Chuyên đề

Gỡ vướng và tạo niềm tin

Ý Nhi - Hồng Nga - Phan Hải 10/06/2024 - 17:37

Ngay tuần đầu tiên của Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, có ý kiến rằng: “Người ta như vũ bão, còn ta cái gì cũng xin - cho, cứ đá lên, đá xuống rồi vòng qua, vòng lại rất lâu, thì nhà đầu tư người ta đi nước khác”. Dù điểm vướng không mới nhưng vẫn mang tính thời sự và chứa đựng sự sốt ruột khi kế hoạch 5 năm (2021-2025), theo Nghị quyết của Quốc hội phải đạt mục tiêu GDP là 6,5 - 7%. Vậy hai năm 2024 và 2025, chúng ta sẽ phải đột phá như thế nào? Câu trả lời vẫn là: Phải gỡ vướng và tạo niềm tin.

tphcm.jpg

1.Đầu tư công: Cần gỡ vướng

TP.HCM xác định gỡ vướng, gỡ khó để đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công và xem đó là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, nếu không sẽ là một trong những nguyên nhân hãm đà tăng trưởng kinh tế.

Năm 2024, TP.HCM được giao 79.263 tỷ đồng vốn đầu tư công, cao nhất từ trước đến nay. Lãnh đạo Thành phố xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 và đã yêu cầu các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức, các chủ đầu tư triệt để thực hiện công việc này, trong đó, tập trung hoàn thành các thủ tục đầu tư, giải quyết vướng mắc, tăng tốc để đảm bảo mục tiêu đề ra.

Từ đầu năm đến nay, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ban hành 5 văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Đồng thời lãnh đạo Thành phố cũng đã ban hành chương trình hành động thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, cụ thể hóa nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị tham gia trong lĩnh vực này gắn với trách nhiệm quản lý, thực hiện.

Xác định nhiệm vụ quan trọng như vậy nên trong các phiên họp thường kỳ về kinh tế - xã hội hằng tháng, lãnh đạo Thành phố luôn xếp nội dung về giải ngân vốn đầu tư công là vấn đề quan trọng nhất phải tập trung thảo luận. Người đứng đầu Thành phố cũng luôn nhấn mạnh việc giải giải ngân vốn đầu tư công không chỉ là “vốn mồi” mà còn làm kinh tế tăng trưởng nhanh.

Năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM được xếp vào loại thấp nhất cả nước, được giao 68.634 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân được hơn 1.600 tỷ đồng. Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM trong cuộc họp cuối năm 2023 cho biết, nguyên nhất lớn nhất dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công là chưa tính toán kỹ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Có đến ba nhóm dự án với tổng vốn giải phóng mặt bằng gần 17.000 tỷ đồng (chiếm 25% tổng vốn giai năm 2023) không thể giải ngân được.

Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm 2024, TP.HCM xác định đúng mục tiêu và tập trung vào các nhóm giải pháp chính như rút ngắn thời gian làm thủ tục và phê duyệt dự án đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Ngay từ đầu năm, lãnh đạo Thành phố đã đặt mục tiêu giải ngân 10-20% vốn đầu tư công trong quý I và 30% trong quý II.

Thế nhưng đến nay, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM cũng vẫn ì ạch. Tính đến hết tháng 5/2024, Thành phố mới đạt chỉ tiêu của quý I khi giải ngân được hơn 10.895 tỷ đồng, bằng 13,7% kế hoạch. Nguyên nhân được các chủ đầu tư lý giải là do thiếu nguồn cát xây dựng, khó khăn trong giải phóng mặt bằng.

Một số lý do khiến các dự án đầu tư công của TP.HCM chậm:

- Công tác giải phóng mặt bằng;

- Năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu;

- Hạn chế trong giải quyết các thủ tục hành chính;

- Bố trí vốn không kịp thời...

Trong cuộc họp về kinh tế - xã hội cuối tháng 5 vừa qua, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết, kế hoạch đề ra tiến độ kèm theo một số điều kiện cụ thể nhưng trên thực tế không đáp ứng được những điều kiện đó nên giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 quá chậm.

Để không “dậm chận” như năm 2023, người đứng đầu chính quyền Thành phố đề nghị phải rà soát lại tất cả các dự án có vốn đầu tư công, nếu nhà thầu nào không đáp ứng sẽ có biện pháp xử lý. Bản thân ông sẽ trực tiếp tham gia giải quyết khó khăn của một số dự án lớn như rạch Xuyên Tâm (5.400 tỷ đồng), Bờ Bắc - Kênh Đôi (2.000 tỷ đồng), đường Vành đai 2 (8.000 tỷ đồng) vì những dự án này đang có tỷ lệ vốn giải ngân rất thấp.

Bên cạnh giải pháp mạnh từ lãnh đạo Thành phố, theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, cần tăng tốc thi công các công trình xây dựng, tăng khối lượng hoàn thành chuyển qua khâu thanh toán vốn. TP.HCM và các địa phương cần phối hợp tháo gỡ vướng mắc, nhất là lượng cát đắp nền bởi đây là nút thắt lớn nhất hiện nay ảnh hưởng đến việc thi công của nhà thầu tại các công trình xây dựng.

Vốn đầu tư công được xem là động lực quan trọng bù đắp tăng trưởng cho các động lực khác. Trong bối cảnh tiêu dùng chậm lại, đầu tư tư nhân chưa khởi sắc, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là trọng tâm để dẫn dắt thị trường. Vì vậy, với quyết tâm của lãnh đạo Thành phố cùng các cơ quan, ban ngành với những giải pháp quyết liệt, hy vọng việc “chạy nước rút” giải ngân vốn đầu tư công không lặp lại như năm qua. Có như vậy, đầu tàu kinh tế cả nước mới tăng tốc về đích.

dau-tu-cong-1.jpg

2. Cuộc “đại phẫu thuật” lấy lại niềm tin

Công cuộc chống tham nhũng hiện nay rất quyết liệt, có thể được ví như cuộc “đại phẫu thuật” những ung nhọt, dù có đau đớn nhưng không thể không tiến hành.

Năm 1986, Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, GDP chỉ khoảng 8 tỷ USD, xếp thứ 9/10 trong khối ASEAN. Đến năm 2023 GDP đạt hơn 432 tỷ USD, gấp 54 lần so với năm 1986. Đặc biệt, giai đoạn 1986 - 2022, Việt Nam lọt top 5 nước có quy mô kinh tế tăng nhanh nhất thế giới.

Cùng với việc phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng, Việt Nam đã hình thành các vùng kinh tế trọng điểm để làm động lực cho phát triển kinh tế vùng, miền và cả nước. Từ một nền kinh tế nông nghiệp, Việt Nam đang công nghiệp hóa, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung nhằm thu hút vốn đầu tư phát triển, đồng thời hình thành các vùng chuyên môn hóa cây trồng, vật nuôi gắn với chế biến công nghiệp. Những thành tựu đó là rất to lớn, làm thay đổi bộ mặt đất nước và đời sống người dân từ thành thị đến nông thôn.

“Công cuộc chống tham nhũng làm sạch bộ máy sẽ là quá trình tất yếu để đào thải những cái xấu ra khỏi hệ thống công quyền. Niềm tin xã hội là động lực tư tưởng, tinh thần, đạo đức của sự phát triển đất nước. Công cuộc chống tham nhũng là cần thiết để xây dựng lại và phát huy vai trò của niềm tin xã hội. Sau công cuộc này chắc chắn Việt Nam sẽ có một bộ máy hành chính tốt hơn, hiệu quả hơn, đó cũng là cơ hội lớn cho doanh nghiệp”.

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Crystal Bay Group

Nhưng cùng với những thành tựu to lớn ấy, Việt Nam đã bộc lộ những điểm yếu kém của một nền kinh tế đang chuyển đổi. Trong đó tham nhũng là khá phổ biến do hạ tầng pháp lý còn yếu, bộ máy công quyền thiếu chuyên nghiệp, lại lọt quá nhiều cán bộ, công chức chỉ chăm chăm làm giàu riêng để hưởng thụ, nhiều chính sách quan liêu, mâu thuẫn.

Theo Khoản 1, Điều 3, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Tham nhũng là vấn đề rất nghiêm trọng ở Việt Nam, ảnh hưởng rất tiêu cực đến quản lý, giáo dục và thực thi pháp luật. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt Nam năm 2023 đạt 41/100 điểm, xếp hạng 83/180 toàn cầu. Dẫu chỉ số này có được cải thiện qua mấy năm gần đây nhưng vẫn nằm trong số các nước có nhiều tham nhũng nhất.

Tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở hầu hết các ngành, các cấp, từ sử dụng tài sản công, quy hoạch, đất đai, đấu thầu, đấu giá đến mua sắm tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước… với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong dư luận xã hội, tạo nên khủng hoảng lòng tin.

“Trên thương trường, niềm tin là môi trường, là nền tảng cho kinh doanh, là cơ sở để hợp tác đầu tư sinh lợi. Niềm tin xã hội là mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, với chế độ. Khi có niềm tin, người dân sẵn sàng đóng góp nguồn lực cho công cuộc phát triển đất nước, như mua trái phiếu, gửi tiền vào ngân hàng… Khi niềm tin bị suy giảm, hậu quả là sự thờ ơ, hoài nghi, không quan tâm đến các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Người dân gom đất, gom vàng dự trữ, không tham gia đầu tư cũng là cách rơi vào bẫy thu nhập trung bình”.

TS. Nguyễn Thạc Hoát - Nguyên thành viên Hội đồng quản trị Vietinbank

Ý thức sâu sắc vai trò của việc xây dựng bộ máy Đảng và chính quyền trong sạch, lấy lại niềm tin của nhân dân, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 5, Khóa XI (tháng 5/2012) đề ra chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng bí thư làm Trưởng Ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. Thực hiện chủ trương này, ngày 1/2/2013, Ban Chỉ đạo đã được thành lập với thành phần gồm những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan có liên quan của Đảng và Nhà nước. Cũng từ đó, công cuộc chống tham nhũng từng bước đi vào nề nếp, không khoan nhượng, không có vùng cấm.

Trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đến “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững” với tinh thần quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức trong các lĩnh vực; quyết tâm thực hiện không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật; quyết tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm người dân, doanh nghiệp được hưởng thụ thật; quyết tâm phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất trong năm 2024.

Quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ đã truyền cảm hứng đến hệ thống công quyền, lấy lại niềm tin đối với đông đảo dân chúng.

“Khó khăn hơn, nhiều kế hoạch bỏ bị lỡ. Lý do là doanh nghiệp của tôi đang xúc tiến đầu tư phát triển, thủ tục về cơ bản đã hoàn tất, tưởng như được cấp phép đến nơi bỗng dưng phải rà soát lại. Thanh tra, kiểm tra nhiều khiến cán bộ các cấp sợ sai, họ kỹ lưỡng hơn mức bình thường khiến doanh nghiệp phải thêm thời gian chờ đợi. Sự chậm trễ gắn liền với lãng phí nguồn lực, một số cơ hội bị bỏ lỡ”.

Ông Trần Mạnh Hoài - Chủ tịch Phú Đông Group

Công cuộc chống tham nhũng đã đụng chạm tới một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức. Theo báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước đã khởi tố 36 vụ án, trong đó chủ yếu liên quan nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản... Đặc biệt nhiều bị can là cán bộ ngành công an, tòa án, kiểm sát.

Cách chống tham nhũng “không có vùng cấm” đã góp phần lấy lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền. Niềm tin là thành tố quan trọng của ý thức xã hội, thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng của xã hội đối với cá nhân, tổ chức, thể chế về những cam kết xây dựng chính quyền của dân, vì dân, do dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra cách đây gần 80 năm.

Xã hội phát triển được khi có niềm tin, khi niềm tin được tôn trọng. Đó cũng là cách để tiêu cực, tham nhũng không còn đất sống.

3. Gỡ vướng quy định cho doanh nghiệp

“Doanh nghiệp là chủ thể cực kỳ quan trọng. Nếu khu vực này không phát triển, không tăng trưởng, thì chúng ta có thể đảm bảo được đột phá trong tăng trưởng, tăng trưởng có bền vững được không?”.

Trước câu hỏi được đặt ra kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói rằng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ làm việc không có ngày nghỉ và tất cả cuộc họp đều đã chạm tới các vấn đề cốt lõi của nền kinh tế. Không có một khó khăn nào không được đặt lên bàn nghị sự của Chính phủ và Quốc hội luôn đồng hành để tháo gỡ cho bằng hết những khó khăn được cơ quan hành pháp đề xuất.

Thế nhưng, vẫn còn đó những rào cản đối với sự phát triển, là niềm tin của thị trường, là tâm lý của xã hội và tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ, công chức. Muốn gỡ được rào cản đó, thì cải cách thể chế không chỉ tập trung giải quyết các ách tắc, vướng mắc hiện tại, mà còn phải tạo được điều kiện để cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Trên các diễn đàn hội thảo của doanh nghiệp từ đầu năm đến nay, hầu hết đều chung nỗi lo, tình hình sản xuất kinh doanh còn gặp rất nhiều khó khăn, sức khỏe của doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ, tháo khó.

Công bố của Tổng cục Thống kê cho biết, 5 tháng đầu năm 2024, có 97,3 nghìn doanh nghiệp làm thủ tục giải thể, tạm ngừng sản xuất, kinh doanh.

Đại diện một doanh nghiệp cho hay các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do môi trường bên ngoài biến động mạnh, năng lực cạnh tranh yếu kém, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và thị trường...

Bởi thế, để kéo nền kinh tế tiếp tục hồi phục và phát triển, gốc rễ vấn đề nằm ở việc gỡ khó cho doanh nghiệp. Chỉ khi gỡ khó được cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định đầu tư phát triển thì nền kinh tế mới có thể thực sự phục hồi và tăng tốc phát triển.

Mặc dù Thủ tướng đã chỉ đạo nhiều giải pháp. Trong đó có việc hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ, giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng; kiến nghị các cấp thẩm quyền tiếp tục xem xét các chính sách giảm thuế; giảm, hoãn phí, lệ phí… để tăng nguồn vốn cho doanh nghiệp nhưng vẫn có nhiều thủ tục hành chính, nhiều quy định khiến doanh nghiệp khó đơn, khó kép cần được điều chỉnh hoặc tháo gỡ.

Ví dụ mới đây, khi Công văn số 2392/TCT-QLRR, Tổng Cục Thuế quy định về việc kiểm tra hóa đơn điện tử. Trong đó yêu cầu các Chi cục Thuế kiểm tra người nộp thuế xuất hóa đơn vượt ngưỡng an toàn thì trên các diễn đàn cộng đồng nhân sự kế toán hiện nay, hàng nghìn ý kiến bức xúc của các doanh nghiệp liên quan đến những bất cập của hệ số K trong các quy định quản lý rủi ro hóa đơn của ngành thuế đã được trình bày, trao đổi và tham vấn các cơ quan thuế. Trong khi hiện nay, tốc độ phản hồi (hướng dẫn, sửa đổi các quy định) của ngành thuế khá chậm chạp. Nhiều trường hợp các hướng dẫn mang tính thiếu thống nhất trên phạm vi toàn quốc, khiến doanh nghiệp, người nộp thuế gặp lúng túng, khó khăn, tốn kém đáng kể về thời gian và chi phí để tuân thủ pháp luật về thuế.

dau-tu-cong-2.jpg

Trên thực tế tại các địa phương, hầu hết các doanh nghiệp cho rằng, hệ số K mà Tổng cục Thuế xây dựng, tích hợp trong phần mềm quản lý hóa đơn điện tử còn nhiều bất cập, chưa chính xác và chưa đầy đủ. Vì thế, hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã gặp phiền phức khi liên tục phải gửi cảnh báo hóa đơn cho đối tác, khách hàng.

Chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn, một doanh nghiệp (xin giấu tên) cho biết: “Việc gửi cảnh báo rủi ro đến các doanh nghiệp, đối tác làm mất uy tín của công ty chúng tôi. Khi làm việc với một đối tác, họ không quan tâm tới việc doanh nghiệp có thực sự vi phạm pháp luật về thuế hay không, hay chỉ là nhầm lẫn. Họ chỉ cần biết doanh nghiệp đang có vấn đề về thuế thì sẽ dè chừng và tạm hoãn công việc cho đến khi doanh nghiệp giải quyết minh bạch, rõ ràng. Nhưng, trong thời gian chờ cơ quan thuế ban hành văn bản đính chính thì quá dài, thậm chí là 2-3 tháng, hàng trong kho có thể hư hao, ai là người sẽ chịu trách nhiệm?

Cụ thể doanh nghiệp của tôi đã phải chịu thiệt hại trong hai đơn hàng của hai đơn vị đối tác. Tôi đã tự gửi giải trình cho các công ty đối tác nhưng họ cũng không chấp nhận và đã ngưng nhận hàng của tôi cho tới khi có văn bản đính chính của Cục thuế. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp tìm kiếm được một đơn hàng không phải điều dễ dàng, nếu cảnh báo bị nhầm lẫn, chắc chắn gây thiệt hại rất lớn với doanh nghiệp.

Theo tôi, nên có sự kiểm tra, thanh tra thực tế trước khi gửi cảnh báo đến tất cả các khách hàng của doanh nghiệp. Nếu thực sự doanh nghiệp làm sai, có thể xử lý theo quy định của pháp luật, lúc đó chưa muộn. Tránh tình trạng cảnh báo nhầm lẫn, gây thiệt hại kinh tế cũng như ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Quân - Chủ tịch của Công ty TNHH Vietnam Laws cũng chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn và cho rằng: Việc áp dụng hệ số K theo công văn 2392/TCT-QLRR ngày 14/06/ 2023 nhằm mục đích kiểm soát “Danh sách NNT thuộc diện giám sát xuất hóa đơn vượt ngưỡng an toàn” từ đó ngăn chặn và chấn chỉnh tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp; đây là điểm tích cực mang lại sự công bằng cho nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, không những các doanh nghiệp thuộc một số ngành nghề như dịch vụ, tư vấn và các hộ kinh doanh có mua hàng nông lâm thủy sản của nông dân bằng bảng kê thu mua… đều nhận được email cảnh báo rủi ro từ hệ thống kiểm soát mà cả khách hàng của họ có cũng nhận email cảnh báo này; điều này dẫn đến nhiều hệ lụy bên bán bị khách hàng chậm thanh toán, hủy hợp đồng và mất rất nhiều thời gian để giải trình với cơ quan thuế. Trong khi đó những hàng hóa này có thời hạn lưu trữ và bảo quản ngắn nên hư hỏng gây thiệt hại kép về kinh tế cho người nộp thuế là điều đáng lo ngại.

Vì những bất cập trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính về thuế nêu trên,các doanh nghiệp đang kiến nghị cơ quan thuế nên cảnh báo đến các DN cung cấp hàng hóa dịch vụ để yêu cầu giải trình trước khi gởi email đồng loạt đến khách hàng của doanh nghiệp.

Ngoài ra, trên trang web “Thuế điện tử” của Tổng cục Thuế hoặc trang “Hóa đơn điện tử” của nhà cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử, cần có thêm chức năng hay công cụ nào đó cho phép doanh nghiệp có thể giải trình trực tuyến và kết nối nhanh chóng đến hệ thống quản lý của Ngành thuế, nhằm đơn giản thủ tục hành chính và thời gian đi lại cho doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gỡ vướng và tạo niềm tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO