Đời thường

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Giữ nếp nhà

Quách Hiền 28/06/2024 14:59

Gia đình với tôi luôn là một cái nôi nuôi dưỡng và hình thành nên những cá tính, phẩm chất, giá trị của mình. Đó là nơi tôi nương náu, là điểm tựa vững chắc để dù thành công hay thất bại cũng quay trở về.

Lưu giữ những giá trị tốt đẹp

Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình công chức tại Hà Nội. Mảnh đất sản sinh ra nền văn hóa dân gian của 36 phố phường cũng tạo nên một phần tính cách của tôi. Và Thủ đô đã lưu giữ những ký ức về năm tháng tuổi thơ cũng như trưởng thành của mấy chị em tôi bên đại gia đình lớn và cả gia đình nhỏ hiện tại.

Gia đình với tôi luôn là một cái nôi nuôi dưỡng và hình thành nên những cá tính, phẩm chất, giá trị của mình. Đó là nơi tôi nương náu, là điểm tựa vững chắc để dù thành công hay thất bại cũng quay trở về.

Gia đình tôi khá là truyền thống và ở thế hệ của chúng tôi thời ấy, mọi sinh hoạt đều đơn giản, không có nhiều sự khác biệt. Hồi xưa ấy, bố mẹ tôi bận đi làm, mấy chị em chúng tôi bận học và cả tuổi thơ dành cho bạn bè chứ không giống như trẻ em thời nay dành quá nhiều thời gian cho công nghệ và áp lực học hành.

Chúng tôi sống nhiều thế hệ trong một mái nhà - mạch nguồn của những giá trị truyền thống từ thế hệ này nối tiếp thế hệ sau, dù vật chất thiếu thốn nhưng lại rất đủ đầy về tinh thần. Tôi cứ quan sát cách ông bà, cha mẹ dạy con, cũng học hỏi và áp dụng cho thế hệ của mình và lưu giữ những giá trị tốt đẹp, từ lời ăn tiếng nói đến việc kính trên nhường dưới, giữ bữa cơm gia đình mỗi tối, chỉn chu áo quần trước khi bước ra đường, sống giản dị, quan tâm đùm bọc lẫn nhau. Tất cả trở thành giá trị sống, định hình phong cách sống của tôi.

Sau những giờ kinh doanh ngoài xã hội, trở về nhà tôi là một người con, một người vợ, một người mẹ. Riêng với gia đình nhỏ của mình, tôi luôn cố gắng mang vào hai giá trị, đó là sự tôn trọng và yêu thương. Tại sao lại nói là tôn trọng? Vì cho dù mình có là ai, sự nghiệp có thể rất thành công, nhưng vẫn là một một phụ nữ - một người “giữ lửa” trong gia đình. Thế nên, phải luôn giữ được sự tôn trọng với những thành viên trong gia đình. Tôn trọng những cá tính, mong muốn và biết rõ vai trò của mình thì chắc chắn mỗi người sẽ đều yên bình trong không gian của gia đình.

di-choi.jpg

Riêng yêu thương thì quả thật khó, bởi để nói thì luôn dễ, ai cũng có thể nói rằng tôi yêu chồng tôi, yêu con, yêu gia đình tôi. Tôi từng trải qua một giai đoạn dài để tự trưởng thành trong các vai trò ở gia đình. Sau những lần sai, tôi nhận thấy, với gia đình và các thành viên không quá kỳ vọng, kiểm soát và để cho mỗi người một không gian riêng là điều tốt nhất.

Tình yêu thương ấy là không kỳ vọng. Yêu, nhưng hãy để họ được là chính họ, chứ không bắt bất kỳ ai trở thành hình mẫu mà mình vẽ ra.

Môi trường bên ngoài đã rất áp lực và nhiều khuôn khổ, rào cản, giới hạn. Hai giá trị tôn trọng và yêu thương đã giúp tôi giữ lửa trong ngôi nhà nhỏ của mình.

Luôn tò mò để hiểu con

Công việc kinh doanh, tư vấn chiến lược chiếm nhiều thời gian của tôi. Mặc dù cố gắng sắp xếp nhưng không phải lúc nào cũng trọn vẹn, nhiều thời gian cho con. Tôi có hai con gái, một bạn năm nay đã 13 tuổi, một bạn bước sang tuổi 19. Việc dành thời gian cho con là điều mà tôi luôn ưu tiên. Mỗi khi ở bên cạnh các con, tôi và ông xã luôn cố gắng tìm hiểu xem những mong muốn, nhu cầu của các con ở thời điểm hiện tại là gì, thiết kế những hoạt động để có thể cùng làm, trò chuyện với nhau, đồng thời chia sẻ, gợi mở cho các con những bài học một cách nhẹ nhàng nhất.

Tôi nghĩ như vậy sẽ tốt hơn, thay vì chờ đến lúc các con có vấn đề gì đấy xảy ra thì mới ngồi giáo huấn, dạy con một cách nặng nề. Mỗi tuần, vợ chồng tôi cùng nhau nấu ăn, làm bánh hoặc đi cà phê sách, xem phim. Mỗi hoạt động như vậy chúng tôi sẽ lồng ghép những câu chuyện chia sẻ cùng các con.

Tuy vậy, tôi cũng nhận thấy nhiều sự khác biệt trong các thế hệ. Thậm chí có khoảng cách lớn, nhất là khi công nghệ số rất phát triển. Các bạn nhỏ được tiếp xúc với nhiều thông tin phức tạp, không chính thống và đôi khi cha mẹ không thể kiểm soát được những điều mà các bạn ấy tiếp nhận. Vì vậy mà suy nghĩ của các bạn trẻ cũng phức tạp hơn nhiều so với thế hệ trước, khiến khoảng cách giữa các thế hệ ngày càng lớn hơn.

Cùng với việc dành thời gian cho con, tôi thường quan sát, nói chuyện và tâm sự nhiều với các con và đặt ra những nguyên tắc. Ví dụ, đến khi con tôi học năm lớp 9, tôi bắt đầu cho dùng điện thoại thông minh. Và như vậy là con có quyền truy cập vào mạng xã hội. Tôi cho con tự đưa ra quyết định, rằng điều gì sẽ hợp với con. Đồng thời, tôi cũng chủ động sử dụng mạng xã hội để kết bạn với con.

Rất nhiều lần tôi được nghe bạn bè tâm sự, khi về nhà hỏi han tình hình của con thì hay nhận được câu trả lời là bình thường hoặc không có gì cả. Nhưng chính lúc đó, cha mẹ càng nên quan tâm và trò chuyện cùng con nhiều hơn. Có thể là trước giờ đi ngủ hoặc trong bữa cơm gia đình. Ý tôi là hãy thực sự tò mò. Tò mò để hiểu về suy nghĩ của con, hiểu về suy nghĩ của thế hệ các bạn trẻ, coi con như là bạn mình chứ không phải ở vị trí mà mình đã làm cha, làm mẹ. Đôi khi mình cũng phải “ngô nghê” một chút và đặt mình ngang hàng với con thì lúc đó con mới cảm thấy an toàn và bỏ đi tấm rào chắn - cái hàng rào phòng vệ để chia sẻ mọi chuyện.

doi-thuong.jpg

Nói là như vậy, nhưng cũng có thời điểm tôi cũng gặp thách thức trong việc làm bạn với con. Khi các bạn bước vào giai đoạn cuối tuổi “teen”, khoảng 16-17 tuổi, tôi cảm thấy mình như bị “đóng cửa” ở bên ngoài thế giới của con. Không biết con đang nghĩ gì, gặp khó khăn gì, con đang vật lộn với những gì. Đó là cảm giác bế tắc và bất lực của một người mẹ. Giai đoạn đó tôi phải tìm đến chuyên gia tâm lý, những cuốn sách viết về quá trình phát triển của các lứa tuổi để có nhiều góc nhìn đa chiều, “thoát khỏi vai” một người mẹ và tạo sự gắn kết, yêu thương con. Trong nhiều năm sau này ở mọi lựa chọn của con,

Hành trình làm doanh nhân, làm con, làm vợ, làm mẹ - giữ lửa một gia đình trọn vẹn, ấm êm là không dễ. Mỗi gia đình đều có những lúc không bình yên. Nhưng sau tất cả, nhà vẫn là nơi ấm êm nhất, nơi “những cơn bão dừng sau cánh cửa” và cũng là nơi trú ẩn của mỗi người trong đời.

(*) CEO Công ty Coach For Life

Ka Mi (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Giữ nếp nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO