Du lịch đêm, vẫn chưa có lời giải
Chính xác là chưa có lời giải hiệu quả. Khắp nơi đang hô hào và mỗi nơi làm một kiểu, chủ yếu theo cảm tính và thói quen “Gắp đồ ăn cho khách”.
Những năm qua, du lịch Việt đã rất nỗ lực và đạt được những thành tựu đáng khích lệ nhưng có thể làm tốt hơn rất nhiều nếu dám thay đổi. Năm 2024, du lịch Việt có thể vượt Singapore về lượng khách, vươn lên xếp thứ 3 ở ASEAN. Truyền thông lại sẽ lặp lại những lời có cánh như “Kỳ tích”, “Ngoạn mục”, “Tuyệt đỉnh”…
Hơn một đất nước nhỏ hơn mình 451 lần dân số và 18 lần diện tích thì có gì vẻ vang? Chưa kể, chỉ hơn lượng khách, còn doanh thu kém xa. Du lịch Việt cần phải học thật sự. Chẳng cần Âu, Mỹ xa xôi, chỉ cần các nước ASEAN. Du lịch bền vững, học Malaysia và Lào. Dụ khách tiêu tiền, học người Thái.
Malaysia không bán rượu bia, thuốc lá rất đắt, không có ăn chơi tới bến nhưng năm 2019 đón 27 triệu khách nước ngoài (dân số gần 33.000.000). Năm 2024 đón 28 triệu, vượt 2019. Lào không có biển, năm 2019 đón 4,8 triệu khách (dân số 7,2 triệu). Năm 2019, Thái Lan đón 39,8 triệu khách (dân số 71,2 triệu), xếp thứ 8 thế giới về lượng khách nhưng doanh thu xếp thứ 4. Người Thái là bậc thầy về nghệ thuật “dụ” khách tiêu tiền.
Từ nào tới giờ, du lịch Việt chủ yếu đầu tư khách sạn, nhà hàng, tham quan và một ít mua sắm; chưa thật sự quan tâm những trải nghiêm về văn hóa; từ ẩm thực, phong tục, trang phục, chợ, sản xuất, quà tặng đến văn nghệ, giải trí… của du khách. Danh thắng và lưu trú, các nước có nhiều điểm tương đồng nhưng văn hóa thì khác biệt.
Chính văn hóa (nghĩa rộng) tạo nên bản sắc hấp dẫn du khách. Nếu cơ sở hạ tầng là “phần xác”, thì văn hóa là “phần hồn” tạo nên “con người”. Du lịch Việt phải cạnh tranh ngang ngửa Thái Lan về lượng khách lẫn doanh thu nhưng vẫn đảm bảo tính bền vững như Malaysia và Lào. Cuộc sống luôn có hai mặt đối lập. Vấn đề là sự chọn lựa phù hợp.
Việc cần làm ngay là thay đổi suy nghĩ về du lịch. Chẳng nước nào chạy theo số lượng khách, gộp cả khách tham quan điểm đến, dự lễ hội, đi chùa. Du lịch là phải lưu trú, qua đêm; là doanh thu đầu khách và tổng doanh thu chứ không phải số lượng khách. Nhà nước quản lý bằng chính sách; điều hành bằng giám sát, hỗ trợ, gỡ khó chứ không nghĩ thay, làm thay.
Kinh tế đêm gồm rất nhiều lĩnh vực trong đó có chợ đêm. Chỉ có trường học, cơ quan, văn phòng làm việc theo giờ hành chánh. Các đơn vị kinh doanh, dịch vụ liên quan, đặc biệt trong ngành du lịch (khu vui chơi, bảo tàng, mua sắm, giải trí…), làm việc tù 9-10 giờ đến 21-22 giờ, thậm chí xuyên đêm nếu có nhu cầu.
Làm gì cũng phải tính kỹ. Chợ đêm chưa hiệu quả là do không nắm được nhu cầu thực tế của khách, thích làm theo cảm tính. Không nghe phản biện, không có cơ sở khoa học, muốn ăn quả mà không chịu trồng cây. Có lẩu thập cẩm nhưng không có văn hóa thập cẩm. Mỗi loại hình có thị phần khách riêng. Phố đi bộ cũng có nhiều loại để khách chọn lựa.
Không thể đưa phố ẩm thực ra hồ Xuân Hương (Đà Lạt), hồ Gươm (Hà Nội), nhà thờ Đức Bà (TP.HCM)… Phố nào ra phố đó. Không ai cấm đường sách, đường tranh, đường tem, đường đi bộ… có tủ bán nước uống và thức ăn nhẹ. Chợ đêm là không gian văn hóa, không riêng gì ẩm thực, nhưng không thể là chợ nhậu.
Chưa có nước nào bao cấp kinh tế đêm lẫn chợ đêm. Chẳng nước nào bỏ ngân sách hàng trăm tỷ tổ chức sự kiện hoặc thuê diễn viên diễn show miễn phí mà không chứng minh được hiệu quả cụ thể. Các nhóm nhạc nhỏ, có thể diễn ở chợ đêm để quảng bá thương hiệu cá nhân nhưng âm thanh vừa phải, không làm phiền người khác.
Tôi vừa đi chợ phiên Temerloh, bang Pahang, Maylaysia hằng tuần. Tối thứ 6 là chợ của các bạn trẻ. Tối thứ 7 và sáng Chủ nhật là của mọi người. Chợ không có sạp cố định. Người bán đi ô tô, bày hàng lên sạp cơ động, ban ngày có dù che. Khách rất đông. Chủ yếu là ẩm thực, đủ món ăn uống và hàng tiêu dùng nhỏ, hàng lưu niệm; chợ sáng có thêm thực phẩm tươi sống.
Chợ đông nhưng không ồn, không chen lấn và không nói thách. Càng không có việc “chặt chém, trấn lột”. Mấy ca sĩ và nhạc công đường phố hát chay hoặc dùng âm thanh vừa đủ nghe, phục vụ miễn phí, có hộp tiền típ tùy hỷ. Mấy nhân vật để trẻ con chụp hình cũng vậy. Du khách rất thích đi chợ và tìm hiểu văn hóa bản địa qua ăn uống.
Kinh tế phải bắt đầu tự nội địa rồi mới xuất khẩu. Cơ sở hạ tầng, trước hết phục vụ dân mình. Giữ vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, trước là cho mình, cho cộng đồng; chứ không phải chỉ cho du khách như suy nghĩ khá phổ biến hiện nay. Các chợ đêm bền vững đều bắt đầu từ nhu cầu người dân tại chỗ, được nâng cấp khi có du khách.
Khách du lịch đi chợ đêm để trải nghiêm văn hóa thật, chứ không phải xem chợ diễn. Tour du lịch đêm cần được khuyến khích bằng chính sách thiết thực. Khách có thể tự trải nghiệm, mua vé ghép nhóm, mua các option hoặc tổ chức theo đoàn. Cuộc sống có ngày và đêm mới hài hòa, trọn vẹn; du lịch cũng vậy.
Làm gì cũng cần liên kết, để tư duy “Mạnh ai nấy làm” không thể tồn tại. Làm gì cũng sợ, hoặc đổ “tại” và “bị”; tốt nhất là tránh ra để người khác làm.
Phải thay đổi suy nghĩ, thay đổi hành động để du lịch Việt tung cánh.
(*) Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt