Chuyên đề

Hướng đến một TP.HCM xanh, sạch và đáng sống

Hồng Nga 08/02/2024 11:00

Tăng trưởng xanh là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn, là chiến lược phát triển tương lai và TP.HCM đang có nhiều cơ hội tăng trưởng tương xứng với vị thế đầu tàu cả nước, một thành phố xanh, sạch và đáng sống trong khu vực.

1. Nhiều thách thức lắm cơ hội

Là đô thị lớn nhất nước nhưng TP.HCM cũng là địa phương đối diện nhiều thách thức lớn bởi biến đổi khí hậu, phát thải và không có con đường nào khác để phát triển nếu không đầu tư phát triển tăng trưởng xanh.

TP.HCM chọn tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển tương lai, ưu tiên hàng đầu nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường, hướng đến nền kinh tế xanh, trong hòa carbon. TP.HCM cũng tham vọng giảm 10% phát thải CO2 nhưng lại gặp nhiều thách thức do biến đổi khí hậu. Trung bình mỗi năm, các nhà máy, phương tiện vận chuyển… tại TP.HCM thải ra môi trường hơn 60 triệu tấn CO2. Các thống kê còn cho thấy, có đến 65% diện tích ở TP.HCM có độ cao dưới 1,5m, tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số làm tăng sức ép lên khu vực xanh. Tình trạng ngập lụt đang gây thiệt hại rất lớn cho kinh tế TP.HCM, có thể đến 250 triệu USD/năm và tăng lên qua từng năm.

3170ede8e29248cc1183.jpg

Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, năm 2023, TP.HCM thuộc những địa phương có mức tăng trưởng cao nhất nhưng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu vẫn là chôn lấp. Chỉ khoảng 12,8% nức thải đô thị được xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường. Chưa kể do nhu cầu phát triển, tập trung dân cư đông, hiện TP.HCM có hơn 8 triệu xe gắn máy và khoảng 1 triệu xe ô tô đang lưu thông, chiếm đến 90% tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông.

Theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, trong quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh đã làm tăng lượng phát thải nhà kính đồng thời làm giảm khả năng chống chịu TP.HCM. Không chỉ vậy, TP.HCM còn đối diện với những thách thức về tài chính, về xuất khẩu… Các ngành dệt may, da giày… xuất khẩu đang giảm do tác động từ kinh tế toàn cầu. Hiện một số đối tác nước ngoài đã chuyển dịch hợp đồng sang Bangladesh khi quốc gia này đưa ra các cam kết về giảm phát thải carbon. Trong trung và dài hạn, Việt Nam có nguy cơ mất dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao khi các nhà nhập khẩu toàn cầu chuyển hướng ưu tiên sang chuỗi cung ứng bền vững.

Trong lĩnh vực điện năng lượng tái tạo, ông Phan Ngọc Ánh - Giám đốc Công ty CP Năng Lượng Mới Alena, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Năng lượng mới TP.HCM cho rằng, hiện TP.HCM có rất nhiều vấn đề cần giải quyết liên quan đến giao thông, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường thoát khí từ các phương tiện giao thông. Đơn cử, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, một xe máy di chuyển 10.000km/năm sẽ phát thải 625kg CO2/năm. Nếu chúng ta chuyển đổi sang 10.000 xe điện/năm sẽ giảm 6.250 tấn CO2, nếu chuyển đổi 100.000 xe máy điện/năm sẽ giảm được 62 triệu tấn CO2/năm. Đây là con số rất lớn với TP.HCM. Vì vậy, để góp phần giải quyết những vấn đề ô nhiễm môi trường, giảm phát thải thì phát triển xe điện là một trong những giải pháp hữu hiệu. TP.HCM phải xây dựng các trạm sạc pin cho xe điện và xe máy có thể đổi pin mà không cần sạc. Các trạm sạc sử dụng điện mặt trời để sạc pin, đảm bảo nguồn điện gốc sử dụng điện sạch 100%.

Theo bà Mai, với những thách thức đang gặp phải, TP.HCM xác định cấp thiết chuyển đổi tiến đến tăng trưởng xanh và bền vững. Hiện thành phố tập trung phát triển 4 nhóm liên quan đến chính sách và nguồn lực. Trong đó tập trung vào nhóm chính sách phát triển giao thông xanh, đô thị xanh, đổi mới khoa học công nghệ. Đặc biệt là đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp, chíp, pin công nghệ mới…

bs1.jpg

Tuy nhiên, TP.HCM cũng đang đứng trước cơ hội để chuyển đổi phát triển tăng trưởng xanh nhờ vào Nghị quyết 98. Cũng theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Nghị quyết 98 cho phép Thành phố ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiện liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, thu mua và đổi phương tiện gao thông cũ sang phương hiện giao thông mới sử dụng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm môi trường. Nghị quyết cũng cho phép Thành phố hạn chế hoạt động phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng nhiên hóa thạch tham gia giao thông. Đây là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư phát triển các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch (xe chạy điện, xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro…). Các chính sách này cũng giúp thành phố chủ động linh hoạt trong việc triển khai các thủ tục đầu tư công - tư (PPP) nhằm thu hút vốn đầu tư ngoài nhà nước, trong đó có đầu tư nước ngoài. Nghị quyết 98 cũng cho phép TP.HCM được quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật - xã hội đối với khu vực đô thị hiện hữu cũng như tạo nguồn thu từ tín chỉ carbon. Nguồn thu này Thành phố được hưởng 100%.

2. Những dự án nghìn tỷ phát triển tăng trưởng xanh

Để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh nhằm nâng cao năng lực doanh nghiệp trên thị trường quốc tế, trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư toàn cầu, TP.HCM đã ban hành danh mục 28 dự án kêu gọi đầu tư với vốn mỗi dự án lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Hiện TP.HCM đã xây dựng các chính sách liên quan đến phát triển giao thông xanh, phát triển đô thị xanh thông qua thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng, đổi mới khoa học và công nghệ phục vụ tăng trưởng xanh cũng như huy động nguồn lực thực hiện. Các hình thức thu hút mời gọi đầu tư cho các dự án được triển khai theo hình thức PPP (công - tư phối hợp), BT (xây dựng - chuyển giao), phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120%.

Trong danh mục 28 dự án TP.HCM kêu gọi đầu tư lần này có 6 dự án liên quan đến công nghệ cao gồm 5 dự án trong lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học với tổng vốn gần 4.400 tỷ đồng. Riêng dự án trung tâm dữ liệu (Data center) có vốn đầu tư 6.900 tỷ đồng. Ngoài những dự án trên, Thành phố cũng kêu gọi đầu tư vào một số dự án tại khu đô thị mới Thủ Thiêm như Khu trung tâm tài chính thương mại dịch vụ tổng hợp và dân cư đa chức năng 7,7 ha có tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, dự án phức hợp trung tâm hội nghị triển lãm với vốn đầu tư hần 1.700 tỷ đồng, dự án quảng trường trung tâm và công viên bờ sông có vốn gần 5.500 tỷ đồng, dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13 với tổng vốn đầu tư gần 14.000 tỷ đồng, dự án cầu Cần Giờ hơn 10.500 tỷ đồng, dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc bài gần 20.000 tỷ đồng…

advertorial-1-3489.jpeg

Theo TS. Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP), với vai trò là đầu tàu kinh tế cả nước, yêu cầu đặt ra với TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là phải lựa chọn các sản phẩm và công đoạn có giá trị gia tăng cao tham gia vào huỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Việc mời gọi đầu tư phát triển ngành vi mạch bán dẫn sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và kiến tạo động lực tăng trưởng mới cho thành phố. Hiện các khu đất tại SHTP đều là đất “sạch” và có đầy đủ hạ tầng như đường giao thông, điện nứuc, viễn thông… Khi nhà đầu tư vào có thể khởi công xây dựng nhà máy được ngay. Bên cạnh những dự án nghìn tỷ, SHTP đang đề xuất và triển khai thí điểm các cơ chế, chính sách liên quan đến mua bán điện trực tiếp, triển khai các công trình năng lượng mặt trời áp mái, mua bán tín chỉ carbon…

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TP.HCM, Công ty Samsung Electronics HCMD CE Complex (SEHC) cho biết muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư điện mặt trời áp mái sau khi đã lắp pin mặt trời cho nhà máy tại khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP). “Chúng tôi muốn có những dự án điện mặt trời mái nhà quy mô lớn để hợp tác và có những hướng dẫn chính sách cụ thể hôn trong lĩnh vực này để tham gia”, đại diện SEHC cho biết.

Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) muốn hợp tác phát triển mô hình đô thị lân cận các nhà ga Metro (TOD). Trong khi đó, công ty CP năng lượng mới Alena muốn được phát triển hệ thống trạm đổi pin xe điện sạc bằng năng lượng mặt trời. Theo ông Phạn Ngọc Ánh, hiện công ty đã cung cấp các chứng nhận chứng chỉ năng lượng tái tạo cho các tập đoàn đa quốc gia. Bên cạnh đó, công ty có thể đăng ký các tín chỉ năng lượng tái tạo, tín chỉ CO2 và có thể phối hợp với TP.HCM hay Ngân hàng Thế giới để thương mại hóa tín chỉ này. Việc thương mại hóa tín chỉ REC có thể mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và TP.HCM.

Trong vai trò đồng hành với TP.HCM thực hiện chiến lược phát triển kinh tế giảm phát thải, Ngân hàng Thế giới cam kết hỗ trợ TP.HCM tiếp cận nguồn tài chính, thu hút nguồn lực nước ngoài để giảm phát thải carbon. “Thị trường tín chỉ carbon là một nguồn lực tốt và hy vọng TP.HCM có thể bán được tín chỉ trên thị trường carbon tự nguyện. Ngân hàng Thế giới muốn giúp TP.HCM tổng hợp lại các tín chỉ cácrbon, tạo khối lượng đủ lớn đem giao dịch quốc tế”, bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương khẳng định.

3. Nhiều giải pháp đồng bộ

Điều kiện, cơ hội để phát triển tăng trưởng xanh đã sẵn sàng và giờ TP.HCM đang tổng lực đưa những giải pháp hữu hiệu vào thực tiển.

Bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho rằng, mục tiêu giảm 10% phát thải CO2 của TP.HCM là tham vọng có thể thực hiện được với chiến lược phù hợp. Ngân hàng Thế giới đồng hành với TP.HCM thực hiện chiến lược phát triển kinh tế giảm phát thải. Nhóm công tác chung giữa TP.HCM và Ngân hàng Thế giới đã tạo được một số kết quả, như gói đầu tư 650 triệu USD cho một chương trình dài hạn 10 năm, chương trình đầu tư nâng cấp tài sản công, triển khai chương trình quản lý ngập tích hợp…

bs2.jpg

Bên sự đồng hành của Ngân hàng Thế giới, chuẩn bị đà cho phát triển tăng trưởng xanh, các cơ quan ban ngành của TP.HCM cũng đã xây dựng nhiều giải pháp thực hiện. TS. Trương Minh Huy Vũ - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho cho biết, khung chiến lược và chính sách phát triển kinh tế xanh TP.HCM đến năm 2030 được Thành phố xây dựng với 6 nhóm giải pháp. Đó là nhóm giải pháp về nguồn lực (tài chính xanh và nguồn lực chất lượng xanh), về kết nối và hợp tác xanh (mạng lưới hệ thống thông tin, dữ liệu, chương trình thu hút đầu tư…), về tài nguyên (năng lượng sạch và xanh), về hành vi (tiêu dùng xanh và giao thông xanh), về tòa nhà xanh và hiệu quả năng lượng (công trình xanh, thu gom và trao đổi các sản phẩm tiêu thụ điện kém hiệu quả…) và giải pháp kinh tế trọng tâm (sản xuất xanh và công nghệ cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo…).

Nhóm công tác chung TP.HCM - Ngân hàng Thế giới ra mắt hồi tháng 3/2022. Có 8 lĩnh vực ưu tiên hợp tác giữa hai bên gồm chuyển đổi số, quan hệ đối tác công tư, phát thải carbon thấp, kinh tế tuần hoàn, phân cấp nguồn thu ngân sách nhà nước - tạo nguồn lực tài chính - quản lý tài sản công, quản lý ngập đô thị, quy hoạch và đầu tư phát triển TP. Thủ Đức, giao thông đô thị.

Với nhóm phát triển hành vi, Thành phố sẽ thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng. Ngoài ra, Thành phố cũng sẽ tập trung phát triển nhà ở xã hội và chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn. vơi nhóm đổi mới khoa học, công nghệ để phục vụ tăng trưởng xanh, Thành phố sẽ cho thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo… Thành phố cũng sẽ miễn thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thành phố cũng hỗ trợ không hoàn lại đối với chi phí ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo.

TS. Trương Minh Huy Vũ cho biết, Viện đã đề xuất cơ chế hợp tác 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà đầu tư) để nâng cao giá trị, phát triển bền vững kinh tế xanh. Với những giải pháp hỗ trợ thiết thực, TP.HCM nếu không đi đầu về các dự án xanh, ý tưởng về xanh, thí điểm về xanh sẽ không thể nào thu hút được các nguồn lực lớn, xu thế của thế giới về xu hướng tăng trưởng xanh.

Ông Marc Forni - chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho rằng, Thành phố cần đóng vai trò tổng hợp các hoạt động giảm phát thải carbon của cả khu vực công và tư nhân để tạo quy mô đủ lớn tham gia vào thị trường carbon quốc tế tự nguyện, góp phần tăng tính khả thi về mặt tài chính và triển khai cho các giải pháp giảm phát thải. Dự án đô thị carbon thấp tại TP.HCM trong lĩnh vực ưu tiên đã xây được xây dựng trong 18 tháng qua trên cơ sở phân tích APEX được thực hiện trong giau đoạn đầu của nhóm công tác chung giữa TP.HCM và Ngân hàng Thế giới. Dự án với các giải pháp đơn giản có thể nhân rộng và thực hiện trên quy mô lớn như nâng cấp lên đèn đường LED, lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái cho các tài sản công và tư nhân, trang bị thêm thiết bị tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà công và tư nhân, nâng cấp lên phương tiện giao thông chạy bằng điện…

Các dự án, chương trình cụ thể được hai bên hợp tác triển khai gồm Chương trình đô thị carbon thấp trong một số lĩnh vực ưu tiên của TP.HCM, Dự án quản lý rủi ro ngập lụt tích hợp cho khu vực lõi đô thị TP.HCM, Chuỗi dự án phát triển có khả năng chống chịu lũ lụt của TP. Thủ Đức, Chương trình đầu tư hệ thống giao thông đô thị tích hợp…

Trong vai trò một nhà đầu tư, ông Phan Ngọc Ánh cho rằng, để chiến lược tăng trưởng xanh thành công, TP.HCM cần giải pháp đồng bộ trong triển khai. Trong đó, “Thành phố cần quy hoạch thiết bị để phát triển nhanh ý tưởng trạm đổi pin điện và gắn điện mặt trời đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất cho các doanh nghiệp tư vấn phát triển xe điện và các trạm trạm, lắp đặt điện mặt trời. Điều này sẽ giúp cho TP.HCM chuyển đổi năng lượng xanh, tận dụng để phát triển kinh tế xanh mạnh mẽ hơn”, ông Phan Ngọc Ánh đề xuất.

4. Phát triển bền vững cần nỗ lực chung của toàn chuỗi giá trị

Với mục tiêu hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đang thể hiện rõ nét quyết tâm đẩy mạnh phát triển bền vững, cụ thể là ở khía cạnh giảm phát thải carbon. Mục tiêu này sẽ cần tới nỗ lực chung của tất cả các bên, nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và mỗi người dân.

4097a658b6221c7c4533.jpg

Là một nhà cung cấp nguyên liệu thô đầu vào cho gần như mọi ngành sản xuất khác nhau, chúng tôi xác định rõ tính bền vững trong sản xuất và sản phẩm của mình có ý nghĩa to lớn đối với tính bền vững của cả chuỗi giá trị tiếp theo, cũng như sản phẩm đầu ra của khách hàng. Tập đoàn BASF cũng đặt ra mục tiêu tương tự, đưa phát thải của mình về 0 vào năm 2050. BASF nỗ lực giảm phát thải carbon trong quy trình sản xuất, cũng như cho các sản phẩm của chúng tôi, từ đó góp phần cải thiện mức phát thải của các khách hàng và đối tác. BASF được công nhận khắp toàn cầu là công ty đạt vị trí hạng A, dẫn đầu trong nỗ lực giải quyết biến đổi khí hậu, theo đánh giá của CDP (Climate Disclosure Project). Chúng tôi thực hiện điều này qua việc ứng dụng công nghệ và quy trình sản xuất mới có phát thải thấp để thay thế nhiên liệu hóa thạch (ví dụ như khí đốt tự nhiên) và sử dụng năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, cần có sự chung sức của đa bên nhằm tăng cường nhận thức và thúc đẩy hợp tác để biến phát triển bền vững thành hiện thực. Đó là lý do BASF hợp tác chặt chẽ với khách hàng, nhà cung cấp và đối tác trong ngành để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nhằm cùng nhau thúc đẩy chủ đề này.

Đối với các nhà cung cấp, chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2025 đánh giá tính bền vững cho 90% chi tiêu liên quan của Tập đoàn BASF và hy vọng 80% nhà cung cấp của mình cải thiện hiệu suất bền vững của họ. Chỉ tới năm 2021, 85% chi tiêu toàn cầu của chúng tôi đã được đánh giá và 74% nhà cung cấp đã thực hiện cải thiện. Tại Việt Nam, chúng tôi thực hiện đào tạo định kỳ cho các nhà cung cấp dịch vụ logistics (LSP) về an toàn sản phẩm và an toàn vận chuyển. Kế hoạch sắp tới là thảo luận và thống nhất các mục tiêu bền vững với họ.

Hợp tác cùng các doanh nghiệp khác, chúng tôi là đồng sáng lập Liên minh chấm dứt rác thải nhựa (AEPW). Nhiệm vụ chung của liên minh là giúp giải quyết một trong những vấn đề đầy thách thức - rác thải nhựa, với dự án tiêu biểu “Thành phố sạch vì một Việt Nam xanh” tại Hà Nội và TP.HCM. BASF cùng một số thành viên khác đóng vai trò cố vấn kỹ thuật cho dự án, giúp tìm ra và hiện thực hóa các giải pháp đẩy mạnh thu gom và phân loại sơ bộ, và thải loại hợp qui, thông qua đầu tư hạ tầng, đổi mới sáng tạo, cũng như giáo dục tuyên truyền trong giai đoạn 2024-2027 (có tính đến yêu cầu của EPR - Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất). Chúng tôi hy vọng dự án sẽ nhận được sự ủng hộ quý báu của các cấp lãnh đạo thành phố, giúp sớm đạt mục tiêu giảm 15 đến 20% ô nhiễm rác thải nhựa tại hai thành phố. BASF cũng là thành viên của Together for Sustainability (TfS - Đồng hành vì phát triển bền vững), nơi các công ty hóa chất chia sẻ trách nhiệm trong việc giảm khí nhà kính trong ngành hóa chất, đặc biệt là Phạm vi 3 (nguyên liệu thô đầu vào).

5d54091f1865b23beb74.jpg

Ngoài ra, chúng tôi hợp tác với các hiệp hội doanh nghiệp như Tiểu ban Tăng trưởng xanh thuộc Eurocham Việt Nam, Diễn đàn kinh doanh Việt Nam (VBF) hay Hội đồng trách nhiệm xã hội tự nguyện của các doanh nghiệp hóa chất Việt Nam (VRCC) nhằm cập nhật thông tin, thúc đẩy và đồng hành tới phát triển bền vững. BASF là một trong những thành viên tích cực tham gia chia sẻ, đóng góp kinh nghiệm và ý kiến trong các buổi nói chuyện chuyên đề hay các hoạt động đóng góp xây dựng chính sách. Chúng tôi đề xuất nên tăng cường hơn nữa trao đổi thông tin, đối thoại thường xuyên giữa khối nhà nước và các tổ chức doanh nghiệp như trên. Chúng tôi cũng mong có định hướng, ưu tiên rõ ràng và lộ trình thực tế hơn nữa để hỗ trợ cho tăng trưởng xanh, đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp các giải pháp bền vững theo tiêu chuẩn châu Âu và quốc tế. Chính sách cần kết hợp việc khuyến khích đầu tư, quy định pháp lý, cũng như các ưu đãi thương mại. Ví dụ: các công nghệ phát thải carbon thấp sẽ chỉ trở nên khả thi về mặt kinh tế nếu chính sách khuyến khích và ưu đãi những thay đổi đó.

Một điểm nhấn trong công tác kết nối và nâng cao nhận thức của chúng tôi tại Việt Nam là chuỗi hội thảo với các đối tác trong và ngoài ngành nhằm giới thiệu các giải pháp đa dạng có thể giảm phát thải, giảm phụ thuộc nguyên liệu dầu mỏ, tăng tính tuần hoàn, từ đó hướng tới Net Zero ra sao. Liên tục trong những năm trở lại đây, chúng tôi đã cùng khách hàng và đại lý phân phối trong các ngành dược phẩm, mỹ phẩm, hóa dầu, hay ô tô xe máy, tìm hiểu những giải pháp tiên tiến này và bàn bạc phương hướng hợp tác nhằm giúp họ xúc tiến việc chuyển đổi theo hướng bền vững nhanh hơn, hiệu quả hơn. Rất nhiều khách hàng, cả công ty trong nước và đa quốc gia, đã thể hiện sự quan tâm tới khung chiến lược bền vững cũng như các giải pháp tiên tiến của chúng tôi.

Không một tổ chức hay doanh nghiệp đơn lẻ nào có thể tự mình giải quyết hiệu quả các thách thức biến đổi khí hậu. Chúng ta cần nỗ lực tập thể và nâng cao nhận thức của cộng đồng để thúc đẩy và đồng hành phát triển xanh. Đặc biệt, vai trò của Nhà nước, các doanh nghiệp đầu ngành và báo chí sẽ mang lại sự khác biệt cho công tác thực hiện.

Erick Contreras - Tổng giám đốc BASF Việt Nam

Thảo Minh (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hướng đến một TP.HCM xanh, sạch và đáng sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO