Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM hy vọng tạo làn sóng thu hút đầu tư thứ ba

Hồng Nga| 09/02/2023 06:06

Việc sớm hình thành và đi vào hoạt động Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM hy vọng sẽ tạo nền tảng thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn tài chính quốc tế và tạo cú hích để các ngành cùng phát triển.

Niềm hy vọng tạo làn sóng thu hút đầu tư thứ ba

Chia sẻ tại tọa đàm “Giải pháp hình thành trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM” do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức ngày 9/2, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC),  đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng và hình thành Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM cho rằng, việc hình thành trung tâm này sẽ là nền tảng thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn quốc tế. 

TP.HCM đã trải qua hai làn sóng đầu tư. Ở làn sóng thứ nhất, thành phố đã thành công trong việc thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) thuộc đa lĩnh vực và hình thành nhiều KCX-KCN. Nền tảng này đã mở ra nhiều cơ hội, tạo công ăn việc làm và nâng cao đời sống của người dân, đồng thời tạo niềm tin lớn cho nhà đầu tư, góp phần hình thành nên làn sóng đầu tư thứ hai.

Ở làn sóng đầu tư thứ hai, việc thu hút đầu tư được chọn lọc hơn theo hướng nâng cao chất lượng dòng vốn DN đầu tư như Samsung, Intel, Nidec Sankyo... Những DN đầu đàn này đã tạo cơ sở để dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu đến Việt Nam. Điển hình thành công của làn sóng đầu tư này là hình thành khu công nghệ cao ở TP.HCM.

Bối cảnh hiện nay, TP.HCM cần tạo ra làn sóng thu hút đầu tư thứ ba, trong đó, việc kiến tạo hình thành thị trường vốn của Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM là điển hình. Theo ông Hòa, nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng hiện nay chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu phát triển của DN, họ cần nguồn vốn đa dạng hơn, lớn hơn, dài hạn hơn để có thể mở rộng quy mô đầu tư và phát triển. 

“Việc sớm hình thành Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM sẽ là nền tảng thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn tài chính với những dự án quy mô lớn hơn, chất lượng cao hơn và sẽ tạo cú hích mạnh để các ngành cùng phát triển”, ông Hòa nhấn mạnh.

Quảng cảnh buổi tọa đàm

Quảng cảnh buổi tọa đàm

Cả ba trụ cột hình thành trung tâm tài chính quốc tế đều chưa hoàn chỉnh

Theo các chuyên gia, việc hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM có thể làm được, vấn đề còn lại là cần sự tham gia của cả nước với nhiều giải pháp đồng bộ. 

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền cho rằng, thực tế TP.HCM đã là trung tâm tài chính của cả nước dù chưa được định hình bài bản, thấy rõ nhất là chứng khoán, trái phiếu, vay vốn, bảo hiểm… Tuy vậy, nếu ở tầm quốc tế, cần phải chuyển đổi để hoàn thiện và có hệ thống pháp luật và thể chế hoàn chỉnh, đồng bộ… Tất cả phải tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia vào thị trường, tạo cơ hội sinh lời và củng cố niềm tin cho nhà đầu tư. 

Theo ông Điền, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như có đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, thuận tiện trong giao dịch, đặc biệt là có chính sách thuế tiệm cận với chính sách thuế của các trung tâm tài chính trong khu vực và thế giới đang áp dụng.

“Bên cạnh chính sách, Nhà nước phải bảo đảm yếu tố thông tin cân bằng, hoàn chỉnh, tránh thông tin bất cân xứng. Muốn vậy, cần phải siết kỷ cương thị trường, minh bạch thông tin, chính sách niêm yết, khung hành lang pháp lý rõ ràng để DN có cơ sở triển khai”, ông Điền nói.

Ông Hòa cho rằng, có ba trụ cột cốt lõi cần phải hoàn thiện để trở thành một trung tâm tài chính quốc tế. Đó là trụ cột thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, thị trường vốn, thị trường hàng hóa phái sinh. 

Hiện thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng mới chỉ có ngân hàng thương mại và đang thiếu ngân hàng đầu tư; thị trường vốn thì còn manh nha, sơ khai và mới hình thành dạng trái phiếu ở một số lĩnh vực nhất định, trong đó chủ yếu là ngành bất động sản nên cần hoàn thiện hệ thống pháp lý để thị trường này hoạt động đầy đủ cho tất cả ngành nghề. Còn thị trường hàng hóa phái sinh thì chưa có, mặc dù Việt Nam được xếp Top 10 nước xuất khẩu lớn nhất trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM hy vọng tạo làn sóng thu hút đầu tư thứ ba
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO