Khát vọng tỏa sáng startup Việt trên bản đồ thế giới

Tường Linh| 07/07/2019 01:37

Lễ công bố tầm nhìn chiến lược giai đoạn 2020-2025 của Quỹ Startup Vietnam Foundation vừa diễn ra. Điểm khác biệt trong giai đoạn hoạt động tiếp theo của Quỹ là tầm nhìn đưa Việt Nam lên bản đồ khởi nghiệp thế giới bằng công nghệ Việt.

Khát vọng tỏa sáng startup Việt trên bản đồ thế giới

Ông Phạm Duy Hiếu- Phó Chủ tịch Qũy Starup Vietnam Foundation

Quỹ Startup Vietnam Foundation (SVF) là một trong những quỹ hỗ trợ khởi nghiệp mạnh mẽ ở Việt Nam. Sau 5 năm thành lập và phát triển, Quỹ chủ yếu hỗ trợ công nghệ, tư vấn tầm nhìn, chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp khởi nghiệp Việt. Quỹ có những tác động tích cực để hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp với nguồn vốn còn hạn hẹp - ông Phạm Duy Hiếu, Phó chủ tịch SVF kiêm CEO của ABBank cho biết.

Hướng tới startup nông nghiệp

Hiện nay Quỹ đã có hoạt động tại 25 tỉnh thành trên cả nước. SVF cũng đã tiếp cận được 10.000 người với hơn 100 chương trình/cuộc thi khởi nghiệp được tổ chức. Huấn luyện, hỗ trợ cho hơn 100 startup, thiết lập mạng lưới hơn 360 cố vấn khởi nghiệp và tổ chức 11 khóa huấn luyện cố vấn khởi nghiệp. Tính hiệu quả và những tác động tích cực mà SVF mang đến cho hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Việt  Nam đã được công nhận khi 90% các đơn vị từng hợp tác đánh giá cao về hiệu quả các hoạt động hỗ trợ mà SVF thực hiện.

S4A5324-3959-1562474250.jpg

Lễ công bố Tầm nhìn Chiến lược giai đoạn 2020-2025 của SVF

Theo ông Phạm Duy Hiếu thì quỹ này đã có thể giúp các tỉnh tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp tương đối hoàn chỉnh, bắt đầu từ “cầm tay chỉ việc” cho các bạn trẻ chưa biết gì có thể thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp, sau đó cung cấp họ họ mentor, các mối quan hệ, các quỹ đầu tư… để các startup non trẻ đó có thể lớn lên và trưởng thành.

Khác với các quỹ về khởi nghiệp khác, SVF không quan tâm nhiều đến các startup ở các thành phố lớn hay về mảng công nghệ - thông tin, những lĩnh vực khởi nghiệp được cho là tăng trưởng nhanh và mạnh  mà họ chủ yếu để ý đến lĩnh vực nông nghiệp.

Một trong số những startup bứt phá nhờ sự hỗ trợ của quỹ SVF là Công ty Emmay với thương hiệu Nấm Tươi Cười. Chị Phạm Hồng Vân - nhà sáng lập và CEO Nấm Tươi Cười chia sẻ những khó khăn phải trải qua mà khó khăn nhất chính là rèn luyện được cho chính bàn thân mình bỏ đi sự rụt rè, tự ti. Học các kỹ năng truyền đạt, làm việc theo nhóm và kỹ năng lãnh đạo. Chị cho biết đã từng đi khắp Việt Nam để nói lên những khó khăn trong vận hành một startup agritech.

Nhiều quỹ khởi nghiệp đã lắc đầu từ chối dự án bởi cho rằng trồng nấm là không theo xu thế, khó tạo ra lợi nhuận. Startup Vietnam Foundation đã đón nhận ý tưởng của chị Vân, hỗ trợ chị trong nhiều khía cạnh để đi đến thành công của Nấm nụ cười - dự án khởi nghiệp nông nghiệp hôm nay.

pham-hong-van-5622-1562474251.jpg

Chị Phạm Hồng Vân- Dự án khởi nghiệp Nấm nụ cười

"Mỗi cá nhân, tổ chức đều có tài năng, giá trị và khát khao riêng. SVF mong muốn sẽ trở thành cầu nối để tạo nên nguồn năng lượng chung hướng tới giấc mơ Việt Nam tỏa sáng trên bản đồ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thế giới", ông Phạm Duy Hiếu chia sẻ.

"Những nhà sáng lập đã lập ra quỹ này nhằm hướng tới hai mục tiêu chiến lược với tỷ trọng hỗ trợ nông nghiệp 80%, còn 20% ở các lĩnh vực khác. Mà muốn khởi nghiệp về nông nghiệp thì phải về nơi có chuồng trại, cánh đồng, đất đai…như các tỉnh thành chuyên về nông nghiệp”, ông Phạm Duy Hiếu cho biết.

Mở rộng về các địa phương

Ba cách tiếp cận của Startup Vietnam Foundation là tạo ra tác động lên hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ chắp cánh cho các công nghệ mang tính cạnh tranh và kết nối đầu tư. Các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ tài chính, thương mại và mạng lưới đầu tư sẽ được chú trọng hỗ trợ.

Với mục tiêu chiến lược đó Quỹ tập trung mở rộng ra các địa phương bên cạnh các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. "Không có nền kinh tế, địa phương không thể tạo ra giá trị. Do đó chúng tôi sẽ mang đến các địa phương nguồn lực, mô hình để từng địa phương có khả năng xây dựng “khu rừng” cho riêng mình", ông Nguyễn Duy - Giám đốc vận hành SVF nói.

Trong số 7 tỉnh thành đã ký kết với Quỹ là Đồng Tháp, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam, Đắk Lắk, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi. Trong đó hai địa phương là Đồng Tháp và Huế, Quỹ đã triển khai sâu rộng nhất được hoạt động và có nhiều khởi nghiệp thành công. 

Với sứ mệnh "Cho bạn, cho Việt Nam", SVF cam kết hỗ trợ và kết nối các thành tố trong và ngoài nước bao gồm các cơ quan Chính phủ, các tổ chức giáo dục, các đơn vị ươm tạo, tăng tốc khởi nghiệp, cộng đồng, các startup và SME trong mọi giai đoạn, các nhà cố vấn, nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Đồng Tháp là địa phương đầu tiên ký kết hợp tác. Lãnh đạo tỉnh đã ủng hộ và hỗ trợ các công tác triển khai, phát triển và nhân rộng mô hình startup của SVF đến các đơn vị khởi nghiệp trong địa bàn tỉnh và thực sự hoạt động khởi nghiệp ở Đồng Tháp dưới sự hỗ trợ của SVF đã có những thành quả nhất định. Từ năm 2019, Đồng Tháp luôn là đơn vị tiêu biểu cho phong trào startup trong cả nước và đã vượt lên đứng thứ hai về chỉ số năng lực cạnh tranh PCI, theo số liệu của SVF. SVF cũng tính ra cứ sau mỗi chuyến viếng thăm của SVF, Đồng Tháp có khoảng trên dưới 100 doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời.

"Chúng tôi rất tự hào về những điều giới trẻ làm được hiện nay. Tầm nhìn và những khát khao của SVF đã truyền cảm hứng và hỗ trợ đắc lực cho các đơn vị khởi nghiệp của tỉnh", ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp phát biểu.

Ông Phan Thiên Định - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, nhờ tác động của Quỹ, Huế cho thực hiện đồng loạt và hoạt động mạnh các phong trào khuyến khích khởi nghiệp, đơn cử ở Đại học Huế. "Nếu đơn vị khởi nghiệp dạng nhỏ thì sẽ có những hình thức hỗ trợ, khi đã vững mạnh thì sẽ tiếp tục nhân rộng", ông Định nhấn mạnh.

Sau Lễ công bố Tầm nhìn Chiến Lược giai đoạn 2020-2025, SVF tiếp tục bố hàng loạt dự án có quy mô toàn quốc nhằm tạo nên những tác động đồng loạt và mạnh mẽ lên hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Theo kế hoạch, Startup Vietnam Foundation sẽ triển khai bốn nhánh chương trình trên quy mô toàn quốc để nâng cao năng lực khởi nghiệp Việt. Trong đó gồm EDP - phát triển doanh nhân khởi nghiệp, NISD - phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, VNES - xây dựng mạng lưới tình nguyện viên hỗ trợ khởi nghiệp và IE - chắp cánh đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khát vọng tỏa sáng startup Việt trên bản đồ thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO