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu hình thành ban chỉ đạo quốc gia về đề án này và phân công công việc cụ thể cho các bộ, ban, ngành.
Theo ông Hòa, có 3 trụ cột cốt lõi TP.HCM cần hoàn thiện sớm để hình thành trung tâm tài chính này:
- Trụ cột thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, hiện chỉ mới có hệ thống ngân hàng thương mại mà thiếu ngân hàng đầu tư.
- Trụ cột thị trường vốn còn manh nha, sơ khai và mới hình thành dạng trái phiếu ở một số lĩnh vực nhất định, trong đó chủ yếu là ngành bất động sản. Cần hoàn thiện hệ thống pháp lý để thị trường này hoạt động đầy đủ cho tất cả ngành nghề.
- Trụ cột về thị trường hàng hóa phái sinh. Trụ cột này hoàn toàn chưa có, thậm chí sàn giao dịch điện tử hàng hóa sơ cấp nhất cũng chưa hình thành. Trong khi đó, Việt Nam được xếp vào top 10 nước xuất khẩu lớn nhất trên thế giới nhưng cách thức giao dịch thương mại vẫn mang tính chất thủ công truyền thống.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước (HFIC), có 5 giải pháp cần thực hiện để sớm hình thành Trung tâm Tài chính Quốc tế TP.HCM |
Cũng theo ông Hòa, có 5 giải pháp để hoàn thiện các trụ cột trên.
Thứ nhất, cần xây dựng hệ thống pháp luật và thể chế hoàn chỉnh, đồng bộ, bao quát được các lĩnh vực mà dòng chảy tài chính sẽ hướng đến. Trong đó, đặc biệt chú trọng chính sách thu hút đầu tư từ nhà đầu tư tiên phong, có tính chất khai phá, dẫn dắt hình thành thị trường, tạo tiền đề hình thành chuỗi nhà đầu tư thứ cấp tham gia.
Về vấn đề này, có thể lựa chọn hình thức là Chính phủ giao cho một cơ quan chức năng tập trung xây dựng hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với mục tiêu hình thành trung tâm tài chính. Hoặc có thể chọn giải pháp rút ngắn thời gian hơn bằng cách kế thừa, áp dụng mô hình trung tâm tài chính đã có sẵn trên thế giới.
Thứ hai, cơ chế cho phép áp dụng khung pháp lý thí điểm thử nghiệm trên một số lĩnh vực. Từ đó làm cơ sở đánh giá mức độ tương thích giữa hệ thống pháp lý với hiệu quả thực hiện, tiến tới điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng phát triển trong tương lai.
Thứ ba, cần có sự vào cuộc cơ quan trung ương trong việc xây dựng hành lang pháp lý minh bạch, tạo nền tảng vững chắc, an toàn để thu hút cũng như hình thành những con sếu đầu đàn đủ sức tham gia vào cuộc chơi chung trên thị trường tài chính.
Thứ tư, cần xác định giá trị cốt lõi cho năng lực cạnh tranh của trung tâm tài chính làm điểm nhấn thu hút các định chế tài chính trên thế giới tham gia. Điều này đòi hỏi phải xác định chọn thị trường ngách là một lĩnh vực nào đó hoặc chọn tổng thể các ngành trên thị trường toàn cầu. Đây là cơ sở để xây dựng chính sách ưu đãi thu hút đầu tư cho các định chế tài chính tương ứng.
Thứ năm, phải xây dựng nguồn nhân lực có đủ trình độ, thu hút từ nước ngoài hoặc đào tạo trong nước. Cùng với đó, cần có chính sách đầu tư đồng bộ nhằm tạo môi trường làm việc, sinh sống, giải trí thuận lợi cho các nhà đầu tư, chuyên gia tài chính...
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó ban hành chính sách thúc đẩy hình thành và phát triển Trung tâm Tài chính Quốc tế TP.HCM. Đây là điều kiện để sớm thúc đẩy trung tâm tài chính quốc tế đi vào hoạt động. Để triển khai các nhiệm vụ cụ thể của Nghị quyết 31-NQ/TW, Bộ Chính trị yêu cầu, ban hành chính sách thúc đẩy hình thành và phát triển Trung tâm Tài chính Quốc tế TP.HCM; cho thí điểm cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ trong lĩnh vực tài chính và chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Trung tâm Tài chính Quốc tế TP.HCM. |