Vân gỗ kết vân tay

PHƯƠNG QUYÊN| 15/11/2012 05:37

Cái bắt tay giữa Hội Kiến trúc sư TP.HCM và Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM hứa hẹn sẽ thay đổi diện mạo của thị trường trang trí nội thất trong nước vốn đang ở trong tình trạng "ngoại nhoài trên nội".

Vân gỗ kết vân tay

Cái bắt tay giữa Hội Kiến trúc sư TP.HCM (HAA) và Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) đã tạo nên mối liên kết giữa nhà sản xuất và nhà tư vấn. Điều này hứa hẹn sẽ thay đổi được diện mạo của thị trường trang trí nội thất trong nước vốn đang ở trong tình trạng "ngoại nhoài trên nội".

Đọc E-paper

Hội chợ Vifa Home tạo được dấu ấn kết nối DN của HAWA

Có mặt tại hội thảo "Giải pháp liên ngành đối với nhà sản xuất đồ gỗ và nhà tư vấn thiết kế Việt", chủ đề "Nội thất cho nhà phố Việt Nam", một hoạt động trong khuôn khổ của Vifahome, diễn ra từ ngày 8 - 11/11, những con số công bố về thị trường một lần nữa khiến nhiều người phải giật mình vì tiềm năng quá lớn của ngành vẫn chưa được khai thác.

Khoảng trống ngày càng lớn

Theo Trung tâm Nghiên cứu các ngành công nghiệp (CSIL) của Ý, thị trường tiêu dùng nội địa Việt Nam đang giữ vị trí thứ 22/70 quốc gia có xếp hạng và xuất khẩu đứng thứ 6/70. Ước tính, quy mô của thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa Việt Nam đạt đến 7 tỷ USD trong năm nay.

Tuy nhiên, trong khi khả năng xuất khẩu ngày một nâng cao thì cơ cấu thị trường nội địa lại là một con số khá chênh lệch. Chỉ có 20% doanh số của thị trường nội địa thuộc về sản phẩm của doanh nghiệp (DN) trong nước, 80% doanh số là từ sản phẩm nhập khẩu.

Nghĩa là, mỗi năm, Việt Nam đang nhập khẩu 2,4 tỷ USD đồ gỗ trong khi năng lực lẫn trình độ sản xuất đã chinh phục thị trường Mỹ và các nước châu Âu từ lâu. "Khoảng trống ấy phần lớn là do có khoảng cách giữa nhà sản xuất và nhà thiết kế”, kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Phó chủ tịch HAA, đánh giá.

Theo ông Lưu, ngoài hệ thống phân phối trong nước chưa được tổ chức tốt, việc DN Việt Nam chưa nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng dẫn đến đưa ra xu hướng thiết kế không phù hợp.

Hệ quả là người dùng chưa mặn mà lắm với sản phẩm đồ gỗ nội. Thêm vào đó, đội ngũ tư vấn thiết kế tại Việt Nam cũng chưa biết được năng lực và sản phẩm của DN nội nên việc đưa ra định hướng cho người dùng cũng chỉ tập trung vào sản phẩm nhập khẩu.

Ông Khương Văn Mười, Chủ tịch HAA, tiết lộ, trong bối cảnh kinh tế phát triển nhanh những năm vừa qua, nhu cầu tư vấn, thiết kế trong xây dựng và trang trí nội, ngoại thất đã tăng nhanh.

Nếu đội ngũ tư vấn thiết kế hiểu được DN sản xuất thì đây sẽ là một kênh phát triển thị trường tốt cho DN nội địa. Đáng tiếc, hai đối tượng này đều chưa có dịp bắt tay nhau.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch HAWA, cho biết, ý tưởng liên kết đã hình thành từ nhiều năm trước nhưng sự hợp tác chưa có chiều sâu nên DN trong ngành bỏ lỡ mất cơ hội mà đội ngũ tư vấn có thể mang lại.

"HAWA sẽ đẩy mạnh liên kết với HAA để tạo nên lực đẩy cho các DN thành viên mạnh dạn hơn nữa với thị trường nội địa", ông Thắng khẳng định.

Hội bắt tay, thị trường đổi mặt?

Trong khuôn khổ hợp tác giữa HAWA và HAA, những kiến trúc sư thành viên của HAA đã có những chuyến tham quan nhà máy và khảo sát hoạt động sản xuất của DN thuộc HAWA. Nỗ lực liên kết này hứa hẹn một tương lai khá sáng sủa cho DN sản xuất trong hành trình tìm về thị trường nội địa.

Ông Trần Việt Tiến, Giám đốc Công ty CP Mỹ thuật Gia Long, phân tích: "Thành viên của HAA lên đến hơn 1.000 kiến trúc sư. Nếu tận dụng được nguồn lực này thì việc nắm bắt thị trường sẽ dễ dàng hơn rất nhiều".

Theo ông Tiến, ngoài việc thành viên hai hội phải liên kết chặt chẽ để hiểu nhau còn phải tính đến những giải pháp hợp tác lâu dài để cùng có lợi. "Nếu hợp tác này suôn sẻ, tương lai Việt Nam sẽ hình thành được thị trường mua bán ý tưởng thiết kế giữa kiến trúc sư và DN", ông Tiến cho biết.

Song song với việc liên kết để tạo sức mạnh, theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Công ty Nguyễn Thanh, DN sản xuất gỗ cũng cần phải chủ động trong việc tổ chức sản xuất để có thể chinh phục được thị trường nội địa.

Bởi, quen với quy mô sản xuất hàng loạt để phục vụ cho thị trường xuất khẩu, nếu không điều chỉnh, có thể thu nhỏ quy mô sản xuất thì cũng sẽ không tận dụng được những tư vấn mà đội ngũ thiết kế mang lại.

Hơn ba năm loay hoay với bài toán thị trường nội địa, các DN sản xuất đồ gỗ Việt Nam giờ đây lại tìm thấy hướng đi mới. Hy vọng, với việc cho vân gỗ kết hợp với vân tay lần này, thị trường đồ gỗ trong nước sẽ có những biến chuyển thuận lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vân gỗ kết vân tay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO