Theo dữ liệu từ công ty phân tích Dealogic, giá trị M&A trong quý đầu tiên của năm nay giảm 48%, xuống còn khoảng 575 tỷ USD tính đến ngày 30/3/2023, so với mức 1.100 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái. JPMorgan Chase & Co cho biết, quý đầu tiên chứng kiến thị trường biến động mạnh với nhiều sự không chắc chắn. Và điều đó dẫn tới một số thương vụ bị hoãn lại. Giá trị các thương vụ M&A giảm 44% xuống còn 282,7 tỷ USD ở Mỹ và giảm 70% xuống còn 81,87 tỷ USD ở châu Âu. Khối lượng giao dịch ở châu Á - Thái Bình Dương giảm 29% xuống còn 176,1 tỷ USD.
Tháng 3/2023, cuộc khủng hoảng ngân hàng nổ ra ở Mỹ mà bắt đầu bằng việc Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ, sau đó lan sang châu Âu với thương vụ sáp nhập khẩn cấp giữa UBS và Credit Suisse Group đã gây sốc cho các thị trường, khiến nhiều thương vụ M&A phải ngừng lại.
Thị trường huy động vốn hoạt động tốt là một yếu tố quan trọng giúp cho M&A sôi động. Việc thị trường biến động mạnh rõ ràng là một thách thức và gây áp lực lớn lên hoạt động M&A trong quý I/2023, các chuyên gia tại Goldman Sachs Group nhận định. Vì không thể huy động vốn bằng các công cụ nợ, các công ty cổ phần tư nhân buộc phải tự mình chi nhiều hơn cho các giao dịch của họ.
Nếu môi trường huy động vốn bằng các công cụ nợ tiếp tục diễn biến tiêu cực trong một vài năm tới, mọi người có thể hối hận vì đã thực hiện giao dịch cổ phần hóa quá mức ngay từ đầu. Nhưng nếu tin rằng trong 12-18 tháng tới, thị trường vốn cải thiện và lãi suất giảm xuống, thì giờ vẫn là thời điểm tuyệt vời để M&A, một đối tác tại Kirkland & Ellis cho biết.
Những người mua có nguồn vốn tốt vẫn có thể vay tiền để thực hiện các giao dịch. Thị trường được dự đoán sẽ không có nguy cơ đóng băng trong thời gian tới. Một số công ty lớn đang tận dụng thời điểm định giá thấp để mua và tiếp quản đối thủ của họ. Việc định giá thị trường sụt giảm cũng tạo cơ hội để các nhà đầu tư lớn khởi động cuộc thôn tính mới. Các chuyên gia dàn xếp giao dịch dự đoán giá trị M&A sẽ tăng trong các quý tới nhờ chiến dịch thôn tính của các nhà đầu tư này.
Tuy nhiên, có thể phải mất một thời gian trước khi các điều kiện cơ bản trở nên thuận lợi để thực hiện M&A trở lại. Áp lực lạm phát không giảm nhanh như mọi người kỳ vọng, vẫn còn rất nhiều căng thẳng địa chính trị và theo nhiều cách, sự gián đoạn trên thị trường tài chính đang gia tăng.
Theo báo cáo các xu hướng M&A toàn cầu PwC 2023, hoạt động M&A toàn cầu có khả năng tăng trưởng vào nửa sau của năm 2023, khi các nhà đầu tư và giám đốc điều hành tìm cách cân bằng rủi ro ngắn hạn với các chiến lược chuyển đổi kinh doanh dài hạn. Mặc dù các giao dịch toàn cầu đang phải chịu tác động từ kinh tế vĩ mô, như lo ngại suy thoái kinh tế, lãi suất tăng, giá cổ phiếu giảm mạnh, căng thẳng địa chính trị - chiến tranh ở Ukraine và gián đoạn chuỗi cung ứng, 60% CEO toàn cầu cho biết họ không có ý định trì hoãn các giao dịch vào năm 2023, theo khảo sát CEO toàn cầu thường niên lần thứ 26 của PwC.
Trong khi năm 2021 ghi nhận số giao dịch ở mức cao kỷ lục (65.000 giao dịch), thị trường M&A toàn cầu đối mặt nhiều thách thức trong năm 2022 với khối lượng giao dịch giảm 17% và giá trị thương vụ giảm 37%, tuy nhiên vẫn duy trì cao hơn năm 2020 và mức trước đại dịch. Trong nửa cuối năm 2022, giao dịch tiếp tục suy yếu hơn so với năm 2021, giảm 25% khối lượng và 51% giá trị. Tuy vậy, tình hình kinh tế vĩ mô và các yếu tố địa chính trị có tác động không đồng đều đến thị trường M&A. Ấn Độ là một ví dụ ngoại lệ của năm 2022 khi sở hữu số lượng giao dịch tăng 16% và khối lượng tăng 35%, đạt mức cao kỷ lục so với mức giảm hai con số ở Mỹ, Trung Quốc và nhiều vùng lãnh thổ khác.
Báo cáo cho thấy hoạt động M&A, đặc biệt là tối ưu hóa danh mục đầu tư tiếp tục là cơ hội chiến lược cho những nhà đầu tư trên thị trường, bất chấp những thách thức đến từ kinh tế vĩ mô và địa chính trị. Đây vẫn là công cụ giúp các CEO tái định vị doanh nghiệp của họ, thúc đẩy tăng trưởng và đạt được kết quả bền vững trong dài hạn.
Năm 2023 được kỳ vọng sẽ là một năm hứa hẹn với thị trường M&A khi các CEO tập trung tạo ra giá trị thông qua việc đổi mới doanh nghiệp và các hoạt động giao dịch. Tại Việt Nam, các nhà đầu tư đang quan tâm đến các lĩnh vực năng lượng tái tạo, chăm sóc sức khỏe, logistics và giáo dục, đồng thời mở rộng cơ sở sản xuất, mở rộng thị phần và khai thác lực lượng lao động có trình độ, cũng như phát triển các tệp khách hàng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần bắt đầu tích hợp ESG vào kế hoạch kinh doanh khi các nhà đầu tư bắt đầu ưu tiên các yếu tố này trong kế hoạch đầu tư của họ.