Động lực phía sau
Ngày 3/4/2023 vừa qua, giá dầu thế giới tăng hơn 6%, mức tăng cao nhất trong hơn một năm qua, sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh bao gồm Nga, được gọi chung là nhóm OPEC+, cam kết cắt giảm sản lượng tự nguyện, dự kiến bắt đầu vào tháng 5 và kéo dài đến cuối năm 2023.
Động thái này diễn ra sau quyết định đầu tiên từ Nga khi tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày cho đến cuối năm 2023. Quốc gia dẫn đầu của OPEC là Ả Rập Saudi tiếp bước cắt giảm nửa triệu thùng/ngày, các quốc gia thành viên khác cũng cam kết cắt giảm như Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cắt giảm 144.000 thùng/ngày, còn Kuwait, Oman, Iraq, Algeria và Kazakhstan cũng sẽ hành động tương tự.
Trước đó, trong nửa đầu tháng 3, giá dầu đã trượt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021, khi nhà đầu tư lo ngại những hỗn loạn trong ngành ngân hàng có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cộng thêm các điều kiện kinh tế phát tín hiệu hạ nhiệt đã gây áp lực lên nhu cầu dầu thô và nhiên liệu. Để phản ứng lại, OPEC+ đã cắt giảm sản lượng như là cách tránh lặp lại vụ khủng hoảng năm 2008, giai đoạn giá dầu có lúc giảm đến 80%. Như Ả Rập Saudi tuyên bố việc cắt giảm sản lượng là một biện pháp phòng ngừa nhằm ổn định thị trường dầu mỏ.
Hiện giá dầu WTI tính đến ngày 7/4/2023 đang giao dịch trên mốc 80 USD/thùng, tức tăng hơn 25% từ mức thấp vào giữa tháng 3. Có một số dự báo cho rằng giá dầu có thể lên trên mốc 100 USD/thùng trong thời gian tới, khi các thống kê cũng chỉ ra cứ mỗi đợt nguồn cung tăng hoặc giảm 1 triệu thùng, giá dầu thường giảm hay tăng 20 USD/thùng.
Hiện cũng có không ít yếu tố đang hỗ trợ cho đà đi lên của giá vàng đen này. Dữ liệu của chính phủ Mỹ công bố gần đây cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ sụt 3,7 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn khoảng 1,5 triệu thùng so với dự báo. Với việc cấm vận Nga, Mỹ đã phải thay thế cung cấp nguồn dầu mỏ cho thị trường EU trong thời gian qua. Hiện dự trữ dầu khí chiến lược của nền kinh tế số một thế giới đang ở mức thấp nhất trong 40 năm, làm dấy lên tin đồn Mỹ cần phải mua dầu để lấp đầy kho dự trữ trở lại trong thời gian tới.
Trung Quốc đang tái mở cửa kinh tế và cũng sẽ làm tăng nhu cầu sử dụng dầu lên cao hơn. Giá dầu cũng được hỗ trợ sau khi các nhà sản xuất đóng cửa hoặc giảm sản lượng tại một số mỏ dầu ở khu vực bán tự trị Kurdistan ở miền Bắc Iraq sau khi đường ống xuất khẩu phía Bắc bị dừng. Iraq đã giảm xuất khẩu dầu thô khoảng 450.000 thùng/ngày, tương đương 0,5% nguồn cung dầu toàn cầu từ khu vực Kurdistan vào ngày 25/3/2023 thông qua một đường ống chạy từ các mỏ dầu ở phía Bắc Kirkuk đến cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, giới phân tích cũng cho biết mùa bão - thường bắt đầu vào tháng 6/2023 - có thể thúc đẩy giá dầu trong vài tháng tới. Chẳng hạn, cơn bão Ida tác động tới Mỹ trong tháng 8/2021 đã khiến giá dầu tăng thêm 10%, vì các nhà máy lọc dầu ở vùng vịnh nước Mỹ bị tác động. Dữ liệu gần nhất của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ đã giảm 133 triệu thùng so với năm trước và hiện ở mức 845,27 triệu thùng. Trước đây, dự trữ dầu khí chiến lược thường đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp hỗ trợ khi cơ sở hạ tầng của Mỹ bị tác động mạnh trong mùa bão.
Các nền kinh tế gặp khó
Sau những bất ổn của ngành ngân hàng gần đây, giới đầu tư kỳ vọng làn sóng tăng lãi suất trên toàn cầu sẽ sớm kết thúc. Dựa trên tình hình định giá các sản phẩm phái sinh, đang cho thấy các nhà đầu tư tin rằng các NHTƯ lớn trên thế giới sẽ không tăng lãi suất và trong một số trường hợp, sẽ bắt đầu hạ lãi suất trước cuối năm nay. Cụ thể, lãi suất của hợp đồng hoán đổi tín dụng hiện cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), NHTƯ Nhật Bản và 7 NHTƯ lớn khác đang được kỳ vọng sẽ giữ nguyên lãi suất trong các cuộc họp chính sách.
Sau báo cáo cơ hội việc làm và tỷ lệ lao động thôi việc hằng tháng của Mỹ được công bố vào ngày 4/4/2023, các nhà đầu tư đã tăng đặt cược vào khả năng FED sẽ không có động thái nào trong cuộc họp đầu tháng 5 tới. Nhà đầu tư cũng kỳ vọng FED sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ sớm nhất là vào tháng 7 tới, với việc hạ lãi suất cơ bản xuống gần 4% vào cuối năm 2023.
Ngân hàng UBS dự báo đến cuối năm 2023, hơn một nửa trong số 32 NHTƯ mà họ theo dõi sẽ hạ lãi suất chính sách. 7 NHTƯ khác sẽ không thay đổi. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế vẫn lo ngại lạm phát cao sẽ buộc các NHTƯ tiếp tục tăng lãi suất, đặc biệt NHTƯ tại các thị trường mới nổi là một trong số những ngân hàng đầu tiên phản ứng với tình trạng lạm phát gia tăng bằng cách tăng lãi suất, vẫn có thể là những ngân hàng đầu tiên khởi động chu kỳ hạ lãi suất.
Giá dầu WTI tính đến ngày 7/4/2023 giao dịch trên mốc 80 USD/thùng, tức tăng hơn 25% từ mức thấp vào giữa tháng 3. Có một số dự báo cho rằng giá dầu có thể leo lên trên mốc 100 USD/thùng trong thời gian tới, khi các thống kê cũng chỉ ra cứ mỗi đợt nguồn cung tăng hay giảm 1 triệu thùng, giá dầu thường giảm hay tăng 20 USD/thùng.
Tuy nhiên, trong nhận định mới đây, Albert Park - chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, giá dầu cao sẽ gây thách thức cho khu vực châu Á trong quá trình chống lạm phát, vốn đang là nguy cơ và thách thức của nhiều nền kinh tế. Theo đó, các nước này sẽ phải lựa chọn chính sách kiểm soát lạm phát, đồng thời phải hỗ trợ kinh tế phục hồi.
Hiện lạm phát ở khu vực châu Á đang "hạ nhiệt", nhưng cũng cần lưu ý lạm phát lõi - loại trừ thực phẩm và năng lượng - vẫn cao hơn mức bình thường ở nhiều quốc gia. Do đó, các cơ quan tiền tệ cần phải tiếp tục cảnh giác và có thể chưa thấy điểm kết thúc của quá trình nâng lãi suất ở châu Á. Nhiều chuyên gia tài chính đánh giá việc giá dầu tăng có thể đảo ngược đà suy giảm lạm phát, điều này sẽ đặt NHTƯ các nước vào thế lưỡng nan, nếu tiếp tục tăng lãi suất sẽ làm tổn hại đến nền kinh tế, còn không thì lạm phát cao bị ảnh hưởng bởi giá dầu có thể quay trở lại.
Rõ ràng nếu lạm phát có dấu hiệu kéo dài, NHTƯ nhiều nước có thể hy sinh nền kinh tế để đưa lạm phát trở lại mục tiêu. Các NHTƯ giờ phải đối mặt với áp lực lạm phát gia tăng từ chi phí năng lượng, sau kế hoạch giảm sản lượng khai thác dầu của OPEC+. Trong vài tháng tới, giá dầu chỉ chững đà tăng nếu FED nâng lãi suất cao hơn dự báo và rủi ro suy thoái kinh tế tăng.