Trò chơi cảm xúc

DEREK MILROY (LÊ TÂM dịch)/DNSGCT| 01/03/2014 06:30

Với tôi, xem game show này quả là một trải nghiệm vừa xúc động, vừa kỳ lạ bởi dù không hiểu ngôn ngữ, tôi vẫn cảm nhận được thông điệp của trò chơi.

Trò chơi cảm xúc

Các trò chơi truyền hình có vẻ như đang chiếm lĩnh màn ảnh nhỏ.

Sau khi game show “Người giấu mặt” (phiên bản Việt của trò Big Brother) kết thúc với giải thưởng là căn hộ trị giá 2 tỉ đồng cho người chiến thắng, công chúng lại có dịp theo dõi một game show mới mang tên “Đừng để tiền rơi”. Khoản tiền thưởng lớn của các trò chơi này có lẽ là một trong những yếu tố tạo nên sức hút với khán giả.

Không riêng gì ở Việt Nam, mọi người khắp nơi trên thế giới đều thích xem những trò chơi truyền hình. Với khán giả, các thí sinh của game show trở thành những người bạn thân quen. Người xem bị cuốn hút vào các trò chơi, cùng buồn cùng vui với các thí sinh. Thật thú vị khi những người theo dõi chương trình cùng gào lên: “Không, anh ta nhầm rồi!”. Những trò chơi truyền hình đem lại cho khán giả những trải nghiệm như chính mình đang tham gia trò chơi.

Tôi nhớ những tối thứ Bảy quay về nhà để xem những chương trình như “Hãy chọn giá đúng” phát sóng ngay sau bữa tối. Cả gia đình tôi đều theo dõi trò chơi một cách rất tập trung. Thời gian như dừng lại. Ngay cả các bộ phim truyền hình cũng không khiến mọi người có những giây phút hồi hộp như vậy.

Trò chơi truyền hình từng thành công nhất ở Anh là trò “Ai là triệu phú”. Người thiết kế ra trò chơi này đã thật sự nắm bắt được khoảnh khắc một cách hoàn hảo. Lần đầu tiên trò chơi này được phát sóng ở Anh, tất cả mọi người đều xem. Thậm chí có người ghi băng để xem lại.

Nghe tên trò chơi có vẻ dễ dàng nhưng tôi chắc chắn khi ngồi trên ghế nóng người chơi sẽ không thấy dễ chút nào, đặc biệt khi mà bạn có thể mất đi một khoản tiền rất lớn nếu thua ở vòng tiếp theo.

Những trò chơi truyền hình kể trên đều rất thu hút nhưng quả thật chưa có trò chơi nào làm tôi xúc động như trò “Vượt lên chính mình” của Việt Nam. Gần đây tôi mới biết đến trò chơi truyền hình này khi xem TV cùng mọi người bên gia đình vợ. Điểm khác của trò chơi này so với những game show khác là giải thưởng tiền mặt có vẻ khá ít ỏi. Tuy vậy, điều này không làm ảnh hưởng đến sức hút của trò chơi.

Theo dõi trò chơi truyền hình này, tôi vẫn trải qua những giây phút vô cùng hồi hộp. Có lúc thời gian dường như dừng lại để rồi những cảm xúc vỡ òa trong khoảnh khắc người chơi giành chiến thắng. Ý nghĩa của trò chơi này nằm ở chỗ giúp cho những người nghèo nhận được giải thưởng.

Sự quyết tâm của những người tham gia và những giọt nước mắt vui sướng của họ làm cho tôi rất xúc động. Dù chỉ vài triệu đồng, nhưng với những gì họ thể hiện trên nét mặt, tôi có cảm giác phần thưởng họ nhận được lớn lao như vài triệu đô. Trong khi một số trò chơi truyền hình chủ yếu mang tính giải trí và người xem chỉ quan tâm đến việc thí sinh kiếm được bao nhiêu tiền thì trò “Vượt lên chính mình” thu hút khán giả ở những niềm hy vọng và hạnh phúc mà nó đem lại.

Với tôi, xem game show này quả là một trải nghiệm vừa xúc động, vừa kỳ lạ bởi dù không hiểu ngôn ngữ, tôi vẫn cảm nhận được thông điệp của trò chơi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trò chơi cảm xúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO